loading...
(TT&VH) - Cánh đồng khe San có diện tích khoảng 50 ha, nằm dưới chân đường mòn Hồ Chí Minh thuộc xã A Roàng, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Khu vực này là nơi canh tác của hơn 200 hộ dân người Tà Ôi, Pa Cô tại xã A Roàng. Sau khi đưa vào canh tác, từ năm 2.000 đến nay, nhiều người dân bị chóng mặt, ngứa ngáy và ngất xỉu vì cuốc phải những thùng phi chất bột màu trắng do quân Mỹ thả trong chiến tranh.
Một thùng chất độc gây cay mắt ngứa ngáy khắp người còn sót lại ở khe San
Theo người dân vào ruộng, chúng tôi thấy một số thùng phi đã cũ nặng khoảng 40kg bị bung nắp để lộ bột kết tủa màu trắng. Trên một vài nắp thùng còn sót lại chữ “CS” và những con số không được rõ ràng. Những người dân làm ruộng ở khu vực này cho biết, bên dưới tầng đất sâu còn một số thùng khác, vì lo lắng có chất kịch độc nên người dân không dám đưa lên.
Nguy hiểm hơn, người dân A Roàng còn phát hiện ở khu vực làm rẫy một số quả bom với trọng lượng lớn còn nguyên vẹn. Già Kăn Min, một người trồng lúa ở Khe San cho biết: “Mấy thùng phi đó giờ vẫn còn nằm ngổn ngang trên bờ ruộng, không ai dám đụng tới vì sợ. Duy chỉ có mấy đứa thanh niên ham lợi, mang chúng ra thượng nguồn suối đổ bột cay lấy vỏ đi bán nhôm đồng làm cả làng ta ngứa ngáy, nóng rát vì tắm giặt ở đó mà”. Tuy nhiên, chính quyền địa phương đến nay vẫn không hề quan tâm đến tình trạng sống chung với chất độc của bà con, vì cho rằng đó là chuyện thường gặp ở A Roàng.
Quả bom dài 1,5m trên mép ruộng
Theo kinh nghiệm của một số cán bộ quân sự và người dân từng tham gia chiến đấu ở vùng A Lưới, có khả năng đây là một dạng chất độc quân Mỹ sử dụng thuộc nhóm chất độc kích thích với mắt, đường hô hấp, gây rát bỏng da, đau nhức dữ dội. Nếu tiếp xúc với lượng lớn có khả năng làm ngưng thở. Theo một tài liệu nghiên cứu cho biết chất CS có thể làm cho da sần sùi, nếu hóa chất này ăn sâu vào cơ thể có thể gây vết loét nặng ở phổi, gan, não và thận. Để xử lý chất độc dạng này, hiện chỉ có thể dùng kiềm đặc phân huỷ dưới các hầm bê tông kín.
Khang An
loading...