loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Bên lề Đại hội XIII của Đảng, sáng 28/1, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế trả lời phỏng vấn báo chí về công tác phòng, chống dịch COVID-19 ngay sau khi phát hiện các ca mắc mới trong cộng đồng ở Hải Dương và Quảng Ninh.
Nhận diện mức độ phức tạp và nguy cơ lây nhiễm của dịch COVID-19, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán 2021, sau khi có Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ và Điện của Thường trực Ban Bí thư về tăng cường công tác phòng, chống dịch, sáng 6/1, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký đã cùng các ngành chức năng trực tiếp kiểm tra một số cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn thành phố Hạ Long, tổ chức họp trực tuyến từ tỉnh đến huyện và xã quán triệt nội dung phòng, chống dịch.
* Qua 55 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng, sau khi phát hiện 2 mắc COVID-19 ở huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương và huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh vào ngày 27/1 và phát hiện thêm 82 ca mắc mới vào sáng 28/1. Theo ông, có nên áp dụng lệnh phong tỏa các điểm có dịch thuộc tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh không?
- Trước diễn biến của dịch bệnh, theo quan điểm của tôi, nên phong tỏa các điểm có dịch thuộc tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh. Chúng tôi đang trình Thủ tướng cân nhắc và xem xét vấn đề này. Trong bối cảnh Việt Nam phát hiện số lượng lớn nhất các ca nhiễm mới trong cộng đồng từ trước đến nay, dự báo, dịch bệnh có khả năng lây lan ra diện rộng, cần cảnh báo nguy cơ dịch bệnh trên cả nước.
Về chuyên môn, ca bệnh ở Hải Dương có liên quan tới ca bị nhiễm SARS-CoV-2 chủng mới (theo thông tin của phía Nhật Bản) nên nguy cơ lây lan rất nhanh. Trước kia, chu kỳ ủ bệnh khoảng từ 4 đến 6 ngày thì bây giờ nhanh hơn, có khi chỉ trong vòng từ 2 đến 3 ngày. Do đó, tại nhà máy - nơi bệnh nhân làm việc, địa chỉ tại Kim Điền, xã Hưng Đạo, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương, dịch bệnh đã lây lan rất nhanh, trong thời gian ngắn.
Hiện nay, các lực lượng chức năng, địa phương sẽ thực hiện nghiêm Chỉ thị sắp được ban hành của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp, phòng, chống dịch bệnh.
* Xin ông cho biết tình hình tại Sân bay Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh sau khi phát hiện ca nhiễm COVID-19 mới?
- Trước tình hình đó, sẽ phải đóng cửa toàn bộ Sân bay Vân Đồn. Những chuyến bay đến đây phải tạm hoãn, làm xét nghiệm toàn bộ những người có liên quan.
Đến nay, các lực lượng chức năng đã tiến hành các biện pháp phong tỏa khu vực Sân bay Vân Đồn, xác định được 355 ca F1; 124 ca F2; 2 ca F3 của bệnh nhân số 1.553, đã công bố sáng 28/1. Kết quả xét nghiệm phát hiện thêm 10 ca dương tính với virus SARS-CoV-2. Cùng với đó, bộ phận phân tích nhanh chóng cập nhật thông tin về các chuyến bay đã và sắp hạ cánh tại Sân bay Vân Đồn sau khi phát hiện ca nhiễm mới để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
*Xin ông cho biết cơ chế lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 so với chủng virus trước đó? Xin ông cho biết những giải pháp ứng phó và khuyến cáo đối với các địa phương và người dân?
- Các ca mắc mới có liên quan đến chủng mới của virus SARS-CoV-2, đã được phát hiện ở Anh, do đó, khả năng lây lan rất nhanh. Chúng ta phải tiếp tục thực hiện đồng bộ, phải nâng lên một bước nữa về tất cả biện pháp về phòng, chống dịch; thực hiện nghiêm nguyên tắc chiến lược: “Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch, điều trị hiệu quả”. Tất cả phải nâng cao trên mức so với trước kia.
Qua phân tích ban đầu, ca mắc COVID-19 mới ở Hải Dương và Quảng Ninh cũng có thể liên quan đến nhau về yếu tố dịch tễ.
Trước diễn biến của tình hình dịch bệnh trong nước, chắc chắn, Thủ tướng sẽ có Chỉ thị cụ thể, mạnh mẽ, trên tinh thần khuyến cáo người dân tiếp tục nâng cao ý thức cảnh giác, đề phòng lên một mức cao hơn. Bởi các ca nhiễm nhiễm vừa ghi nhận trong cộng đồng liên quan đến chủng mới của virus SARS-CoV-2, lây lan nhanh hơn và thời gian ủ bệnh ngắn hơn. Đặc biệt, từ ngày đầu chống dịch COVID-19, đây là ổ dịch lớn nhất phát hiện trong cộng đồng.
*Xin trân trọng cảm ơn ông.
Diệp Trương/TTXVN
loading...