Chính phủ mới, Thủ tướng mới sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ cho đất nước
(Thethaovanhoa.vn) - Trong chương trình làm việc của kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, ngày 6/4, Quốc hội thực hiện quy trình miễn nhiệm chức danh Thủ tướng Chính phủ đối với ông Nguyễn Tấn Dũng và thảo luận đề cử bầu Thủ tướng Chính phủ kế nhiệm đối với ông Nguyễn Xuân Phúc.
- Quốc hội chấp thuận miễn nhiệm chức danh Thủ tướng Chính phủ đối với ông Nguyễn Tấn Dũng
- Mong tân Thủ tướng sẽ có nhiều quyết sách đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN
* Đại biểu Trần Khắc Tâm, đoàn đại biểu Sóc Trăng:
“Gần gũi, giản dị: đó là phong cách mà tôi cảm nhận rất rõ ở Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, người vừa được Chủ tịch nước giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức vụ Thủ tướng Chính phủ.
Tôi thấy ông đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ của Phó thủ tướng trong nhiệm kỳ vừa qua. Những lĩnh vực ông được phân công chỉ đạo đều là những lĩnh vực khó, nhiều lúc nóng bỏng, dư luận theo dõi rất sát. Nhưng chúng ta thấy ông luôn có mặt ở những điểm nóng, gần gũi với nhân dân, có lối sống giản dị, được đại biểu Quốc hội, người dân tin yêu, mến phục.
Qua các phiên thảo luận ở Quốc hội tại kỳ họp này, tôi nghĩ chúng ta đã thấy rõ những khó khăn của đất nước trong nhiệm kỳ tới, cụ thể như nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia, sức ép nợ công... Tôi tin tưởng và kỳ vọng tân Thủ tướng sẽ cùng với Chính phủ đề xuất, quyết định các chính sách có tính đột phá, hợp lòng dân, đưa đất nước tiến lên.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là người trưởng thành từ cơ sở, đã kinh qua công tác ở nhiều vị trí, lĩnh vực khác nhau, nên tôi tin là ông có đủ kinh nghiệm và bản lĩnh để lãnh đạo, điều hành Chính phủ nhiệm kỳ tới”.
* Đại biểu Ông Trần Xuân Vinh, đoàn đại biểu Quảng Nam:
“Trong nhiệm kỳ 2011-2015, cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trong đó, có cả sự điều hành của Chính phủ. Tôi thấy sự đóng góp rất lớn của đồng chí Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; đặc biệt trong các lĩnh vực đồng chí điều hành như: kinh tế xã hội, an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội hay về lĩnh vực đồng chí phụ trách về chống tham nhũng, buôn lậu, chống lãng phí, điều hành giảm các tiêu chí về an toàn giao thông...
Tôi thấy đồng chí Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có nhiều nỗ lực, đồng chí luôn bám sát thực tế đến tận người dân, vùng xâu, vùng xa, vùng đồng bằng dân tộc thiểu số, biên giới, đến những nơi, hạn hán, thiên tai… để hiểu người dân và có những đề nghị với tập thể Chính phủ có những chính sách, biện pháp cụ thể để giải quyết tình hình ở các địa phương. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc ứng cử tại khu vực miền Trung, Quảng Nam, và đã thể hiện được trách nhiệm của mình trước cử tri.
Nhiều cử tri đánh giá, khi còn ở địa phương, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc là người rất năng động, sáng tạo, rất quyết liệt, sát người, sát việc, đôn đốc công việc, đến nơi, đến chốn. Khi cần những điều hành trong tập thể lãnh đạo, đồng chí có ngay những giải pháp đôn đốc các Sở, ngành liên quan hoặc đi tận nơi, cụ thể nghe ý kiến của nhân dân để giải quyết từng việc… không để cho người dân nào bị oan sai, không bị đói…
Nói về đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, nhiều người dân miền Trung, miền Nam đã gọi tên đồng chí là anh Bảy, một tên gọi rất thân thương và gần gũi với người dân. Tôi kỳ vọng vào Chính phủ mới, với sự đổi mới của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; đặc biệt là nhiệt huyết đổi mới của toàn Đảng.
Tôi kỳ vọng, trong nhiệm kỳ tới, kể cả Quốc hội, kể cả Chính phủ nên tiếp tục kế thừa phát huy, những nỗ lực, những kết quả đạt được; đồng thời, khắc phục được những tồn tại; điều hành phát triển kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội đạt được kết quả tốt hơn, rõ hơn; đặc biệt là hiệu quả, phân bổ nguồn tài nguyên quốc gia, làm sao phát huy được các công trình, các dự án; trong đó, để các dự án hiệu quả nhưng cũng cần chống được việc tham nhũng, chống buôn lậu. Hiện nay, vấn đề này là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội.
Đi đôi với chống tham nhũng là những vấn đề về chủ quyền đất nước. Hiện nay, Việt Nam có nhiều vai trò, vị trí trên trường quốc tế. Nhưng trong vấn đề biển Đông, chúng ta cũng cần tranh thủ sự hỗ trợ của quốc tế, Liên hợp quốc.
Thời gian tới, chúng ta rất kỳ vọng với Chính phủ mới, đặc biệt là đồng chí Nguyễn Xuân Phúc với vai trò mới sẽ có những giải pháp, bước đi phù hợp, tranh thủ sự hỗ trợ của quốc tế; đồng thời, huy động sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc để bảo vệ được lãnh thổ, chủ quyền, nâng cao vị thế của đất nước".
* Đại biểu Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội:
“Khi tôi là Vụ trưởng Vụ ngân sách thì đồng chí Nguyễn Xuân Phúc đang là Chủ nhiệm UBND tỉnh Quảng Nam. Tôi làm việc với đồng chí Phúc từ đó đến nay. Đó là một con người mà tôi tin tưởng và hy vọng sẽ tiếp tục kế thừa các thành quả của Chính phủ trước. Đồng chí Phúc là một con người giản dị, gần gũi, lắng nghe và rất quyết liệt và rất hiệu quả. Đối với chúng tôi là cấp dưới nhưng đồng chí nhiều khi rất giản dị, gần gũi…
Thời đồng chí còn là Chủ tịch tỉnh Quảng Nam và cũng là Ủy viên Uỷ ban Kinh tế, ngân sách (khoá XI) tôi đã thấy đồng chí xông xáo, quyết liệt. Thời đó, Quảng Nam xuất hiện khu kinh tế Chu Lai, Hội An ven biển và hàng loạt các sự kiện du lịch. Điều đó đã thể hiện sự đột phá mạnh mẽ về phát triển kinh tế du lịch.
Các thành viên Chính phủ bây giờ có một sự chuyển động rất mạnh trong tư duy quản lý. Gương mặt của Chính phủ, của Quốc hội nhiệm kỳ này có nền tảng, học hàm, học vị. Họ chịu lắng nghe.
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc được đào tạo rất nền tảng về kinh tế học. Đồng chí được giao một trận địa nóng như an toàn giao thông, nội chính, buôn lậu, chống tội phạm… Những lĩnh vực rất nóng nhưng đồng chí Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo và tạo ra sự chuyển động tích cực, nhất là trong lĩnh vực an toàn giao thông. Điều này không phải là sự vụ mà chính là an toàn của cuộc sống, của môi trường kinh doanh.
Tôi thấy có sự chuyển động rất lớn trong tư duy lãnh đạo. Ngày trước nói Chính phủ kiến tạo còn xa lạ, nhưng bây giờ rất gần gũi. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc khi được chất vấn đều nhận thức được rằng, cái gốc chính là thể chế.
Khi mà lãnh đạo từ Đảng, Quốc hội, Chính phủ đều nhận thức được rằng, vấn đề tụt hậu, yếu kém của chúng ta có nguồn gốc từ thể chế thì đó chính là sự thay đổi mạnh mẽ về tư duy. Lãnh đạo Chính phủ cũng nhận thấy cần phải có sự đột phá mạnh mẽ về thể chế. Đây chính là một thế hệ lãnh đạo hoàn toàn khác hẳn so với trước. Những lãnh đạo này đã tiếp cận chuẩn mực, tri thức của quốc tế để vận dụng vào Việt Nam.
Tôi hy vọng Chính phủ mới, Thủ tướng mới, chắc chắn sẽ tạo ra sự chuyển động. Nếu không chuyển động con cháu chúng ta sẽ không bao giờ chấp nhận một quốc gia tụt hậu…”
Thúy Hiền (TTXVN)