loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Bộ Giao thông Vận tải cho biết, ngày 18/5, tại cầu Rồng Lớn (Km 641+700 đường sắt Bắc - Nam), thuộc địa phận xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, lễ ra quân thi công gói thầu CL-CY-06 thuộc Dự án cải tạo nâng cấp, cầu yếu trên tuyến đường sắt Hà Nội - Tp. Hồ Chí Minh đã được Bộ Giao thông Vận tải, Ban Quản lý dự án đường sắt, Liên danh nhà thầu Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng công trình 3 - Công ty cổ phàn Đường sắt Thanh Hóa tổ chức.
Theo thông tin từ Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, 4 dự án đường sắt cấp bách (với tổng mức đầu tư 7.000 tỷ đồng) sử dụng vốn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đang được các ban quản lý dự án của Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương triển khai đầu tư để chuẩn bị khởi công xây dựng.
Gói thầu XL-CY-06 là gói thầu xây lắp thứ 2 thuộc Dự án cải tạo, nâng cấp cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội - Tp. Hồ Chí Minh (dự án cầu yếu) nằm trong các Dự án đường sắt quan trọng, cấp bách sử dụng nguồn vốn dự phòng trung hạn theo Nghị quyết số 556/NQ-UBTVQH14 ngày 31/7/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được Bộ Giao thông Vận tải, Ban Quản lý dự án Đường sắt tổ chức ra quân xây dựng trong vòng hơn 1 tuần qua.
Bộ Giao thông Vận tải đánh giá, việc khởi công thực hiện các dự án đường sắt quan trọng, cấp bách trong giai đoạn này ngoài mục tiêu nâng cao năng lực khai thác, đảm bảo an toàn chạy tàu trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, còn là sự thể hiện quyết tâm của Bộ Giao thông Vận tải, Ban Quản lý dự án đường sắt trong việc thực hiện “mục tiêu kép” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: Vừa đảm bảo phòng chống dịch COVID-19 thành công, vừa đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Phát biểu và phát lệnh ra quân thi công gói thầu XL-CY-06, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, tuyến đường sắt Bắc - Nam được xây dựng và khai thác trên 100 năm, khẩu đường đơn, tiêu chuẩn lạc hậu, hạ tầng tuyến chưa đồng bộ, hạn chế tốc độ chạy tàu và chưa kết nối tốt với các phương thức vận tải khác.
Trong quy hoạch phát triển đường sắt Quốc gia, bên cạnh việc đầu tư xây dựng tuyến đường sắt mới tiêu chuẩn 1.435, tuyến đường sắt hiện hữu trên tuyến đường sắt Bắc - Nam sẽ được cải tạo, nâng cấp phục vụ cho vận tải hàng hóa, vận chuyển hành hành khách ở cự ly ngắn.
"Trong thời gian qua, được sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, ngành giao thông vận tải đã được bố trí nguồn vốn 15.000 tỷ đồng cho các dự án cấp bách; trong đó có 7.000 tỷ đồng cho 4 dự án thuộc tuyến đường sắt Bắc - Nam. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, thực hiện chủ trương của Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công, Bộ Giao thông Vận tải đã tập trung đầu tư xây dựng cơ bản, giải ngân vốn đầu tư công cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho hay.
Bộ Giao thông Vận tải đã và đang triển khai hàng loạt các giải pháp, yêu cầu Ban Quản lý dự án lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng tháng, từng quý, năm với mốc tiến độ từng dự án. Nêu cao tinh thần trách nhiệm của các cơ quan trong quá trình quản lý đầu tư, đặc biệt là đảm bảo tiến độ, chất lượng và giải ngân.
Đối với gói thầu XL-CY-06 cải tạo 15 cầu thuộc dự án cải tạo 129 cầu yếu, là gói thầu thứ 2 khởi động trong hơn 30 gói thầu xây lắp của 4 dự án, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu các nhà thầu phải nỗ lực cao nhất, huy động nhân lực, vật lực, máy móc thiết bị tổ chức thi công khoa học, đảm bảo chất lượng, tiến độ và vượt tiến độ. Trong quá trình thi công, yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn giám sát phối hợp chặt chẽ với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, đơn vị quản lý đường sắt trong khu vực đảm bảo điều kiện an toàn thi công, an toàn chạy tàu và bảo vệ môi trường.
Quang Toàn/TTXVN
loading...