'Canh' facebook, ngóng tin con đi bộ đội
Ngày 11/6, sau khi vào Lăng viếng Bác, 260 chiến sĩ nhí tuổi từ 7 -14 tuổi ở Hà Nội háo hức lên đường tham dự khóa huấn luyện Học kỳ trong quân đội: Em là chiến sĩ do Viettel phối hợp Trung ương Đoàn TNCS HCM tổ chức. Trong đó, một nửa lên “rừng” (Hòa Bình), nửa còn lại xuống “biển” (Hải Phòng).
Trong suốt 10 ngày diễn ra khóa học, bố mẹ không được tự động tới thăm con, mà chỉ cập nhật tin tức, hình ảnh về con trên fanpage Em là chiến sĩ. Thế là, chỉ cần thấy “phây” thông báo là các mẹ vội vàng mở ra xem ngay, rồi lập tức chia sẻ cho bạn bè, người thân. Những phụ huynh chưa nhìn thấy ảnh con thì cuống cuồng gọi điện cho các anh chị phụ trách để tìm “chiến sĩ" nhà mình, nhờ báo tin, chụp ảnh “up” facebook.
Có nước mắt, có nụ cười...
Gia Minh (sinh 18/11/2008) là bé gái nhỏ tuổi nhất nhập ngũ lần này. Ngày thứ 2 đi bộ đội, khi một số bạn cùng phòng khóc vì nhớ mẹ, thì Gia Minh lại rất kiên cường. Khi được hỏi "có nhớ mẹ không?”, Gia Minh tự tin nói “Ở nhà thì con không nhớ mẹ, nhưng đi xa thì... siêu nhớ. Chiến sĩ mà nhớ mẹ khóc tu tu như mấy bạn kia thì chết đòn với mẹ. Trước khi đi, mẹ dặn không được khóc nhè, phải mạnh mẽ”.
Chị Diệu Trang, mẹ chiến sĩ nhí Gia Minh chia sẻ, Gia Minh rất háo hức được đi bộ đội, thích đến nỗi đồng ý để mẹ cắt đi mái tóc dài mà bé từng ra "tối hậu thư” với mẹ “phải để tóc dài giống con”. Trước ngày nhập ngũ, vì buộc tóc chưa đẹp, gội đầu chưa thạo, cô nàng nghiêm túc bảo mẹ cắt tóc để thể hiện quyết tâm làm chiến sĩ. Vậy là mẹ Gia Minh cắt phăng mái tóc dài thành “kiểu đầu quả cam” xinh xắn!
Trái ngược với Gia Minh, cũng có những bé đòi "đảo ngũ" ngay trong ngày đầu nhập học mặc dù khi đi cũng rất hăng hái. Vài bé khác nhớ nhà khóc khiến các anh chị tình nguyện viên khá vất vả để dỗ dành. Nhưng rồi qua đến ngày thứ 3, các chương trình cuốn hút của Em là chiến sĩ đã khiến các cô cậu quên ngay, tích cực tham dự vào các giờ học, trò chơi, trình diễn thời trang...vui vẻ.
Nụ cười của chiến sĩ nhí trên sân khấu trong màn múa dân vũ rửa tay vui nhộn.
Theo chị Nguyễn Thanh Duyên, thành viên BTC cho biết: “Điều đáng ngạc nhiên là trong ngày đầu làm quen với quân ngũ, các bé 12-14 tuổi thường “khóc nhè” đầu tiên. Các bé 7-8 tuổi thì chẳng khóc tí nào, bởi sự háo hức, thích khám phá những điều thú vị mà các em chưa từng được biết. Bởi thế, bố mẹ không nên lo lắng quá và cả những chuyện như tắm giặt hàng ngày, khi ở nhà phải giục giã nhưng khi thành “bộ đội” các con đều tự giải quyết được, kể cả các bé mới 7 tuổi.
Gieo hành động, gặt tương lai ...
Trong Lễ khai giảng khóa học tại Trung đoàn 50 (Đồ Sơn, Hải Phòng), anh Cái Quang Bình, Giám đốc Trung tâm hoạt động và giao lưu thanh thiếu niên Việt Nam chia sẻ: "Tôi biết sau một đêm thôi, nhiều phụ huynh đã xót con, nhưng tôi tin chắc rằng, các em sẽ trưởng thành trong từng bước đi nhỏ. Gieo ý thức tạo quyết tâm/ Gieo hành động tạo thói quen/ Gieo thói quen tạo tính cách/ Gieo tính cách gặt số phận. Chính các em nhỏ đã gieo những hành động của mình để gặt tương lai tươi sáng cho các em”.
“Các em cũng không phải là siêu sao, các em không phải là trung tâm của vũ trụ này. Các em sẽ gặp những người giỏi hơn, sẽ gặp những khó khăn. Nhưng các em nhớ rằng phải chấp nhận để vươn lên trong gian khó. Những giọt mồ hôi, nước mắt góp phần hình thành những con người có ích cho xã hội” – anh Bình nói.
Các chiến sĩ Trung Đoàn 50 (ảnh trên) đứng ăn cơm nhường ghế cho các chiến sĩ nhí (ảnh dưới)
Ở lứa tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, các em đã nhận thử thách không nhỏ, nhưng các em sẽ có những ngày sống tự lập, khám phá chính mình, sống có trách nhiệm với bản thân và người xung quanh... bởi bên cạnh các em vẫn có “đồng đội”, những tình nguyện viên... luôn ở bên từng phút.
Để có chỗ ăn ngủ, tập luyện trong 10 ngày cho 260 chiến sĩ nhí, các anh bộ đội ở hai trung đoàn tiếp nhận phải ngủ ghép 2 người một giường, ăn cơm đứng để nhường giường, chăn màn, ghế... cho các “chiến sĩ nhí”.
Ngày 20/6 tới, 260 chiến sĩ nhí sẽ “ra quân”, hành trang các em mang theo sẽ là những bài học về kỷ luật, về tính tự lập, ý thức với tập thể...với niềm tự hào từng là chiến sĩ.
Hoa Chanh
Thể thao & Văn hóa