loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Tại Hội nghị trực tuyến về tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới ngày 24/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam đã qua 83 ngày không ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng.
Người dân cần thực hiện nghiêm túc khuyến cáo của ngành Y tế: Hạn chế đi ra ngoài; khi ra ngoài phải giữ khoảng cách và đeo khẩu trang; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn… như những ngày đầu phòng, chống dịch COVID-19.
Tuy nhiên, tình hình dịch trên thế giới đang căng thẳng, lây nhiễm COVID-19 không có xu hướng chậm lại. Những nghiên cứu, đánh giá cho thấy, hệ số lây nhiễm không tăng nhưng số người nhiễm COVID-19 tại nhiều quốc gia lại tăng lên.
* Vẫn còn tình trạng lơ là, chủ quan
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Long cho rằng, quần thể nhiễm bệnh ở các nước rất cao nên việc phòng chống khó hơn rất nhiều. “Nếu đặt trong bối cảnh như vậy thì hệ thống y tế của Việt Nam khó đáp ứng được nhu cầu điều trị COVID-19. Nguy cơ lây nhiễm vào Việt Nam là rất lớn và hiện hữu”.
Đặc biệt, Việt Nam vẫn có những chuyến bay từ nước ngoài về và trên mỗi chuyến đều có người mắc COVID-19… Trong khi đó, tại các khu cách ly, dù Bộ Y tế đã có nhiều văn bản đôn đốc, chỉ đạo, hướng dẫn vẫn có tình trạng lơ là, chủ quan, chểnh mảng trong giám sát, cách ly, đặc biệt là ở các khách sạn, lưu trú dân sự. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh vai trò quản lý của các địa phương trong việc quản lý cách ly được đảm bảo, chặt chẽ. Các địa phương cần chuẩn bị tất cả các tình huống ứng phó với việc xuất hiện ca bệnh COVID-19 ở cộng đồng.
Trong bối cảnh các cơ sở y tế đang hoạt động trở lại gần như bình thường, đây cũng là một trong nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đã ban hành chỉ đạo để phòng, chống COVID-19 chặt chẽ tại các cơ sở y tế, tuy nhiên bên cạnh các bệnh viện thực hiện tốt thì vẫn còn một số bệnh viện còn lơ là, đặc biệt là khối tư nhân, bệnh viện tư nhân.
Về nguy cơ lây nhiễm COVID-19 từ người nhập cảnh trái phép, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, chỉ riêng trong ngày 23/11, đã có khoảng 5.000 người nhập cảnh/xuất cảnh, trong đó có 77 trường hợp nhập cảnh trái phép vào Việt Nam ở khu vực phía Bắc.
Chia sẻ thông tin về lượng người xuất nhập cảnh khu vực biên giới, Thiếu tướng Nguyễn Đức Mạnh, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, chuẩn bị tới Tết Nguyên đán nên nhu cầu thăm thân nhân của người dân khu vực biên giới rất lớn. Bên cạnh đó, vì nhu cầu mưu sinh, người dân khu vực biên giới tìm mọi cách để xuất nhập cảnh trái phép. Tình trạng người Việt Nam nhập cảnh trái phép, trốn cách ly khi về nước cũng diễn biến phức tạp. Việc nhập cảnh trái phép chủ yếu được tiến hành thông qua mạng xã hội. Các đối tượng liên lạc với nhau bằng sim rác sau đó thuê xe ôm, taxi để vận chuyển người trái phép. Một số đối tượng lẩn trong tàu hàng, tàu cá, container để vào Việt Nam.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Mạnh cho biết, từ đầu năm tới nay, lực lượng bộ đội biên phòng đã được duy trì trên 6.000 chốt đường mòn, lối mở và làm thủ tục cho hơn 2,7 triệu người nhập cảnh, phát hiện hơn 20.000 trường hợp nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.
Xác định cuộc chiến chống COVID-19 còn lâu dài, tình trạng xuất nhập cảnh trái phép dự báo gia tăng, để đảm bảo cho lực lượng bộ đội biên phòng làm nhiệm vụ, đại diện Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng đề nghị Ban chỉ đạo yêu cầu các cấp, ngành, thôn bản, xã phường tiếp tục tuyên truyền cho nhân dân địa bàn biên giới không xuất nhập cảnh trái phép và tiếp tay cho các hành vi vi phạm. Ngoài ra, cần tổ chức chốt chặn nghiêm tại các đường mòn, lối mở biên giới.
Liên quan tới công tác xét nghiệm COVID-19, dù triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế liên tục đề nghị các đơn vị tăng cường giám sát, tăng cường xét nghiệm nhưng số mẫu xét nghiệm chỉ khoảng 4.000 mẫu/ngày. Con số này tăng gần gấp đôi so với thời điểm tháng 7, nhưng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, nếu so với các trường hợp có triệu chứng cúm, viêm phổi nặng thì con số xét nghiệm này là rất thấp. "Nếu xét nghiệm như vậy trong thời điểm này rất dễ không phát hiện ca nhiễm COVID-19 trong khi đây là cách duy nhất phát hiện".
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, bài học là xét nghiệm càng nhanh, phát hiện càng nhanh thì cách ly khoanh vùng dập dịch càng nhanh. Vì vậy phải đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm nếu không thì sẽ có tình trạng "lấy mẫu không kịp xét nghiệm" như bài học từng xảy ra tại Hà Nội.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng cảnh báo về việc giám sát COVID-19 ở thực phẩm nhập khẩu và cho biết Bộ Y tế đã yêu cầu thực phẩm đông lạnh từ nước có dịch phải được xét nghiệm COVID-19 vì khả năng sinh tồn ở thời gian dài.
Tại Hội nghị, các địa phương, đơn vị đã chia sẻ kinh nghiệm công tác phòng chống dịch COVID-19, các cơ quan chuyên môn hướng dẫn khoanh vùng cách ly xử lý dịch, công tác điều trị bệnh nhân COVID-19…
Bích Thủy/TTXVN
loading...