loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 15/10, Báo Nhân Dân phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tọa đàm theo chủ đề: "Du lịch thích ứng an toàn với COVID-19".
Ngày 28/8, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã ra mắt công nghệ tham quan trực tuyến 3D Tour, được tích hợp trên website vnfam.vn.
Tọa đàm gồm hai phiên thảo luận chính, xoay quanh 5 nhóm nội dung: Khó khăn của ngành du lịch qua 4 lần bùng dịch COVID-19; cơ hội, điều kiện và sự chuẩn bị cho mở cửa du lịch quốc tế; vấn đề bảo đảm lao động du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch; các điều kiện để bảo đảm kết nối, liên thông du lịch nội địa trong bối cảnh mới; đề xuất những giải pháp để du lịch hồi phục và phát triển trong tình hình mới.
Động lực để ngành Du lịch từng bước phục hồi
Phát biểu tại tọa đàm, Tổng biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh cho biết hiện đang ở thời điểm gần hết năm 2021, nhưng đại dịch COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu ngừng các tác động vô cùng nặng nề tới mọi mặt của đời sống, kinh tế và xã hội. Du lịch và lữ hành được nhận định là một trong những ngành bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất. Chưa khi nào, ngành Du lịch và lữ hành chịu trải qua khó khăn như lúc này. Đặc biệt đợt dịch bùng phát lần thứ 4 từ trước dịp nghỉ lễ 30/4, kéo dài đến nay đã khiến du lịch và lữ hành tê liệt.
Theo công bố của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng năm 2021, khách quốc tế đến Việt Nam ước tính đạt 114,5 nghìn lượt người, giảm 97% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch giảm 41%. Sau thời gian dồn lực chống dịch bằng những biện pháp quyết liệt nhất, triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 lớn nhất trong lịch sử, tình hình dịch bệnh đã dần được kiểm soát. Không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới, Chính phủ đã xác định chuyển hướng thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch, từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế.
Ngày 11/10, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Đây là cơ hội để du lịch và lữ hành được hoạt động trở lại, không chỉ với du lịch trong nước mà cả du lịch quốc tế.
Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định Bộ đang được Chính phủ giao trách nhiệm tham mưu, phối hợp các bộ, ngành xây dựng kế hoạch phục hồi nền kinh tế sau đại dịch COVID-19. Trong đó, nhóm nhiệm vụ lĩnh vực về du lịch – dịch vụ là nhóm ưu tiên số 2 sau nhóm về tài chính và tín dụng. Vì vậy, ngành đang tiếp cận theo hướng phải tiếp tục nghiên cứu đề xuất cơ chế chính phù hợp với điều kiện kinh tế Việt Nam, phù hợp hỗ trợ cho các địa phương, doanh nghiệp phục hồi và phát triển du lịch.
Bộ đã đề xuất và Chính phủ, Quốc hội chấp thuận: giảm tiền điện trong cơ sở lưu trú được áp dụng thời gian khá dài; hỗ trợ cho hướng dẫn viên du lịch, trợ cấp khó khăn cho họ khi phải chịu tác động du lịch được ban hành và thụ hưởng; đề xuất giảm tiền ký quỹ du lịch cho các doanh nghiệp du lịch lữ hành sửa đổi theo Nghị định 168 giảm 80% nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, phải tập trung giải quyết vấn đề khó mà doanh nghiệp đang gặp phải là chính sách hỗ trợ để không bị đứt gãy nguồn lao động. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang đề xuất Chính phủ cùng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có chính sách hỗ trợ, đào tạo, tạo việc làm lại để không bị đứt gãy lao động trong doanh nghiệp du lịch.
Chuẩn bị sẵn sàng để có thể mở rộng du lịch khi kiểm soát được dịch
Theo nhận định của Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt, hai năm qua, cũng đặt ra nhiều vấn đề, nội dung về những ảnh hưởng của dịch COVID-19 đối với ngành Du lịch. Năm 2020, khi đại dịch COVID-19 xuất hiện và có những tác động đến nền kinh tế toàn cầu. Theo thống kê của Tổng cục Thống kê, số du khách của năm 2020 giảm tới 97%. Các doanh nghiệp hoạt động du lịch gần như tê liệt. Người lao động rời doanh nghiệp ra đi. Nếu có, tỷ lệ này cũng khoảng 50%, còn lại chỉ mang tính chất chế độ chính sách để duy trì nguồn lao động, đặc biệt là đội ngũ có tay nghề.
Trong tình hình chung như vậy, Đảng, Nhà nước và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã cố gắng tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc về chính sách, từ thuế, tiền điện, tiền thuế đất, đặc biệt là hiệu quả của Nghị quyết 68 liên quan đến chính sách đối với người lao động, trong đó có hướng dẫn viên. Những chính sách đó cùng với những tháo gỡ chung của cả nước đã góp phần giảm bớt khó khăn cho người lao động cũng như người sử dụng lao động trong thời gian qua. Thực tế, các doanh nghiệp nếu không phải là doanh nghiệp lớn, có tiềm năng, thế mạnh liên kết được đa ngành thì rất khó. Đó là sự quan tâm và triển khai trong thời gian vừa qua.
Thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có những kế hoạch chủ động mang tính chất phục hồi, kích hoạt, kích cầu. Các địa phương, doanh nghiệp có sự chủ động, năng động, đã triển khai được bước đầu. Quan điểm hiện nay là, trước tình hình khó khăn như thế này, lối đi ban đầu là trong nội tỉnh, thứ hai là trong nước để khai thác dòng khách nội địa, mang tinh thần khởi động, chuẩn bị để có thể mở rộng du lịch khi kiểm soát được dịch theo tinh thần Nghị quyết 128.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất và được phép mở cửa thí điểm Phú Quốc. Ban đầu dự định là tháng 10, nhưng với tình hình hiện nay có lẽ tháng 11 mới mở cửa được. Đồng thời với thí điểm của Phú Quốc, hiện nay nhiều địa phương đã chủ động, như Quảng Ninh, Quảng Nam, Khánh Hòa...
Tiếp tục hoàn thiện các quy trình đón tiếp, cung ứng dịch vụ du lịch
Liên quan đến vấn đề hộ chiếu vaccine, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Đoàn Văn Việt cho biết thực hiện Kết luận số 07-KL/TW ngày 11/6/2021 của Bộ Chính trị và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm sử dụng hộ chiếu vaccine với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh như Phú Quốc, Kiên Giang. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động làm việc với các bộ, ngành, địa phương xây dựng phương án thí điểm trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối tháng 7/2021.
Căn cứ phương án do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình, ngày 10/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Công văn số 6345/VPCP-KGVX của Văn phòng Chính phủ giao tỉnh Kiên Giang chủ trì xây dựng Kế hoạch cụ thể thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành liên quan đang chủ động, tích cực phối hợp với Kiên Giang để hoàn thiện kế hoạch triển khai chi tiết.
Về Hộ chiếu vaccine, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Bộ Ngoại giao tổ chức họp trực tuyến với các Cơ quan đại diện Việt Nam tại các thị trường nguồn khách quốc tế trọng điểm của Việt Nam (15 Đại sứ quán) ngày 6/10/2021, với mục đích hỗ trợ kết nối thị trường, truyền thông, quảng bá mở cửa thị trường, phối hợp hoạt động chuẩn bị đón khách quốc tế theo chương trình thí điểm, đặc biệt là việc trao đổi thừa nhận lẫn nhau về “hộ chiếu vaccine” giữa các quốc gia; thông tin, kết nối với các bên liên quan.
Bộ đề nghị Bộ Y tế sớm thống nhất phần mềm quản lý tiêm chủng quốc gia giữa các Bộ Y tế, Công an, Thông tin và Truyền thông để có căn cứ cho Bộ Ngoại giao trao đổi, thống nhất với các nước về Chứng nhận tiêm chủng (hay hộ chiếu vaccine). Điều này rất cần thiết vì khi khách du lịch quốc tế đến Việt Nam mà chưa thống nhất giữa Việt Nam và quốc gia gửi khách, khách có thể bị rắc rối khi quay trở về. Tương tự như vậy đối với việc đi lại trong nước của hành khách và khách du lịch nội địa...
Tại tọa đàm, các đại biểu như: Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh; Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình; Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) Nguyễn Quý Phương; Phó Giám đốc Bệnh viện phổi Trung ương Vũ Xuân Phú; Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoi Tourist Phùng Quang Thắng... đã trả lời các câu hỏi liên quan đến đề xuất ưu tiên tiêm vaccine cho nhân lực ngành Du lịch toàn quốc theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 21/NQ-CP; các thị trường được ưu tiên thí điểm mở lại và sản phẩm chủ đạo để mở cửa giai đoạn này; việc các địa phương chuẩn bị cho việc mở cửa an toàn, thích ứng linh hoạt với tình hình mới; những tiêu chí an toàn cần có khi mở cửa du lịch...
TTXVN
loading...