loading...
(TT&VH) - Mùa khô thiếu nước, những người dân sinh sống trên vùng cao gần biên giới tại xã Bù Gia Mập, huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước ngày càng phải vật lộn với nhiều khó khăn trong cuộc sống. Và cũng tại đây đang diễn ra một thực trạng nhức nhối mà chính quyền và người dân đang phải đối diện.
Oằn mình với hạn
Con đường dẫn lên xã Bùi Gia Mập từ trung tâm huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước có chiều dài hơn 40 km, nhưng chúng tôi chỉ được “êm ấm” trên chiếc xe gắn máy vỏn vẹn hơn 15 km. Trong suốt chặng đường còn lại, giữa cái nắng như thiêu đốt, bụi đất bay mịt mù, đường loang lổ ổ voi, ổ gà cứ nối đuôi nhau xuất hiện cùng với những chiếc xe tải ì ạch đang cố sức vượt qua. Đã nhiều năm, gần 6.000 người dân của xã nghèo này đón mùa mưa với sợi xích quấn vào bánh xe gắn máy để khỏi bị trượt té khi đi qua những con đường lầy lội màu đỏ; mùa khô thì chờ đợi những giọt mưa hiếm hoi.
Giếng khoan 107 mét nhưng không có giọt nước nào
Bù Gia Mập có 8 thôn và 1 tổ, trong đó gần 90% là đồng bào dân tộc thiểu số, còn lại là người Kinh. Chúng tôi đến nhà ông Điểu Giấp, người dân tộc Stiêng, nhà ở đội 3, thôn Bù Rên, người được bà con xem là một trong những gia đình tương đối khấm khá tại thôn này. Ông Điểu Giấp cho biết: “Từ tết âm lịch tới nay, mỗi tuần gia đình tôi phải mất 150.000 đồng để mua 3m3 nước sinh hoạt từ nhà của ông Hà Văn Toán vì may mắn là cái giếng đào ở gần con suối của ông còn nước. Năm nào đến mùa khô cũng thiếu nước, năm nay là nặng nề nhất. Dòng suối cách thôn 3 km cũng gần cạn hết rồi, chỉ chảy như chiếc đũa thôi. Đồng bào trong thôn, cứ đến chiều là lũ lượt kéo nhau ra suối múc nước đem về nhà cũng phải 7 – 8 giờ tối”.
Nhà ông Điểu Giấp phải có đến 6 -7 cái giếng khoan, giếng đào nhưng chẳng có giếng nào có nước. Theo ông, năm nào ông cũng tốn từ 8 đến 10 triệu đồng tiền đào giếng, riêng năm nay, nhà ông khoan 1 giếng sâu tới 107 mét mà không có một giọt nước nào. Sau đó tình hình thiếu nước trầm trọng quá, ông lại đào thêm một giếng tới 16 mét, lại bị đụng đá bàn (đá tảng có bề dày từ 0,5 đến 1 mét - pv) nên lại bỏ cuộc. Ông Điểu Giấp nói: “Bao nhiêu tiền đổ hết vào đào giếng, gần 30 triệu mà chẳng có giọt nước nào”.
Trước đó, từ cuối năm 2009, khi bắt đầu mùa khô, UBND xã Bù Gia Mập đã phối hợp với UBND huyện làm dự án đào, khoan giếng cho dân có kinh phí 900 triệu đồng, nhưng đào đến đâu thì đụng đá bàn đến đó, nếu không thì có đào đến cả hơn 100 mét vẫn không có nước. Hiện tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại xã Bù Gia Mập này rất trầm trọng, cùng đường bí lối, đồng bào dân tộc tìm nước bất cứ ở đâu có thể. Bà Thị Bi Ớ, thôn Bù Rên cho biết: “Nơi nào còn nước thì lấy thôi, nước lấy từ suối giờ cũng rất dơ, đục ngầu nhưng cũng phải nấu ăn vì chẳng còn biết lấy nước ở đâu nữa, mà nước suối ngày cũng cạn dần”.
Bà Trần Thị Yến, Chủ tịch UBND xã Bù Gia Mập cho biết: Đây là đợt khô hạn lớn nhất từ trước đến nay, từ đầu tháng 2 chúng tôi đã không kiểm soát được tình hình nước phục vụ sinh hoạt nữa vì hầu hết các giếng trong xã đều đã cạn. Người dân chỉ còn có thể trông chờ vào những nguồn nước như nước suối, nước của tư nhân…
May mắn nhất, hơn 80 hộ dân sinh sống tại thôn Bù Lư có được nước do Cty Thủy nông của tỉnh Bình Phước cung cấp theo chương trình đô thị hóa nông thôn, nhưng chất lượng nước cũng không sạch. Bà Yến cũng trả lời nguyên nhân tại sao Cty Thủy nông không thể cấp nước cho toàn xã: “Công suất nhà máy nước rất thấp, dung tích bồn chứa nước chỉ khoảng 5.000 lít và nhất là địa bàn đồi núi đòi hỏi kinh phí rất lớn. Trong khi đồng bào thiểu số cuộc sống rất khó khăn, họ phải bỏ ra 1,5 triệu đồng để làm đường ống và trả 4.200 đồng cho 1 m3 nước thì hầu hết bà con đồng bào không có tiền để làm”.
Dân lẫn cán bộ xã đều phải vay nặng lãi!
Tại xã Bù Gia Mập, đồng bào thiểu số như Tày, Nùng, Thái, Stiêng, Cao Lan, Sán Dìu… di cư vào đây từ nhiều vùng khác nhau và trở thành cư dân bản địa lâu đời, trước khi đất nước được hoàn toàn giải phóng. Họ khai phá đất rừng làm rẫy trồng mì, trồng điều nhưng cuộc sống của họ vẫn vô cùng khó khăn. Đến năm 1998, xã Bù Gia Mập thành lập, được Đảng và Nhà nước quan tâm nên cuộc sống của họ được chăm lo nhiều hơn. Tuy nhiên, cũng chính từ cách sống và lối suy nghĩ, tập quán của người đồng bào thiểu số nên những nỗ lực của đảng, chính quyền để cho họ có cuộc sống tốt đẹp hơn không phải là một điều thực hiện dễ dàng.
Người dân phải đi 3km để chở nước về, mỗi ngày đi tới 5 – 6 chuyến
Bà Trần Thị Yến, Chủ tịch xã UBND xã Bù Gia Mập cho biết: Lối sống của đồng bào thiểu số trong xã, đa phần họ chỉ biết hôm nay không biết ngày mai, làm ra được bao nhiêu thì ăn hết bấy nhiêu. Đã nhiều lần, chính bà Yến đi từng thôn để vận động, giải thích cho đồng bào nên sống căn cơ, dành dụm, phòng lúc hữu sự nhưng vẫn không ăn thua. Cũng chính vì vậy, lợi dụng vào điểm này, nhiều kẻ xấu đã cho bà con đồng bào vay nặng lãi từ 40% - 60% một mùa điều (3 - 4 tháng) để trục lợi. Có người vay có 8 triệu mà qua vài mùa điều số tiền nợ lên đến 30 triệu, không có khả năng trả nợ, thậm chí có người đã bị mất đất sản xuất vào tay những kẻ cho vay nặng lãi.
Theo bà Trần Thị Yến thì có khoảng 30% trong số đồng bào thiểu số sinh sống tại xã đang vay tiền từ những kẻ cho vay nặng lãi. UBND xã đã báo cáo việc này lên UBND huyện để tìm phương án giải quyết. Tuy nhiên, hoạt động cho vay nặng lãi tại đây vẫn diễn biến ngầm với nhiều hình thức, đẩy bà con vào thế ngày càng khó khăn hơn. Nhiều lần bà Yến đã yêu cầu bà con khởi đơn kiện những kẻ cho vay nặng lãi này, từ đó có cơ sở để chính quyền vào cuộc xử lý nhưng chỉ nhận lại câu trả lời “vô tư” của các nạn nhân: “Cái bụng của họ tốt lắm, họ cho tôi mượn tiền sao tôi lại đi kiện họ. Mình vay thì mình phải trả cho họ chứ”(!?)
Vấn nạn cho vay nặng lãi tại xã vùng cao biên giới này đang diễn biến cực kỳ phức tạp. Không chỉ những đồng bào thiểu số đi vay nặng lãi mà còn có cả ông Điểu Chương – Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân, ông Điểu Mố - Phó bí thư Đảng ủy xã Bù Gia Mập vì hoàn cảnh khó khăn cũng phải đi vay nặng lãi. Bên cạnh đó, hạn hán năm nay diễn biến nặng nề nhất và bị mấy đợt sương muối nên điều mất mùa đến 60% tại xã này, cho dù giá thu mua cao nhưng đời sống của đồng bào sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn, vất vả.
Trở về TP.HCM, chúng tôi chọn một con đường “be” (đường mòn của người dân đi - PV) qua tiểu khu 40, nơi đây trước là rừng trù phú nay đã trở thành rừng nghèo do nạn chặt phá rừng. Trong ánh nắng heo hắt cuối chiều, con đường ngoằn ngoèo dắt lên tới đỉnh đồi tại tiểu khu 40, khung cảnh hoang tàn chỉ còn những gốc cây trơ trụi. Trước khi lên đường, bà Trần Thị Yến nói: “Con đường “be” này hiện vẫn là con đường của những kẻ làm cây (khai thác gỗ lậu) từ tiểu khu 33 - 37 - 39 và vận chuyển hạt điều kém chất lượng khai thác sử dụng”.
Điền Minh
loading...