A+ A A- Kiểu đọc sách

Chuyện bây giờ mới kể của cựu binh Gạc Ma

15:05 31/07/2015
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Sự kiện lễ cầu siêu và đấu giá bức tranh Gạc Ma - Vòng tròn bất tử đã kết thúc với nhiều dư âm tốt đẹp làm ấm lòng thân nhân 64 liệt sĩ và các chiến sĩ Gạc Ma. Thế nhưng, có một hiểu lầm nho nhỏ về chiến sĩ Gạc Ma Lê Hữu Thảo mà anh muốn được “đính chính” cùng những câu chuyện của mình. 

Từ thông tin do ban tổ chức cuộc đấu giá bức tranh Gạc Ma - Vòng tròn bất tử cung cấp, rất nhiều báo cho rằng: cựu binh Lê Hữu Thảo chính là 1 trong 9 chiến sĩ trong trận hải chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988 còn sống và bị Trung Quốc bắt giam. Anh Lê Hữu Thảo đã liên lạc với Thể thao & Văn hóa (TTXVN), khẳng định: “Tôi không nằm trong số 9 đồng đội bị Trung Quốc bắt giam”.

Cựu binh Lê Hữu Thảo (bìa phải) cùng hơn 10 đồng đội còn sống sau trận Gạc Ma đã vớt thi hài và cứu các đồng đội bị thương khác

Anh Lê Hữu Thảo hiện đang sống cùng gia đình tại xã Hương Thủy, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Anh nhập ngũ tháng 2/1986, cấp bậc trung sĩ; chức vụ tiểu đội trưởng thuộc Trung đội tác chiến phòng tham mưu, Lữ đoàn 146 Quân chủng Hải quân. Anh Thảo có mặt trong trận Gạc Ma ngày 14/3/1988 và là chiến sĩ thuộc đơn vị tác chiến duy nhất còn sống trong trận này.

Cựu binh Lê Hữu Thảo, nhớ lại: “Sau khi quân Trung Quốc rút, tôi và khoảng hơn 10 đồng đội thuộc các đơn vị khác còn sống và lo vớt thi hài, cứu các đồng đội bị thương. Tôi nhớ có khoảng chừng hơn 10 người còn sống thôi, vì lúc đó mãi lo cứu người bị thương, vớt thi hài đồng đội hy sinh nên không nhớ rõ. Riêng tôi là người duy nhất thuộc đơn vị tác chiến còn sống”.

“Chúng tôi lấy một chiếc xuồng bằng nhôm của công binh bị Trung Quốc bắn thủng nhiều lỗ, dùng áo bịt các lỗ thủng lại đi vớt xác đồng đội và vớt những người bị thương. Chiếc xuồng này quá bé, nên những người còn khỏe như tôi phải vịn thành xuồng và bơi bên ngoài. Chúng tôi vừa chèo vừa bơi như thế về đảo Cô Lin cách Gạc Ma khoảng 5km. Trên đường chúng tôi đã vớt thêm một chiến sĩ đang đuối sức giữa biển và may mắn gặp tàu HQ505 cứu”.

Những liệt sĩ Gạc Ma năm ấy được anh Lê Hữu Thảo và đồng đội vớt có liệt sĩ Trần Văn Phương - người giữ lá cờ Tổ quốc trong bức tranh Gạc Ma - Vòng tròn bất tử. Anh Thảo cũng nhớ lại cùng đồng đội đã an táng thi hài liệt sĩ tên Nguyễn Văn Tứ tại đảo Cô Lin.

Những chiến sĩ còn sống được anh Lê Hữu Thảo và đồng đội vớt lên chiếc xuồng nhôm, đến nay anh còn nhớ có các anh Nguyễn Văn Lanh sau này được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, hiện là trung tá; anh Hoàng Bùi Hải - hiện là đại tá, Phó Chỉ huy trưởng tỉnh đội Thanh Hóa; anh Đỗ Ngọc Hưng ở Hải Phòng; anh Tứ bị thương một mắt ở Huế…

Lý do cựu binh Lê Hữu Thảo muốn nói lại cho rõ, vì: “Tôi may mắn còn sống và không bị Trung Quốc bắt giam. Bởi tôi hiểu, những đồng đội bị Trung Quốc giam cầm sẽ chịu khổ cực hơn tôi rất nhiều. Tôi không thể “tranh công” với các anh được nên cần phải nói lại cho rõ. Thêm nữa, chúng tôi còn sống và trở về mới có thể làm chứng vụ thảm sát của Trung Quốc với các chiến sĩ ta được chứ!”.

Như Thể thao & Văn hóa đã thông tin, cựu binh Lê Hữu Thảo vừa tìm được việc làm sau 27 năm anh trở về từ Gạc Ma.

Trạc Tuyền
loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...