loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Về việc tiêm cho trẻ em dưới 18 tuổi, Bộ Y tế đã hoàn thiện dự thảo hướng dẫn và đang tiếp tục xin lại ý kiến của các nhà khoa học, cơ quan chuyên môn. Bộ sẽ sớm tiếp thu ý kiến để ban hành hướng dẫn trong thời gian sớm nhất.
Các hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ và BioNTech của Đức ngày 28/9 cho biết họ đã bắt đầu đệ trình dữ liệu lên Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) để xin cấp phép tiêm chủng vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của các hãng này cho trẻ em từ 5-11 tuổi.
Chiều 2/10, tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, về việc tiêm cho trẻ em dưới 18 tuổi, Bộ Y tế đã chỉ đạo Cục Y tế dự phòng phối hợp với Hội đồng vaccine quốc gia căn cứ vào từng loại vaccine để xem loại nào tiêm được cho trẻ em dưới 18. Hiện Bộ đã hoàn thiện dự thảo hướng dẫn và đang tiếp tục xin lại ý kiến của các nhà khoa học, cơ quan chuyên môn. Bộ sẽ sớm tiếp thu ý kiến để ban hành hướng dẫn trong thời gian sớm nhất.
Trả lời câu hỏi của báo giới về vấn đề giá test kit xét nghiệm COVID-19, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, thời gian qua, Bộ đã có nhiều văn bản hướng dẫn để đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm cho người dân và công nhân trong doanh nghiệp. Bộ đã hướng dẫn cụ thể đối tượng nào được ưu tiên xét nghiệm sàng lọc và gộp mẫu xét nghiệm. Bộ cũng yêu cầu các đơn vị cung ứng kit xét nghiệm đảm bảo tính công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho các đơn vị đăng ký để đảm bảo tính cạnh tranh về giá.
Đến nay, Bộ Y tế đã phép cho 97 test xét nghiệm nhằm đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh trong cung cấp test COVID-19. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị cung cấp test xét nghiệm hàng tuần cập nhật công khai giá trên Cổng của Bộ, tạo điều kiện cho các đơn vị đăng ký, tạo cạnh tranh lành mạnh.
Bộ trưởng Bộ Y tế đã có nhiều công điện, văn bản chỉ đạo nghiêm cấm các hành vi tiêu cực trong việc mua sắm sinh phẩm; đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo sở y tế, thanh tra tỉnh tích cực kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị cũng như kiểm tra, thanh tra các cơ sở cung cấp dịch vụ xét nghiệm để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Bộ cũng thành lập đoàn kiểm tra do Thanh tra Bộ làm trưởng đoàn, đang đi kiểm tra, thanh tra ở các tỉnh mà Bộ cho rằng cần phải xem xét trước để chấn chỉnh.
Thông tin thêm, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, Bộ Y tế đang triển khai thanh tra công tác xét nghiệm, giá test còn phụ thuộc vào chủng loại, tiêu chuẩn, nguồn gốc, chất lượng, số lượng, diễn biến dịch bệnh tại thời điểm mua…
Liên quan đến việc phân bổ vaccine mũi 2 để tiêm cho người dân ở Hà Nội, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho hay, Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch tiêm vaccine cho tất cả các đối tượng theo quy định, trong đó có các đối tượng từ 18 tuổi trở lên và tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1, để đảm bảo tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất. Đến nay, các địa phương đã gửi kế hoạch về và Bộ đã tổng hợp chung, đưa ra khung dự kiến phân bổ vaccine theo từng tuần, từng tháng, theo đúng lộ trình.
Thời gian qua, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành rất tích cực tiếp cận các nguồn vaccine, nhưng lượng vaccine về vẫn khiêm tốn, về đến đâu, Bộ Y tế đều phân bổ ngay và kịp thời đến đó. Căn cứ vào tình hình diễn biến dịch bệnh, Bộ Y tế đã ưu tiên phân bổ cho Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Bình Dương, Đồng Nai. Khi nhận được vaccine về, Bộ sẽ tiếp tục cung cấp cho Hà Nội, các địa phương được ưu tiên, cũng như các địa phương khác, với tinh thần phân bổ khẩn trương, đảm bảo độ bao phủ rộng mũi 1 và đối tượng tiêm mũi 2 theo hướng dẫn.
Theo kế hoạch, dự kiến trong năm 2021 và nửa đầu năm 2022, Bộ Y tế tiếp cận khoảng 150 triệu liều vaccine, trong đó từ nay đến cuối năm dự kiến về khoảng 54 triệu liều. Bộ đã dự kiến kế hoạch phân bổ từng tuần với từng loại vaccine khác nhau để phân cho các địa phương theo quy định, căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương.
Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay, trong tình hình mới, vừa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, vừa mở cửa phát triển kinh tế có lộ trình và đảm bảo an toàn cho người lao động trong sản xuất và phòng, chống dịch, thực hiện nguyên tắc "5K+vaccine+thuốc+công nghệ thông tin+ý thức của người dân", cách ly, xét nghiệm an toàn, hiệu quả, điều trị từ sớm, từ xa để hạn chế tử vong, Bộ Y tế đã dự thảo hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19,và đang xin ý kiến các bộ, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và sẽ sớm ban hành thời gian tới.
Về băn khoăn của một số doanh nghiệp liên quan đến nội dung có trường hợp F0 ở một phân xưởng, Bộ Y tế hướng dẫn theo hướng không phải đóng cửa cả nhà máy mà chỉ khoanh vùng phân xưởng đó, đưa F0 đi cách ly điều trị y tế và tiến hành sàng lọc, đưa các trường hợp F1 đi cách ly, phun trùng khử khuẩn phân xưởng. Sau 24 tiếng, doanh nghiệp có thể đưa lực lượng mới đã được kiểm soát quay trở lại làm việc ổn định.
Về xét nghiệm, ngay từ cuối đợt dịch thứ 2, Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn, với mẫu xét nghiệm PCR có thể gộp 5-10 hoặc 15 mẫu, với test nhanh có thể gộp 3 – 5 mẫu để đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm và đảm bảo hiệu quả về kinh tế.
Về Chỉ thị 15, 16, Bộ Y tế đã cùng các bộ, ban, ngành tiến hành rà soát, đánh giá lại với tình hình dịch bệnh hiện nay, trong điều kiện mới, Bộ sẽ nghiên cứu, tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung, hoặc có chỉ thị mới thay thế Chỉ thị 15, 16. Bộ đang rà soát để có báo cáo cụ thể.
Về việc người dân Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương về quê tự phát, theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, Ban Chỉ đạo và Bộ Y tế đã có nhiều văn bản hướng dẫn, yêu cầu phối hợp chặt chẽ giữa địa phương có công dân và Thành phố Hồ Chí Minh để tổ chức cho người dân đăng ký nguyện vọng. Về tỉnh nào, tỉnh đó sẽ cử người vào đón, đưa công dân về địa phương để thực hiện cách ly và giám sát y tế.
Thời gian qua, một số tỉnh đã thực hiện rất tốt. Tuy nhiên, vẫn có tình trạng một số công dân tự phát di chuyển khỏi Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo, khi người dân về, các địa phương tiếp nhận và đưa vào khu cách ly để theo dõi y tế, tránh lây lan dịch bệnh.
TTXVN
loading...