Công bố thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 31/12, tại trụ sở UBND Quận 2, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Lễ công bố Nghị quyết 1111/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết: Đây là lần đầu tiên mô hình thành phố trong lòng một thành phố trực thuộc Trung ương được hiện thực hóa trong cuộc sống, là tiền đề quan trọng để hình thành khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông, là hạt nhân và là cực tăng trưởng mới thúc đẩy kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cùng Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển.
Để Nghị quyết 111/NQ-UBTVQH sớm đi vào thực tiễn, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu yêu cầu lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương xây dựng, trình phê duyệt quy hoạch chung thành phố Thủ Đức, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh; nghiên cứu đề xuất nhiệm vụ, quyền hạn vượt trội hơn của chính quyền thành phố Thủ Đức so với chính quyền các quận huyện hiện nay. Thành phố cần ưu tiên đầu tư, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, sử dụng hiệu quả nguồn vốn, giải quyết tốt đơn thư khiếu nại, tố cáo trên địa bàn đồng thời kiện toàn bộ máy chính quyền thành phố Thủ Đức. Cần có lộ trình cụ thể bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, giải quyết chế độ cho lực lượng dôi dư đồng thời tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, Đại biểu HĐND Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Thủ Đức nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng đoàn Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, trên địa bàn Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức đã có những tiền đề hạ tầng rất quan trọng gồm Khu Công nghệ cao, Khu Đại học, Khu Đô thị mới Thủ Thiêm, hệ thống viễn thông 5G, hệ thống giao thông thuận tiện, Công viên Lịch sử - văn hóa dân tộc, sân golf Thủ Đức, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức, Bệnh viện Đa khoa Quận 2, Bệnh viện Ung bướu…
Với thiết kế không gian đô thị hợp lý và quản lý thông minh, thành phố Thủ Đức sẽ là không gian sống xanh, không gian văn hóa dân tộc và quốc tế, vừa là không gian sáng tạo và sản xuất dịch vụ 4.0, một trung tâm trí tuệ nhân tạo lớn của Việt Nam và quốc tế. Trong khoảng 10 năm tới thành phố Thủ Đức có thể tạo ra giá trị gia tăng bằng 1/3 của Thành phố Hồ Chí Minh, khoảng 7% GDP của Việt Nam và cũng là nền kinh tế lớn thứ 3 sau Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Tại buổi lễ, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh: Thành phố Thủ Đức trên cơ sở sáp nhập Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức là mô hình thành phố trong lòng một thành phố trực thuộc Trung ương đầu tiên, giúp khu vực phía Đông Thành phố Hồ Chí Minh phát triển thành hạt nhân, cực tăng trưởng mới, thúc đẩy phát triển kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.
Triển khai thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Thường vụ Thành ủy đã thành lập 2 ban chỉ đạo gồm Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 và Ban Chỉ đạo tiếp tục khắc phục các tồn tại trên địa bàn Quận 2, Quận 9, quận Thủ Đức nhằm tham mưu với Ban Thường vụ Thành ủy các công việc trước mắt và lâu dài theo các mốc thời gian định sẵn, trong đó nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là lựa chọn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, công chức theo tiêu chí, chất lượng, đảm bảo các yêu cầu vị trí việc làm của thành phố Thủ Đức.
“Thành phố sẽ chủ động khẩn trương xây dựng đề án riêng về cơ chế chính sách đặc thù, phát triển thành phố Thủ Đức trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ xem xét, quyết định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thành phố Thủ Đức phát triển mạnh mẽ, thành mô hình kiểu mẫu”, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên cho biết thêm.
Về lộ trình thực hiện Nghị quyết 1111/NQ-UBTVQH14, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, trong giai đoạn 1 (từ ngày 1/1 – 7/2/2021) Thành phố Hồ Chí Minh sẽ hoàn thành việc sắp xếp, bàn giao, ổn định tổ chức bộ máy, nhân sự, cơ sở vật chất của các tổ chức Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan thuộc ngành dọc của Trung ương đóng trên địa bàn tại các đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp để chính thức đi vào hoạt động từ ngày 7/2, đồng thời ban hành các quyết định thành lập Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử, Tổ bầu cử theo đúng quy định pháp luật.
Giai đoạn 2 (từ ngày 7/2 – 23/5), Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thành công cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; đồng thời, triển khai thực hiện các hướng dẫn của sở, ngành trong việc thực hiện thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ có liên quan đến đời sống, an sinh xã hội, kinh doanh cho cá nhân và tổ chức với nguyên tắc không thu các loại lệ phí khi thực hiện việc chuyển đổi do thay đổi địa giới đơn vị hành chính.
- Chính thức thành lập thành phố Thủ Đức
- Phiên họp thứ 51 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Thành phố Thủ Đức có thể đóng góp tới 7% GDP cả nước
Giai đoạn 3 (sau ngày 23/5), các cơ quan chức năng của Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Thủ Đức tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy các cơ quan sau bầu cử, nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách để hoạt động của chính quyền thành phố Thủ Đức đi vào hoạt động hiệu lực, hiệu quả cao nhất.
“Trước mắt, UBND, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh sẽ chủ động đẩy mạnh việc phân cấp, ủy quyền cho UBND, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức để tạo tính đột phá, phát huy cao nhất tính hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý, điều hành của thành phố Thủ Đức”, ông Nguyễn Thành Phong cho biết thêm.
Cũng trong lễ công bố Nghị quyết 1111/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để đặt nền móng cho sự phát triển của thành phố Thủ Đức, Tập đoàn Viettel đã triển khai thử nghiệm mạng viễn thông 5G trên địa bàn thành phố Thủ Đức, đáp ứng tiêu chí của một đô thị hiện đại, thông minh và tương tác cao của Thành phố Hồ Chí Minh.
Trần Xuân Tình - TTXVN