A+ A A- Kiểu đọc sách

Đà Nẵng khai trương chợ đêm, phố đi bộ: Thêm hoạt động cho người dân và du khách về đêm

01:00 03/09/2018
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Sau gần 3 năm chuẩn bị, ngày 2/9, chợ đêm kết hợp phố đi bộ ở quận Sơn Trà khai trương và đi vào hoạt động. Đây là tin vui đối với người dân thành phố cũng như du khách, bởi từ lâu, điểm đến vui chơi giải trí, mua sắm về đêm luôn là nhu cầu bức thiết đối với một thành phố du lịch như Đà Nẵng. Các quận Ngũ Hành Sơn, Hải Châu cũng háo hức chờ đợi đề án được phê duyệt, triển khai nhằm tạo điểm nhấn trên địa bàn.

Bà Nguyễn Thị Phương Mai, Trưởng phòng Kinh tế quận Sơn Trà, người đã gắn bó ngay từ đầu trong việc lập đề án hình thành chợ đêm kết hợp phố đi bộ tại đoạn đường Lý Nam Đế – Mai Hắc Đế thuộc phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, phấn khởi thông báo: “Đến thời điểm này, đơn vị nhận đấu thầu và xây dựng khu chợ đêm này đã chuẩn bị chu đáo và sẵn sàng các công đoạn, từ ki-ốt bán hàng di động đến banner quảng cáo, hệ thống đèn chiếu sáng… để chính thức đi vào hoạt động sau lễ khai mạc vào ngày 2-9. Riêng các cổng chào sẽ tiếp tục hoàn thiện trong thời gian sớm nhất.

Chú thích ảnh
Phối cảnh Chợ đêm Sơn Trà. Ảnh do UBND quận Sơn Trà cung cấp

Trước đó, vào ngày 10/8/2018, tại Quyết định số 3436/QĐ-UBND, UBND thành phố phê duyệt kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án Chợ đêm Sơn Trà (phường An Hải Tây, quận Sơn Trà) là Công ty Cổ phần DHTC Đà Nẵng với mức đầu tư là 2,7 tỷ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng 5 năm.

Trong đó, giá cho thuê ki-ốt (bao gồm tiền điện, phí an ninh, môi trường) là 2 triệu đồng/tháng/ki-ốt; mức phí thuê sử dụng lòng đường vỉa hè là 35 triệu đồng/tháng (nhà đầu tư nộp 3 tháng/lần).

Ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố cho biết: “Việc hình thành các khu chợ đêm sẽ tạo ra sản phẩm du lịch, dịch vụ, vui chơi giải trí về đêm cho thành phố. Du khách đến chợ đêm vừa để tham quan, mua sắm; vừa trải nghiệm văn hóa của địa phương.

Lâu nay, hoạt động vui chơi giải trí về đêm của Đà Nẵng còn hạn chế. Với Chợ đêm Sơn Trà, để tạo nét đặc trưng riêng, thành phố sẽ ưu tiên bố trí các hàng hóa, sản phẩm của địa phương, xen kẽ là các dịch vụ ăn uống, giải trí”.

Lý giải về việc thành phố chọn bờ đông sông Hàn để hình thành chợ đêm Sơn Trà, ông Cường cho rằng, nơi đây thuận tiện về giao thông. Đường Lý Nam Đế song song với đường Võ Văn Kiệt gần khu vực cầu Rồng và công viên công cộng có mặt bằng sân chơi lớn, thường xuyên diễn ra các sự kiện, hoạt động nghệ thuật đường phố và có không gian rộng, đường giao thông thông thoáng nối từ đường Trần Hưng Đạo đến đường Ngô Quyền.

Ngay cạnh có bãi đất trống rộng có thể đậu, đỗ xe và hứa hẹn sẽ hình thành nhiều hoạt động thương mại-dịch vụ tại đây. Từ đây cách biển chỉ 3 phút đi xe và thường xuyên là điểm dừng chân đón trả khách của các xe du lịch. 

Hình thành từ giữa năm 2017, tuy nhiên đến nay, Phố du lịch An Thượng (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) vẫn phải dời ngày chính thức “mở cửa” do còn đợi quyết định của thành phố.

Ông Lê Minh Hòa, Trưởng phòng Kinh tế quận Ngũ Hành Sơn cho biết, hiện nay mọi công tác chuẩn bị, đầu tư hạ tầng vẫn được thực hiện thường xuyên và đã thành lập xong Ban quản lý Phố du lịch An Thượng, vận động người dân thực hiện lắp đặt camera an ninh, triển khai làm bãi đỗ xe, lát gạch, trồng cây xanh.

Đồng thời, quận cũng phối hợp với Sở Du lịch thành phố đưa điểm đến này vào nội dung giới thiệu trong các tour, tuyến của các hãng lữ hành, doanh nghiệp du lịch.

Cùng với Phố du lịch An Thượng, theo ông Hòa, hiện nay quận Ngũ Hành Sơn triển khai nghiên cứu, lên phương án hình thành phố đi bộ kết hợp chợ đêm ở đường Chương Dương (dưới chân cầu Trần Thị Lý). Hiện đơn vị tư vấn đang hoàn thiện phương án để trình các ngành chức năng và UBND thành phố. Dự kiến, sẽ tiến hành lót lại vỉa hè, lắp đặt thùng để rác. Khu phố này cũng có các gian hàng bán đồ lưu niệm, đồ ăn uống, sân khấu ca nhạc biểu diễn hằng đêm.

“Sau khi Chợ đêm ở quận Sơn Trà đi vào hoạt động, chúng tôi sẽ tham khảo và học tập từ mô hình này để rút kinh nghiệm và xây dựng phố đi bộ đường Chương Dương đạt yêu cầu và hiệu quả”, ông Hòa cho hay.

Nằm ở vị trí trung tâm của thành phố với hàng loạt tuyến đường đắc địa như: Bạch Đằng, Trần Phú, Nguyễn Văn Linh nối dài..., tuy nhiên, đến nay trên địa bàn quận Hải Châu vẫn chưa hình thành khu phố đi bộ hay chợ đêm nào. Hoạt động vui chơi giải trí, dịch vụ về đêm tại các tuyến đường trên, nhất là “con đường vàng” Bạch Đằng kéo dài từ chân cầu Trần Thị Lý đến cuối đường Như Nguyệt rất nghèo nàn.

Theo đánh giá của các ngành chức năng, lợi thế về vị trí của tuyến đường này chưa được khai thác hết công năng dù hằng ngày, hằng đêm, lượng khách du lịch, người dân đổ về đây tản bộ rất lớn. Phố đi bộ và Chợ đêm Đà Nẵng dự kiến được hình thành với diện tích 21.000m2, kéo dài khoảng 1.000m, bắt đầu từ đoạn cầu Rồng (đối diện Công viên APEC) tới cầu Nguyễn Văn Trỗi với kinh phí khoảng 40 tỷ đồng, được quy hoạch các phân khu cụ thể.

Phương án quận chọn rất khả thi vì tính quy mô, chuyên nghiệp, sát với thực tiễn trong từng phân khúc xây dựng, được nghiên cứu và rút kinh nghiệm từ những khu chợ đêm bị thất bại trước đây. Về phía UBND quận Hải Châu cho hay, hiện vẫn đang chờ đợi vào quyết định cuối cùng của UBND thành phố để bắt tay vào triển khai xây dựng chợ này.

Thảo Nhi

Người Hà Nội đội mưa dạo phố đi bộ Trịnh Công Sơn

Người Hà Nội đội mưa dạo phố đi bộ Trịnh Công Sơn

Tối 11/5, tuyến phố đi bộ Trịnh Công Sơn thuộc phường Nhật Tân, quận Tây Hồ (Hà Nội) chính thức được khai trương, tạo thêm không gian vui chơi, giải trí cuối tuần cho người dân Thủ đô và du khách.

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...