loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Với mỗi gia đình Việt Nam, bánh chưng là không thể thiếu trên bàn thờ, trong mỗi mâm cơm cúng gia tiên. Nhưng hình ảnh cả nhà gọi nhau dậy để rửa lá, thái thịt, rồi trẻ con háo hức đợi nồi bánh chưng chín rồi ngủ lúc nào không hay đang dần chỉ còn là “ký ức” của nhiều thế hệ.
1. Đến Tranh Khúc vào thời điểm giáp Tết Nguyên Đán Quý Tỵ, trong làng nhà nào cũng nhộn nhịp, lá dong, thịt mỡ, đỗ xanh xếp sẵn chuẩn bị gói bánh. Cả làng quê ở xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì chìm trong hương thơm bánh chưng ngào ngạt.
Người dân ở làng Tranh Khúc, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì sống với nghề gói bánh chưng thuê đã ngót nghét 15 năm. Ngoài bánh chưng thì ở đây còn làm thêm bánh nếp, bánh giày. Để đảm bảo tiến độ gói bánh phục vụ nhu cầu của khách hàng, gia đình nào cũng phải thuê người làm từ các nơi khác đến.
Vợ chồng anh Mạnh Điệp – chủ gia một gia đình làm bánh ở Tranh Khúc nói: “Ở đây cao điểm nhất vào khoảng tầm 22/12 đên 30/12 để phục vụ cho ngày ông Công, ông Táo và Tết. Chúng tôi không cần đơn đặt hàng, vì nhu cầu nhiều, bình thường thì 200 cái/ ngày, những ngày cận Tết như thế này thì 500 cái/ ngày”.
2. Tết đến, ngày càng ít những gia đình tự gói cho mình đồng bánh chưng cúng gia tiên. Nếu như ngày trước, để có được nồi bánh chưng ngon, ngay từ đầu tháng, bởi quan niệm của dân ta luôn cho rằng ngày Tết cặp bánh chưng là quan trọng nhất. Bánh không chỉ để cúng gia tiên mà còn cúng trời đất, cầu năm mới an khang nên phải thơm ngon tinh khiết.
Nhưng bây giờ chỉ cần bỏ 5 – 10 phút chạy ra chợ thì muốn mua bao nhiêu cũng có. “Có nồi bánh chưng thì thấy không khí Tết, nhưng nhà bận quá không có thời gian để gói nên đi tôi mua ở chợ gần nhà” - chị Thủy, 82 Cầu Giấy nói.
“Tôi vẫn còn nhớ cái háo hức của trẻ con khi thấy mẹ mua lá về gói bánh chưng, rồi còn đãi đỗ, ướp thịt rất nhiều và tự gói bánh rồi luộc bằng thùng phi. Cả gia đình tụ tập sau bữa cơm chiều để bắt đầu luộc đến tận sáng hôm sau. Lũ trẻ chúng tôi cũng thức cả đêm bên nồi bánh để hít hà mùi khói bếp, mùi hơi bánh bốc lên thoang thoảng và cả tiếng nồi bánh sôi sùng sục” - bác Xuyên, phố Nguyễn Thị Định, Hà Nội.
Cũng dễ hiểu tại sao, trong những năm gần đây người ta không còn cảm thấy không khí Tết. Tục gói bánh chưng ngày Tết cũng giống như bao phong tục tốt đẹp khác và nó cần được gìn giữ để người mỗi năm hoa đào nở, người ta lại được sống đúng với cái nghĩa “Ăn Tết”.
Cũng xem những hình ảnh làm bánh chưng "chuyên nghiệp" ở làng Tranh Khúc:
Lá dong xếp từng chồng chờ gói bánh |
Đỗ xanh thịt mỡ đã sẵn sàng |
Bắt đầu gói bánh chưng |
Ở Tranh Khúc, nhà nhà gói bánh chưng Tết |
Phương Trần
loading...