A+ A A- Kiểu đọc sách

Công khai xin lỗi những người bị oan sai trong vụ án giết người 40 năm trước

15:47 09/10/2019
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 9/10, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh Vĩnh Phúc, UBND xã Đồng Thịnh, huyện Sông Lô tổ chức buổi xin lỗi và cải chính công khai đối với các ông: Khổng Văn Đệ, Trần Ngọc Chinh, Trần Trung Thám, đều ở xã Đồng Thịnh, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc.

Vụ ông Huỳnh Văn Nén bị kết án oan: Tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thọ tù chung thân

Vụ ông Huỳnh Văn Nén bị kết án oan: Tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thọ tù chung thân

Ngày 14/9, Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã xét xử phúc thẩm đối với bị cáo Nguyễn Thọ (sinh năm 1976, quê xã Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) trong vụ án giết bà Lê Thị Bông và cướp tài sản.

Ngay từ sáng sớm 9/10, nhiều người dân địa phương đã tới trụ sở UBND xã Đồng Thịnh dự buổi xin lỗi và cải chính công khai về vụ án oan đã xảy ra cách đây gần 40 năm.

Cụ thể như sau: Ngày 28/1/1980, ông Chu Văn Quản, ở thôn Vạn Thắng, xã Đồng Thịnh, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phú (nay là huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) lúc ấy là Bí thư Chi bộ thôn bị giết.

Ngày 29/1/1980, Công an huyện và tỉnh Vĩnh Phú (cũ) đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 05, theo Điều 5, Sắc luật số 03 ngày 15/3/1976 của Chính phủ và chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án đến Cơ quan Cảnh sát điều tra, Ty Công an tỉnh Vĩnh Phú (cũ) để điều tra theo thẩm quyền. Quá trình điều tra Ty Công an tỉnh Vĩnh Phú thời điểm đó đã khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 người.

Chú thích ảnh
Ông Trần Ngọc Chinh - một trong 3 người bị oan sai phát biểu. Ảnh: Hoàng Hùng- TTXVN

Theo đó: Ông Trần Trung Thám bị khởi tố ngày 15/2/1980, đến ngày 3/3/1980 ông Thám bị bắt và giam giữ tại Trại giam Phủ Đức (Vĩnh Phú), quá trình giam giữ đến ngày 24/5/1980, ông Trần Trung Thám bị chết. Ông Trần Ngọc Chinh bị khởi tố ngày 20/02/1980, ngày 13/3/1980 bị bắt và bị giam giữ tại Trại giam Phủ Đức. Hai ông Khổng Văn Đệ và Nguyễn Đình Ký cùng bị khởi tố 20/2/1980 và ít ngày sau bị giam giữ Tại trại giam Phủ Đức.

Trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra xác định, chỉ có ông Nguyễn Đình Ký thực hiện hành vi giết ông Chu Văn Quản. Ngày 20/10/1982, Ty Công an tỉnh Vĩnh Phú (cũ) có cáo trạng truy tố ông Nguyễn Đình Ký về tội "giết người". Cáo trạng đã được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phú (cũ) phê chuẩn. Ngày 15/6/1983, Tòa án nhân dân tỉnh đã xét xử, tuyên phạt ông Nguyễn Đình Ký mức án tù chung thân về tội "giết người".

Năm 1982, Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh có Quyết định đình cứu "Không phạm tội giết ông Chu Văn Quản" đối với các ông Trần Trung Thám và Trần Ngọc Chinh, Khổng Văn Đệ.

Như vậy, việc khởi tố, bắt giam trên đã gây oan sai cho những người không thực hiện hành vi phạm tội, thiệt hại về vật chất, tinh thần, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của các ông và gia đình.

Chú thích ảnh
Đại diện người nhà ông Trần Trung Thám, ông Trần Ngọc Chinh, và ông Khổng Văn Đệ tại buổi xin lỗi, cải chính công khai. Ảnh: Hoàng Hùng- TTXVN

Sau khi gia đình các ông (trong vụ án oan) có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại, ngày 24/9/2019, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã làm việc với ông Trần Ngọc Chinh, đại diện hợp pháp của ông Trần Trung Thám (bà Trần Thị Thắm) và ông Khổng Văn Đệ (anh Khổng Văn Hậu) về việc tổ chức xin lỗi và cải chính công khai về vụ việc trên.

Trên cơ sở đó, ngày 9/10/2019, Viện  Kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh Vĩnh Phúc, UBND xã Đồng Thịnh, huyện Sông Lô tổ chức buổi xin lỗi và cải chính công khai đối với các ông: Khổng Văn Đệ, Trần Ngọc Chinh, Trần Trung Thám.

Ông Ngô Khương Tuyến, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Những thiệt hại về vật chất, sức khỏe và tinh thần từ việc khởi tố, bắt giam oan đối với các ông khó có thể bù đắp được. Để khắc phục phần nào hậu quả và sự mất mát từ việc làm oan sai, hôm nay chúng tôi chính thức gửi đến ông Khổng Văn Đệ, Trần Ngọc Chinh, bà Trần Thị Thắm (đại diện hợp pháp của ông Trần Trung Thám) cùng các gia đình lời xin lỗi. Chúng tôi thừa nhận những sai sót của các cơ quan tố tụng đã dẫn tới những hậu quả này.

Cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc cũng thẳng thắn nhận trách nhiệm và nghiêm túc rút kinh nghiệm sâu sắc, thận trọng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, không để xảy ra vụ việc tương tự.

Những người bị oan sai và gia đình người bị oan sai trong vụ án trên đều mong muốn rằng cơ quan chức năng khi điều tra, xét xử cần thận trọng, khách quan để không xảy ra oan sai. Ngoài ra cần thực hiện việc bồi thường về vật chất, tinh thần để bù đắp một phần cho người bị oan sai và gia đình của họ...

Nguyễn Trọng Lịch/TTXVN

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...