A+ A A- Kiểu đọc sách

Cụm đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh: Liên tục bị trộm sắc phong, cổ vật

15:00 26/09/2012
loading...

(TT&VH) - Tại Bắc Ninh, cụm đền, đình thờ Thái sư Lê Văn Thịnh được xây dựng qua các triều đại hiện đang lưu giữ nhiều cổ vật và sắc phong có giá trị. Tuy nhiên, gần đây, nhiều cổ vật và sắc phong liên tục bị kẻ gian lấy trộm.

Trước những vụ trộm liên tiếp, người dân địa phương xôn xao, không hiểu ngoài việc lấy đồ cổ, kẻ gian còn có ý đồ gì khi nhằm vào ngôi đền thờ danh nhân có công gìn giữ cương thổ đất nước?



Đình Yên Việt

Kẻ trộm sắc phong làm gì?

Những sắc phong tại đình thờ Thái sư Lê Văn Thịnh, bên cạnh tính chính thống công nhận của Nhà nước phong kiến còn lưu giữ nhiều thông tin giá trị.

Đêm 12 rạng sáng 13/8 vừa qua, tại đình đền Yên Việt, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, kẻ gian đã bẻ khóa vào lấy trộm toàn bộ 11 đạo sắc phong.

Ông Nguyễn Quang Dương, trưởng BQL di tích cho biết: “Khi có tin báo kẻ gian bẻ khóa vào đình, chúng tôi kiểm tra hậu cung thì phát hiện hòm sắc bị lật tung. 11 đạo sắc bị mất, kẻ gian để lại bản thần phả chữ Hán sao lại từ bản thần phả có niên đại Hồng Phúc nguyên niên (1572). Hai bình hương ở hậu cung cũng đã bị kẻ gian vứt lỏng chỏng trên bàn thờ sau khi đã đổ hết tro và chân hương. Có lẽ chúng nghĩ đó không phải là cổ vật".



Hòm sắc trước ngai thờ đình Yên Việt đã mất hết 11 đạo sắc phong.

Ông thủ từ Nguyễn Đình Xum cho biết thêm: "Chỉ vài ngày sau, ông Nguyễn Văn Thuận (thủ từ cũ) vào hậu cung thắp hương lại phát hiện mâm bồng bằng đồng thời Nguyễn và be rượu men lam thời Nguyễn bị đánh cắp”.

Sự việc đã được công an huyện Gia Bình lập biên bản, điều tra, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Ông Nguyễn Quang Dương cho biết thêm: “Năm 2009, kẻ gian cũng vào hậu cung lục tung hòm sắc nhưng không lấy đạo sắc phong nào, chúng chỉ tìm cổ vật. Có lẽ vừa qua, chúng được “đặt hàng” nên lấy cả sắc phong.

Trong 11 đạo sắc phong của các triều vua Lê – Nguyễn của đền Yên Việt bị đánh cắp, sắc phong cổ nhất có niên đại: Cảnh Hưng nguyên niên (1740); sắc phong mới nhất là từ thời vua Khải Định (1924).

Đình Yên Việt là đình thứ hai trong “thập đình” chỉ sau đình Cả là đình đền Bảo Tháp, được tổ chức lễ hội vào các năm có hàng chi Thân, Tý, Thìn. “Thập đình” là lễ hội chung của 10 làng Bảo Tháp, Yên Việt, Hương Vinh, Đông Cao, Hiệp Sơn, Tri Nhị, Địch Trung, Vân Xá, Huề Đông, Cứu Sơn, tôn Lê Văn Thịnh làm Thành hoàng làng. Đình được xây dựng thời Lê Trung Hưng với quy mô lớn, chạm khắc tinh xảo. Đến triều vua Tự Đức, niên đại năm thứ hai (1849), đình được trùng tu. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đình bị phá hủy hai gian hậu cung. Năm 1992, dân làng phục dựng lại ba gian hậu cung này. Qua thời gian và các đợt trùng tu, đình vẫn giữ được vẻ đẹp với những chạm khắc nghệ thuật điêu luyện.

Trộm liên tục viếng thăm

Cùng trong “thập đình”, đình Cứu Sơn xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, chỉ cách đình Yên Việt khoảng 2km, cũng đã bị kẻ gian khoét vách đột nhập lấy đi cổ vật.

Khi phóng viên TT&VH về địa phương tìm hiểu, ông Nguyễn Đăng Vạn, Trưởng thôn Cứu Sơn từ chối cung cấp thông tin, và nói: “Công an còn chịu thì báo chí chẳng đăng để làm gì. Cứ để cho sự việc trôi đi là hơn”.



Ông Nguyễn Quang Dương (trái) và ông Nguyễn Đình Xum kể chuyện mất trộm cổ vật ở đình Yên Việt

Chúng tôi tiếp tục đến nhà ông Nguyễn Sĩ Bàng, thủ từ đình Cứu Sơn, khác với thái độ của ông Vạn, ông Bàng kể lại tỷ mỉ việc mất trộm: “Kẻ gian đột nhập lấy trộm cổ vật trong đình vào rạng sáng 15/5. Kẻ gian đã lấy đi ba bình hương đồng thời Nguyễn, một bình hương sứ, 2 nậm rượu sứ, 2 chóe đựng nước cúng". Ông Bàng cho biết: Cách đây 3 năm, kẻ gian cũng đã đột nhập lấy đi đôi lục bình cổ và một bình hương sứ cổ.

Ban Quản lý đình Cứu Sơn cũng đã báo cáo sự việc lên chính quyền xã Đông Cứu và công an huyện Gia Bình đã về lập biên bản. Tuy nhiên, cho đến nay, tung tích những cổ vật và sắc phong vẫn "bặt vô âm tín". Trong khi đó, nhiều người dân địa phương cho rằng, kẻ gian có ý đồ gì khi nhằm vào ngôi đền thờ danh nhân có công gìn giữ cương thổ đất nước?

Lê Văn Thịnh là quan Thái sư thời Lý, là vị khoa bảng đầu tiên, năm 1075, tại kỳ thi Minh Kinh Bác học và Nho học tam trường ông đỗ đầu trong 10 người. Ông là nhà ngoại giao kiệt xuất khi giành lại ba động sáu huyện phía Bắc của tổ quốc rơi vào tay nhà Tống qua đàm phán tại trại Vĩnh Bình năm 1084...

Từ Khôi

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...