loading...
(Thethaovanhoa.vn) – Đó là ý kiến của Nhà Hà Nội học Nguyễn Ngọc Tiến quanh việc “chỉnh trang cảnh quan xung quanh và cải tạo nước hồ Gươm” vừa được Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định trong cuộc họp chiều 5/7 của HĐND TP Hà Nội.
Sau khi Hà Nội gửi công văn xin ý kiến Bộ Xây dựng về dự án xây dựng, cải tạo chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm, dư luận đã vội lo lắng cho số phận của các cây xanh quanh hờ Hồ sẽ bị chặt hạ. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: “Lãnh đạo Hà Nội chưa bao giờ đề cập đến việc thay thế cây xanh quanh hồ Gươm mà chỉ là chỉnh trang cảnh quan xung quanh và cải tạo nước hồ”.
Xung quanh việc này, nhà Hà Nội học Nguyễn Ngọc Tiến cho biết: “Tôi có xem truyền hình và biết là chủ tịch Nguyễn Đức Chung đã phát ngôn là chưa bao giờ có dự án thay cây mà chỉ là chỉnh trang, cải tạo lại không gian xung quanh hồ Gươm. Tôi thấy rằng đây là việc làm cần thiết vì hồ Gươm là trung tâm của thành phố, là địa điểm du lịch đông khách nhất hiện nay. Khách trong nước, khách nước ngoài đến Hà Nội không thể không đến hồ Gươm. Khi chỉnh trang cần tính đến lịch sử của cây xung quanh hồ Gươm, vì cây lâu năm nhất ở đây cũng gần 120 năm tuổi”.
Theo nhà Hà Nội học Nguyễn Ngọc Tiến, cây xanh quanh hồ Gươm được trồng qua nhiều thời gian khác nhau, có những cây do người Pháp trồng đợt đầu tiên vào cuối thể kỷ 19, đầu thế kỷ 20, đến nay đã hơn 100 năm. Các cây đều lấy giống từ vườn Bách Thảo.
Sau đó, đến thời bao cấp, người ta cũng trồng bổ sung rất nhiều cây. Nhưng thời này, bên Lâm nghiệp có cây gì họ cung cấp, Hà Nội trồng cây đó, chứ không được chọn, do đó không tạo được kiến trúc phong cảnh đô thị.
Sau này, có những cây bị sâu, bị bão gió được thay mới, thành ra quanh hồ Gươm có nhiều cây ít ý nghĩa, ví như cây quỳnh, cây sấu… Cây sấu lá đẹp nhưng lại sẫm màu và không có hoa.
"Việc chỉnh trang quanh hồ Gươm, tạo ra những cây có hóa, có màu lá khác lạ, tạo ra sự lung linh rực rỡ cho hồ Gươm là việc làm rất cần thiết khi phù hợp'' - nhà Hà Nội học Nguyễn Ngọc Tiến nói.
Nhà Hà Nội học Nguyễn Ngọc Tiến cho rằng, phải lưu ý những cây quanh hồ Gươm có tuổi đời hàng trăm năm, thậm chí có những cây có tuổi đời tới 200 năm như cây đa trong trụ sở báo Nhân Dân, cây muỗm ở 16 Lê Thái Tổ, bởi khi người Pháp cải tạo quanh hồ Gươm đã giữ lại các cây ở các làng xung quanh, họ giữ lại cả những cây me hiện vẫn còn đối diện với báo Hà Nội Mới của làng Phúc Tô ngày xưa.
"Trồng một cây phải rất nhiều năm mới có tán rộng, không phải bỗng chốc một vài năm mà có những cây lớn như vậy. Vì thế, khi chỉnh trang, việc thay cây nào (nếu có) cũng cần tính toán đến yếu tố thời gian để nó có thể tạo hình thay thế. Cây cũng có đời sống tâm hồn của nó, cũng chứng kiến sự thăng trầm, biến đổi của lịch sử quanh nó" - ông Nguyễn Ngọc Tiến nhấn mạnh.
Dự án có ba hạng mục chính: thứ nhất là nạo vét đáy hồ, thứ hai làm sạch nước hồ trên tinh thần vừa sạch môi trường nhưng cũng giữ lại nét riêng của nước hồ và thứ ba là chỉnh trang ánh sáng ven hồ Hoàn Kiếm.
TS Olivier Tessier nói, ở Hà Nội có một nơi ông hay lui tới ngoài căn gác nhỏ tầng 2 ngõ Hạ Hồi của Viện Viễn Đông Bác Cổ, đó là đài phun nước phía Bắc hồ Gươm của quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.
Ngọc Tường (ghi)
loading...