Các Đại biểu Quốc hội nói gì về vụ BTV bị tố bạo hành em vợ?
(Thethaovanhoa.vn) - Những ngày qua, thông tin em T.D, học sinh trường Trung học Phổ thông chuyên Hà Nội-Amsterdam tố anh rể là MC truyền hình M.T thường đánh đập em từ năm lớp 6 đến nay thực sự khiến dư luận bất bình, tranh cãi.
Hiện chưa có kết luận chính thức về vụ việc này từ các cơ quan chức năng nhưng vụ việc đang thu hút sự quan tâm rất lớn của cộng đồng mạng. Cuộc sống của những người trong cuộc đã bị đảo lộn trước sức ép của cộng đồng mạng.
Bên lề kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV diễn ra chiều ngày 28/5, tại Hà Nội, các đại biểu cho rằng cần xác minh rõ lời tố cáo bạo hành trẻ em và cảnh báo nguy cơ khi tham gia mạng xã hội.
Hậu quả không dễ xử lý
Tiến sỹ Phạm Tất Thắng Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho hay, trong vụ việc nữ sinh tố bị anh rể bạo hành rõ ràng có hai khía cạnh, một câu chuyện liên quan đến công việc nội bộ của một gia đình “nổi tiếng” có những người của công chúng; thứ hai, nó liên quan đến sự can thiệp, ảnh hưởng của mạng xã hội.
Theo ông Phạm Tất Thắng, với câu chuyện thứ nhất ở góc độ câu chuyện gia đình, theo truyền thống Á Đông, trước tiên gia đình sẽ tìm cách giải quyết nếu công việc không có gì quá nghiêm trọng.
“Về mặt ứng xử, về văn hóa thì rõ ràng mỗi người đều có hiểu biết nhất định, thậm chí làm việc trong lĩnh vực văn hóa thì những hành xử dù trong gia đình không nên mang tính bạo lực, nhất là mối quan hệ giữa anh rể với em vợ càng không nên có ứng xử bạo lực. Nếu lỡ trong một lúc không kiềm chế, thiếu kiểm soát nào đó đã có hành xử như vậy với nhau thì ở đây vẫn là vẫn mang tính gia đình, nên để gia đình tìm cách xử lý, trừ một sự việc nào quá nghiêm trọng mới cần sự vào cuộc, sự tham gia của các bên khác có liên quan,” ông Phạm Tất Thắng nói.
Mặt khác, ông Phạm Tất Thắng cho rằng nếu thông tin như báo chí phản ánh, bạo lực là hành vi đột phát của anh rể với em vợ trong một lúc nào đó trở thành câu chuyện xã hội mà các cơ quan chức năng phải vào cuộc, nó sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến mối quan hệ của các thành viên đó trong gia đình.
“Xâu chuỗi những câu chuyện đó với nhau thấy một sự việc vốn nó không có gì quá nghiêm trọng, anh vợ trong lúc nóng giận tát, đánh em vợ một hai cái, ngày xưa nếu không có mạng xã hội thì giải quyết dễ dàng hơn,” ông Phạm Tất Thắng nói.
Theo ông Phạm Tất Thắng, trong bối cảnh hiện nay, để duy trì các mối quan hệ tốt đẹp trong xã hội nói chung và với mỗi một cộng đồng nhỏ, một cá nhân, một gia đình nào đó cần phải thận trọng. Bởi vì một phản ứng, một hành động phản ứng trở lại nào đó thiếu kiềm chế, thiếu thận trọng sẽ dẫn đến hậu quả khó lường. Trong câu chuyện tố anh rể bạo hành này, hậu quả của nó chắc chắn không dễ xử lý với tất cả các thành viên trong gia đình đó.
“Đây là một câu chuyện mà chúng ta cũng phải xem xét trong văn hóa ứng xử. Câu chuyện này cũng liên quan đến một khía cạnh thứ hai, đó là hiệu ứng của mạng xã hội. Hiện nay, chúng ta thấy rõ vai trò của mạng xã hội, mọi thông tin đêu được đăng tải và phát tán hết sức nhanh chóng. Trước đây chúng ta không có mạng thì không biết tới những sự việc này, giờ qua mạng xã hội có những sự việc được phát hiện nhanh và kịp thời vì tốc độ lan truyền lớn, tạo được dư luận ở nhiều góc độ khác nhau. Điều này làm cho sự việc được xã hội quan tâm quá mức và ở nhiều khía cạnh khác nhau nó trở nên quá nghiêm trọng,” ông Phạm Tất Thắng nhấn mạnh.
Phải xác minh lời tố cáo
Từ vụ việc này, Đại biểu Dương Trung Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cũng cảnh báo, mạng xã hội có những mặt tích cực nhưng mỗi người cũng phải tự rèn luyện cho mình năng lực, bản lĩnh khi tham gia vào mạng xã hội.
Theo ông Dương Trung Quốc, lời tố cáo nhưng chưa phải là một bản án, kết luận nên hãy coi nó là lời tố cáo. Cơ quan chức năng sẽ có trách nhiệm phải vào cuộc xác minh lời tố cáo đó có đúng hay không, nếu đúng phải có xử lý.
“Cô bé tố cáo anh rể bạo hành đang là vị thành niên nên cơ quan bảo vệ trẻ em có trách nhiệm phải vào cuộc xem cháu có bị xâm hại, bạo hành hay không để kết luận, cơ quan công an cũng phải vào cuộc,” ông Dương Trung Quốc nói.
Tuy nhiên, ông Dương Trung Quốc cũng đặt vấn đề: “Tại sao cô bé lại tố cáo trên Facebook mà không đến cơ quan có trách nhiệm. Chúng ta phải giáo dục các cháu về trách nhiệm xã hội, khi tham gia vào Facebook, mạng xã hội thì phải có đủ bản lĩnh, hiểu biết, nếu không sẽ là vô trách nhiệm, trước hết là với bản thân mình”.
Cục trưởng Cục trẻ em nói gì? Trao đổi với phóng viên ngày 28/5, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, việc em T.D phản ánh bị bạo hành trên mạng xã hội buộc các cơ quan chức năng phải vào cuộc khẩn cấp để xác minh và có các hỗ trợ kịp thời. Hiện nay Tổng đài Quốc gia về bảo vệ trẻ em 111 đã kết nối liên hệ với Trung tâm Công tác xã hội của tỉnh Ninh Bình để cùng hỗ trợ và tiếp cận với gia đình của cháu bé nhằm giúp T.D. vượt qua những khủng hoảng. Cùng với đó, các cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em đang xác minh câu chuyện được đưa lên mạng xã hội có phải sự thật hay không. Đại diện Cục Trẻ em cũng khẳng định, nếu thực sự có chuyện anh rể bạo hành T.D, cơ quan này sẽ có sự can thiệp theo Luật Trẻ em, tuy nhiên, trong quá trình can thiệp, có tiết lộ thông tin hay không lại là vấn đề hoàn toàn khác. Bởi lẽ khi thông tin riêng tư của trẻ em bị tiết lộ quá nhiều, người đầu tiên chịu ảnh hưởng sẽ là bản thân các em. Ông Đặng Hoa Nam cho hay, hiện nay trên mạng xã hội có nhiều lời bình luận “đi quá xa trong việc công khai một số bí mật đời tư và điều này không có lợi cho T.D. Ông Nam đề nghị dư luận không đưa quá nhiều bình luận về đời tư và gia đình, vì có thể gây bất lợi cho T.D. Nguyên tắc của Tổng đài 111 cũng sẽ không công khai những bí mật đời tư khi đang can thiệp vào vụ việc. Từ vụ việc trên, ông Đặng Hoa Nam cũng cảnh báo: “Các bậc phụ huynh cần hướng dẫn cho con em hiểu để thận trọng trong việc sử dụng mạng xã hội khi chia sẻ thông tin, những câu chuyện của bản thân vì có thể đẩy sự việc đi chiều hướng khác, ảnh hưởng xấu tới các em. Thay vào đó, các em nên gọi ngay đến Tổng đài 111, các Trung tâm Công tác xã hội, phòng bảo vệ trẻ em của địa phương để phản ánh về nguy cơ xâm hại, bạo hành để nhận được sự hỗ trợ nhanh chóng và giúp bảo mật thông tin.” |
TTXVN