A+ A A- Kiểu đọc sách

Căng thẳng, kiệt sức và trầm cảm - Những 'sát thủ' vô hình

06:27 09/08/2016
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Trong xã hội ngày nay, con người luôn phải đối mặt với vô vàn áp lực, từ công việc đến cuộc sống. Tình trạng đó kéo dài có thể dẫn đến những căn bệnh tâm lý, ở các mức độ khác nhau, từ nhẹ như căng thẳng (stress), đến nặng như kiệt sức (burn-out), và nguy hiểm nhất là trầm cảm (depression).

Đây là những căn bệnh thuộc lĩnh vực tâm lý - tâm thần, thường khó nhận biết và rất dễ bị bỏ qua, nhưng nhiều khi để lại những hậu quả khủng khiếp. Xã hội càng hiện đại, con người càng bận rộn và phải đối mặt với càng nhiều vấn đề hơn. Áp lực từ công việc, từ các mối quan hệ gia đình và xã hội, rồi thói quen sử dụng internet và thiết bị số... khiến con người trở nên “cô đơn”, “cô độc” hơn. Cùng với đó là quá ít thời gian và điều kiện để cân bằng về mặt sức khỏe và tâm lý, nhiều người vào đang rơi vào những trạng thái khác nhau.

Căng thẳng là mức độ nhẹ nhất trong chuỗi bệnh về tâm lý này. Biểu hiện rõ ràng nhất là sự mệt mỏi và thường hay cáu gắt, đôi khi vì những lý do rất nhỏ, hoặc đơn giản là vô cớ. Nếu căng thẳng tiếp tục kéo dài mà không có biện pháp can thiệp, người bệnh sẽ rơi vào một trạng thái nặng hơn, gọi là kiệt sức. Ở mức độ này, nguy cơ gây hậu quả cho bản thân và những người xung quanh trở nên rõ ràng hơn, với những hành động có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát.


Đến mức độ nặng nhất, người bệnh rơi vào trạng thái trầm cảm và rất dễ có những hành động tiêu cực, với hậu quả có thể rất lớn, như hành động như tự sát, hay gây ra các vụ thảm sát, đốt nhà cửa, giết người hàng loạt bất kể người thân hay người lạ...

Những hành động tự sát của thủ môn Robert Enke (CLB Hannover và đội tuyển Đức), cựu cầu thủ Gary Speed (huấn luyện viên của đội tuyển xứ Wales), hay các vụ thảm sát bằng súng hay dao mới đây lại Đức và Nhật Bản... được xác định bắt nguồn từ các hội chứng kiệt sức và trầm cảm.

Nhờ sự phát triển của y học, những chấn thương về thể xác đều có thể điều trị được một cách tương đối dễ dàng. Song các chấn thương về tâm lý thì không dễ phát hiện, bởi nó phát triển một cách âm thầm và thường không nhận được sự quan tâm đúng mực của bản thân người bệnh và những người xung quanh. Thậm chí, nhiều người còn không ý thức được tình trạng trầm trọng mà họ đang mắc phải.

Hơn nữa, ngay cả khi nhận thấy mình có vấn đề về tâm lý, nhiều người cũng không muốn công khai mà cố gắng điều trị một cách bí mật, với hy vọng mình sẽ tự chiến thắng. Việc được xác định mắc bệnh tâm lý có thể gây ảnh hưởng lên công việc, sự thăng tiến hay các mối quan hệ xã hội, do đó người mắc bệnh có xu hướng “giấu bệnh”. Điều đó càng làm cho tình trạng bệnh tật thêm tồi tệ.

Ở những quốc gia phát triển, việc điều trị các căn bệnh về tâm lý đã được chú trọng, nhưng đôi khi vẫn không thể kiểm soát hết tình hình, do nhiều người vẫn giấu bệnh. Tại Việt Nam, vấn đề điều trị tâm lý còn chưa được quan tâm đúng mức, thiếu các chuyên gia và cơ sở chuyên ngành, nên người bệnh dù có muốn cũng khó tìm một địa chỉ tin cậy để có thể giải quyết vấn đề của mình, vốn chưa được nhận thức một cách đầy đủ và rất ít khi được công khai.

Bình Minh
Thể thao & Văn hóa

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...