A+ A A- Kiểu đọc sách

Cục Hàng không Việt Nam lên kế hoạch triển khai hộ chiếu vaccine

14:25 06/04/2021
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản báo cáo Bộ Giao thông Vận tải việc triển khai áp dụng hộ chiếu vaccine với khách nhập cảnh.

Vietnam Airlines tiên phong nghiên cứu thử nghiệm 'hộ chiếu vaccine'

Vietnam Airlines tiên phong nghiên cứu thử nghiệm 'hộ chiếu vaccine'

Trao đổi với phóng viên TTXVN ngày 23/3, ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng Ban Truyền thông thương hiệu – Vietnam Airlines cho biết, Vietnam Airlines sẽ là hãng hàng không tiên phong cùng các cơ quan trong và ngoài nước nghiên cứu, xây dựng, thử nghiệm “hộ chiếu vaccine”.

Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam khẳng định: Việc sớm mở lại các chuyến bay quốc tế hường lệ là rất cấp bách. Từ đây, cơ quan này kiến nghị cơ chế áp dụng hộ chiếu vaccine với khách nhập cảnh.

Cụ thể, khách có hộ chiếu vaccine (đã được tiêm vaccine) và có kết quả xét nghiệm PCR âm tính với COVID-19 sẽ được nhập cảnh Việt Nam và giảm đến mức tối thiểu thời gian cách ly tập trung.

Cũng theo Cục Hàng không Việt Nam hiện Việt Nam chưa có các quy định pháp lý liên quan đến việc triển khai hộ chiếu vaccine tại Việt Nam cũng như đòi hỏi cần có những thỏa thuận liên quan ở cấp Chính phủ, liên bộ giữa Việt Nam và các nước để triển khai áp dụng đối với khách quốc tế nhập, xuất cảnh Việt Nam.

Thông tin thêm, Cục Hàng không Việt Nam cho hay: Khái niệm "hộ chiếu vaccine", hay một loạt các khái niệm khác liên quan như "digital green pass", "green pass" có thể được hiểu là ghi chép về dữ liệu sức khỏe cá nhân, bao gồm tài liệu, giấy tờ chứng minh đã tiêm vaccine hay đã có chứng nhận xét nghiệm âm tính, được xác thực trên nền tảng số.

Chú thích ảnh
Kiểm tra an ninh hàng không tiếp viên đoàn bay. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

"Việc tiêm vaccine có thể phòng chống dịch bệnh về lâu dài tuy nhiên để có thể khôi phục hoạt động vận tải hành khách quốc tế thường lệ một cách nhanh chóng thì cần ứng dụng công nghệ 4.0 trong việc chứng nhận đã tiêm vaccine hoặc đã có xét nghiệm âm tính. Sử dụng hộ chiếu vaccine, kết hợp với việc hành khách có kết quả xét nghiệm PCR âm tính là giải pháp hữu hiệu để có thể khởi động lại thị trường vận tải hàng không quốc tế thường lệ. Mặt khác, việc sử dụng dữ liệu điện tử sẽ hạn chế việc làm giả dữ liệu.",  đại diện lãnh đạo Cục hàng không Việt Nam cho hay.

Cũng theo Cục Hàng không Việt Nam, một ưu điểm nữa của hộ chiếu vaccine là việc tạo lập một ứng dụng về sức khỏe cho phép các cá nhân lưu trữ hồ sơ sức khỏe của họ một cách an toàn và riêng tư trên điện thoại. Việc trích xuất dữ liệu qua dạng QR code khi cần cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền cũng là một biện pháp ưu việt nhằm giúp việc xác thực thông tin nhanh chóng cũng như đảm bảo an toàn thông tin cho khách du lịch.

Đồng thời, nếu một hệ thống công nhận chung được hình thành giữa các quốc gia, việc di chuyển và tiến hành hoạt động đi lại của hành khách giữa các quốc gia sẽ trở nên cực kỳ thuận lợi và nhanh chóng cho hành khách cũng như cho cơ quan chức năng tại hai quốc gia mà vẫn đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh.

Chú thích ảnh
Ảnh: TTXVN

Mặc dù vậy, Cục Hàng không Việt Nam nhận định, trên thực tế, hiện đã xuất hiện tình trạng làm giả giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính COVID-19 để du khách có thể vượt qua các quy định liên quan đến kiểm soát dịch bệnh do nhiều nước đặt ra.

Từ cuối năm 2020, truyền thông quốc tế đã cảnh báo về sự xuất hiện của thị trường chợ đen hoạt động ngầm và đang sôi động dần lên chuyên bán các giấy tờ giả chứng nhận kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính; trong đó đã có một số trường hợp bị các nhà chức trách phát hiện từ Brazil tới Bangladesh.

Cục Hàng không Việt Nam cũng chỉ rõ: Vaccine ngừa COVID-19 không cung cấp sự bảo vệ đầy đủ hoặc ngay lập tức. Hay nói cách khác, tiêm vaccine vẫn có thể bị nhiễm COVID-19. Bên cạnh đó, cũng cần nghiên cứu kỹ hơn về hiệu quả ngăn ngừa lây nhiễm, cũng như thời gian có hiệu quả của từng loại vaccine khác nhau.

Quan trọng hơn, để hộ chiếu vaccine có thể ứng dụng khi hành khách đi lại qua biên giới, cần có sự công nhận lẫn nhau giữa các quốc gia, cũng như liên kết hệ thống. Để liên kết hệ thống đòi hỏi phải có sự thống nhất về ngôn ngữ, dữ liệu cũng như các quy định về bảo mật thông tin.

Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam đã báo cáo Bộ Giao thông Vận tải Kế hoạch triển khai các chuyến bay quốc tế thường lệ có chở khách vào Việt Nam. Theo đó, việc khôi phục trở lại được các cơ quan này thận trọng chia làm 3 giai đoạn.

Giai đoạn đầu sẽ chỉ khôi phục các chuyến bay trọn gói (combo), áp dụng với công dân Việt Nam.

Bắt đầu từ tháng 7/2021, việc khôi phục các đường bay quốc tế sẽ được chuyển sang giai đoạn 2: Triển khai các chuyến bay thường lệ chở khách vào Việt Nam có cách ly sau khi nhập cảnh cho cả công dân Việt Nam và nước ngoài (phải có xét nghiệm âm tính với COVID- 19). Các chuyến bay này trước mắt sẽ thực hiện trên các đường bay giữa Việt Nam và Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) với tần suất 4 chuyến/tuần/chiều cho các hãng hàng không của mỗi bên.

Giai đoạn 3 dự kiến từ tháng 9/2021, tùy thuộc vào tiến trình tiêm vaccine tại Việt Nam và đánh giá về tính miễn dịch cộng đồng sau khi tiêm vaccine đại trà trong xã hội), Cục Hàng không Việt Nam sẽ triển khai các chuyến bay thường lệ chở khách vào Việt Nam không yêu cầu cách ly sau nhập cảnh khi áp dụng cơ chế "hộ chiếu vaccine".

Thị trường triển khai được xác định là các quốc gia/vùng lãnh thổ công bố chấp nhận hiệu quả phòng dịch COVID-19 của cùng loại vaccine mà Việt Nam đã công bố để áp dụng rộng rãi trong lãnh thổ Việt Nam. Tần suất ban đầu dự kiến 7 chuyến/tuần/chiều cho các hãng hàng không của mỗi bên.

Quang Toàn/TTXVN

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...