A+ A A- Kiểu đọc sách

Chùa Sải: nhà thờ Tổ bị cháy có giá trị thế nào?

18:23 05/11/2016
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Việc một số thông tin gọi chùa Sải là “ngôi chùa từ thời Lý” đã dẫn tới cách hiểu chưa đầy đủ về ngôi chùa này, cũng như giá trị của kiến trúc nhà thờ Tổ vừa bị cháy trong đêm 4/11.

Thực tế, cùng với nhà thờ Mẫu, nhà thờ Tổ tại chùa Sải (Tĩnh Lâu Tự) vừa được xây mới kết hợp tôn tạo vào năm 2003. Đa phần, các kiến trúc gỗ bị cháy trong đêm 4/11 đều được bổ sung từ thời điểm này.


Phần còn lại của nhà thờ Tổ sau đám cháy (Ảnh: Ngọc Thành)

Theo đó, nhà thờ Tổ sau khi được tôn tạo có mặt bằng hình chữ nhị trên diện tích 270 mét, gồm 2 khối nhà với kết cấu 5 gian 2 dĩ, 3 gian giữa tòa nhà bên trong được bố trí 3 ban thờ.

Để có tuổi thọ lâu, hầu hết lượng gỗ sử dụng đều là  loại gỗ tứ thiết (thuộc một trong bốn cây đinh, lim, sến, táu). Đây là bước đầu tiên trong kế hoạch trùng tu của sư trụ trì, khách thập phương và nhân dân làng Hồ Khẩu, với nguồn kinh phí chủ yếu được huy động theo hình thức xã hội hóa.

Sau đợt trùng tu này, đợt trùng tu thứ 2 diễn ra vào năm 2005, tại khu vực Chính điện. Khoảng 100 mét khối gỗ lim được sử dụng để tạo tác với phần chạm khắc khá công phu, kèm theo đó là 36 cây cột đá có khắc hình tứ linh, tứ quý.

Sau khi đường ven hồ Tây (phố Trích Sài) được hoàn thành, cụm Chính điện trở thành kiến trúc quan trọng nhất trong chùa Sải, và hướng ra mặt hồ Tây.

Hiện tại, do sự thiếu vắng tư liệu, thời điểm chùa Sải bắt đầu được xây dựng trong lịch sử vẫn chưa thể xác định. Tuy nhiên, theo các truyền thuyết địa phương, nếu từng xuất hiện trong thời Lý, ngôi chùa này khi đó vẫn chỉ là một am nhỏ thờ các vương tôn quý tộc thời Lý. Sau đó, theo thời gian, ngôi chùa này dần trở thành nơi thờ Phật.

Đặc biệt, trong quá trình tồn tại, do các biến chuyển lịch sử tại khu vực quanh hồ Tây, chùa Sải cũng nhiều lần được xây dựng hoặc thay đổi về kết cấu, diện tích. 

Các tư liệu còn lưu giữ cho thấy nhiều khả năng, hình dạng chùa Sải hiện tại được bắt đầu hình thành từ thời Lê, với 5 gian nhà tiền đường, 3 gian hậu cung, bậc tam cấp chạy dài suốt, hai bên là cột đồng trụ có câu đối, có nghê chầu… Gắn với 5 gian tiền đường là toàn thượng điện, nơi thờ Phật và các Bồ Tát.

Năm 1995 chùa được công nhận là Di tích cấp Quốc gia. Do vậy, trong tương lai, dù xây lại phần nhà thờ Tổ vừa bị cháy theo kiến trúc cũ, phía thi công vẫn phải nộp hồ sơ báo cáo và chờ sự phê duyệt của Cục Di sản Văn hóa.

Cúc Đường

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...