loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 27/3, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch đã thăm, làm việc và chúc mừng thành công ca ghép phổi lấy từ người cho chết não đầu tiên ở Việt Nam tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Cùng tham dự buổi làm việc có Trung tướng Lê Hiền Vân, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và đại diện một số đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng.
Trung tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Mai Hồng Bàng - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết: Ngày 26/2/2018, các kíp kỹ thuật của Bệnh viện đã triển khai đồng thời 4 phòng mổ, vừa lấy - ghép phổi và các tạng khác. Sau gần 8 giờ, dưới sự hỗ trợ của 2 chuyên gia đến từ Cộng hòa Pháp, 1 chuyên gia ghép tạng đến từ Bỉ và hơn 60 bác sĩ, phẫu thuật viên, kỹ thuật viên, điều dưỡng của Bệnh viện 108, Bệnh viện đã thực hiện thành công ca ghép phổi lấy từ người cho chết não đầu tiên ở Việt Nam. Sau ghép tạng, bệnh nhân hồi phục tốt, rút nội khí quản sau 20 giờ, chức năng hô hấp sau ghép tốt. Hiện tại, bệnh nhân tỉnh, tự vận động, chức năng phổi ghép ổn định.
Thay mặt Thường vụ Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, đồng chí Ngô Xuân Lịch gửi lời chúc mừng tới toàn thể các nhà khoa học, giáo sư, bác sĩ, kỹ thuật viên kíp mổ và cán bộ, y bác sĩ Bệnh viện 108 vì đã thực hiện thành công ca ghép đặc biệt này. Đồng chí Ngô Xuân Lịch đánh giá: Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, khẳng định những nỗ lực chinh phục đỉnh cao khoa học và trình độ, tay nghề của các thầy thuốc Việt Nam nói chung, đặc biệt là tay nghề của các thầy thuốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 nói riêng trong chuyên ngành ghép tạng; góp phần tạo ra bước tiến quan trọng cho nền y học nước nhà, mở đường xây dựng và phát triển chuyên ngành ghép tạng, một trong những chuyên ngành hiện đại nhất của y học.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh: Thời gian tới, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cần tiến hành toàn diện, đồng bộ các chương trình công tác; đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện, sớm đưa vào sử dụng tòa nhà trung tâm, đảm bảo tối ưu tính năng kỹ thuật, sự an toàn, hiệu quả của các trang thiết bị y tế tiên tiến; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân; xây dựng chiến lược tổng thể để phát triển Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 sớm trở thành bệnh viện đẳng cấp quốc tế.
Để thực hiện tốt những nội dung này, theo đồng chí Ngô Xuân Lịch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao chất lượng công tác chuyên môn, y đức, chất lượng phục vụ, chăm sóc người bệnh; xây dựng tính chuyên nghiệp, môi trường văn hóa trong quản lý, tổ chức bệnh viện; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng kỹ thuật cao trong chẩn đoán, điều trị bệnh, chú trọng hợp tác với các bệnh viện, trung tâm nghiên cứu lớn ở trong nước và quốc tế. Đồng thời, Bệnh viện cần từng bước mở rộng các loại hình khám chữa bệnh; tham gia tích cực vào hệ thống y tế chung, đáp ứng nhu cầu thực tế ngày càng cao trong chăm sóc sức khỏe chiến sỹ, nhân dân, xây dựng Bệnh viện chính quy, khoa học, tiên tiến, văn hóa.
Bệnh nhân được nhận phổi trong ca phẫu thuật lần này là Trần Ngọc Hanh (huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định), sinh năm 1964. Người hiến tạng 45 tuổi, ở huyện Yên Mô (tỉnh Ninh Bình), nguyên là Thiếu tá quân đội. Sau khi được biết về tình trạng chết não của bệnh nhân, gia đình đã bàn bạc, thống nhất đồng ý hiến tạng cứu người. Bệnh viện đã tiến hành làm các thủ tục pháp lý theo đúng quy định của pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người. Với quan điểm tiến bộ, nhân văn “Cho đi là còn lại”, một người mất đi nhưng đã cứu sống 6 người khác. Cùng thời điểm thực hiện ca ghép phổi, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiến hành lấy đa tạng ghép và phối hợp ghép cho các bệnh nhân khác gồm: ghép 1 quả thận, ghép 1 giác mạc, chuyển 1 giác mạc còn lại ghép cho 1 bệnh nhân tại Bệnh viện Mắt Trung ương, phối hợp vận chuyển tim và 1 quả thận ghép cho 2 bệnh nhân khác nữa tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Thành phố Hồ Chí Minh.
Một công trình nghiên cứu của Hãng dược phẩm Roche về hoạt chất alectinid (Alecensa) đã cho kết quả khả quan, có tác dụng làm chậm từ hai tới ba lần tiến trình xâm lấn của tế bào ung thư phổi.
TTXVN/Hiền Hạnh
loading...