Cục Khảo thí: 'Các trường tốp giữa có thể lấy cao hơn năm trước ít nhất 2 điểm'
(Thethaovanhoa.vn) - Ông Trần Văn Nghĩa, Cục Phó Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT cho hay, để có cơ hội trúng tuyển cao nhất từ NV1, thí sinh cần tham khảo kỹ các thông tin gồm điểm chuẩn năm trước của ngành, trường định xét tuyển; số điểm đạt được; vị trí của mình theo phổ điểm.
Theo ông Nghĩa, nguyên tắc rất cơ bản là những trường, ngành năm trước có điểm chuẩn cao thì năm nay cũng sẽ cao. Các thí sinh phải dựa vào điểm này để xác định nên nộp vào đâu. Nếu điểm gần với điểm chuẩn của các trường thì mới nên nộp hồ sơ xét tuyển, nếu chênh lệch quá nhiều thì khả năng trúng tuyển rất thấp.
PGS.TS Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục
Ông Nghĩa cũng nói thêm, năm nay số lượng học sinh đạt từ 24 điểm trở lên không có biến động nhiều so với năm trước nhưng điểm từ 15-19 rất nhiều, vì thế có thể dự báo các trường tốp giữa có thể lấy cao hơn năm trước ít nhất 2 điểm. Ví dụ nếu năm ngoái trường lấy 15-16 điểm, năm nay thí sinh được 17,5-18 điểm thì có nhiều cơ hội đỗ.
Với những trường tốp trên, ông Nghĩa cho hay với phổ điểm mà Bộ GD-ĐT cung cấp, cả nước chỉ có vài trăm em được trên 28 điểm. Dựa vào đây, thí sinh hoàn toàn có thể tính toán được khả năng đỗ của mình dựa trên điểm chuẩn vào các trường năm trước, điểm mình đạt được và vị trí trong toàn hệ thống. Đây là cơ sở quan trọng nhất để các em xác định ngành, trường nộp hồ sơ xét tuyển.
Liên quan đến “đường lui” mà Bộ GD-ĐT dành cho các thí sinh, tức là trong vòng 20 ngày của đợt xét tuyển đầu được chuyển nguyện vọng sang ngành khác của trường hoặc rút hồ sơ nộp sang trường khác, ông Nghĩa cho rằng thí sinh phải rất cẩn thận, phải làm đúng như hướng dẫn bên trên và chỉ khi có đột biến mới nên rút hồ sơ vì thông tin đăng ký xét tuyển biến đổi hàng giờ, trong vòng 1-2 giờ tới không biết ai rút ra, ai nộp vào, nên đây chỉ là thông tin tham khảo.
Ông Nghĩa ví dụ, đến ngày thứ 15 chỉ tiêu chỉ lấy 300 nhưng mình ở vị trí 500 thì mới nên rút, nhưng nếu ở vị trí thì vẫn còn cơ hội vì có thể sẽ có người rút. “Thông tin về danh sách thí sinh xét tuyển các trường cập nhật chỉ là một kênh tham khảo, biến đổi liên tục. Việc rút hồ sơ chỉ là cách cuối cùng khi tính toán nhầm, không nên xem đó là cứu cánh và lạm dụng việc này" - ông Nghĩa tư vấn.
P.V