loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương sáng 2/7, Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, 6 tháng đầu năm, Bộ Công an đã mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp, truy nã tội phạm theo các chuyên đề; trong đó đã triệt phá nhiều đối tượng cầm đầu đường dây, tụ điểm mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia với số lượng lớn.
Tình hình tội phạm được kiềm chế
Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, do triển khai quyết liệt các nhiệm vụ công tác, tình hình tội phạm được kiềm chế, giảm so với cùng kỳ năm ngoái; điều tra khám phá các vụ án hình sự đạt cao hơn chỉ tiêu Quốc hội đề ra 9,5%.
6 tháng đầu năm, lực lượng Công an đã điều tra, xử lý hơn 54,9 nghìn vụ phạm pháp hình sự. Trong đó, tội phạm kinh tế đã điều tra, xử lý trên 8,8 nghìn vụ; tội phạm tham nhũng 230 vụ. "Đặc biệt với tội phạm kinh tế và tham nhũng có mối quan hệ rất đặc biệt, chúng tôi hiện nay đang tiếp tục có các giải pháp đồng bộ" - Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.
Lực lượng Công an đã điều tra, xử lý tội phạm về môi trường hơn 12,8 nghìn vụ. Đặc biệt là đã điều tra, xử lý 12,4 nghìn vụ tội phạm về ma túy, trong đó triệt phá nhiều đối tượng cầm đầu đường dây, tụ điểm mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia với số lượng lớn.
"Lực lượng đã tập trung xử lý các đối tượng cầm đầu để chặt đứt đường dây ma túy, cùng với đó xử lý các đối tượng làm thuê, vận chuyển trong đường dây" - Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh.
Đánh giá chung 6 tháng đầu năm, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, cùng với sự với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó có lực lượng Công an là nòng cốt đã góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Lực lượng Công an đã tham mưu với Đảng, Chính phủ nhiều vấn đề cơ bản, chiến lược về chính trị, kinh tế, đối ngoại; đã tham mưu với Chính phủ ban hành Chiến lược hội nhập quốc tế trong lĩnh vực an ninh trật tự đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về đảm bảo an ninh trật tự với khu kinh tế, khu công nghiệp, doanh nghiệp khối đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, Bộ Công an đã soạn thảo, đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản quy phạm pháp luật, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.
Lực lượng Công an đã tổ chức triển khai quyết liệt các biện pháp bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, sự kiện chính trị quan trọng của đất nước; triển khai phương án giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự.
Lực lượng Công an đã tập trung đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, đảm bảo an toàn xã hội, tạo môi trường an toàn, lành mạnh cho doanh nghiệp hoạt động, phát triển; mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp, truy nã tội phạm theo các chuyên đề; tập trung triệt phá các băng, ổ nhóm tội phạm có tính chất lưu manh, côn đồ, sử dụng hung khí, vũ khí, vật liệu nổ gây án.
Ngoài ra, Lực lượng Công an đã chủ động tham mưu, phối hợp giải quyết các vụ khiếu kiện, đình công; tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn ở các khu công nghiệp, khu kinh tế, chế xuất,... tạo môi trường an toàn cho các doanh nghiệp hoạt động. Lực lượng đã kiểm tra, xử lý trên 6,9 nghìn trường hợp vi phạm pháp luật về phòng cháy chữa cháy.
Công tác cải cách hành chính trong quản lý nhà nước về an ninh trật tự đã tạo điều kiện thuận lợi hơn để các doanh nghiệp phát triển; đã chủ động làm tốt công tác xuất cảnh, nhập cảnh, tiếp tục cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam. Thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ, Bộ Công an đã tập trung rà soát, đề xuất loại bỏ 21 sản phẩm hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành thuộc thẩm quyền của Bộ Công an, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm để giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi, giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp.
Không để xảy ra các tình huống đột xuất, bất ngờ
Để đảm bảo thắng lợi các mục tiêu trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Công an kiến nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 46-CT/TW ngày 22/6/2015 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới. Trong đó, xác định người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải chịu trách nhiệm trước hết về tình hình an ninh trật tự và tổ chức thực hiện kiểm tra, đôn đốc, xử lý kịp thời những nhân tố tác động đến an ninh trật tự ở địa phương, đơn vị mình. Khi xảy ra các tình huống phức tạp về an ninh trật tự ở đơn vị, địa phương mình, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nơi đó phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, giải quyết theo phương châm 4 tại chỗ.
Bộ trưởng Bộ Công an đề nghị các địa phương tăng cường công tác nắm bắt tình hình, yếu tố tiềm ẩn phức tạp về an ninh, trật tự; tăng cường đối thoại với nhân dân, tổ chức rà soát trực tiếp từng vụ việc bức xúc, có khả năng hình thành điểm nóng; nghiên cứu kỹ nội dung, nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện, có kế hoạch đối thoại, giải quyết dứt điểm, hài hòa lợi ích của tổ chức doanh nghiệp và người dân, không để xảy ra tình hình phức tạp.
Đồng thời, Bộ Công an đề nghị các bộ, ngành, địa phương quan tâm công tác phòng chống tội phạm hình sự, kinh tế, tham nhũng, tội phạm công nghệ cao, ma túy... Cần xác định phòng chống tội phạm là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên; thủ trưởng các cấp, các ngành phải tổ chức quán triệt đến từng cán bộ, công chức về yêu cầu trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, xã hội.
"Đặc biệt là từ nay đến cuối năm, không để xảy ra các tình huống đột xuất, bất ngờ" - Bộ trưởng Tô Lâm kiến nghị.
Hơn 50 khẩu súng, hàng chục quả lựu đạn, gần 8.000 viên đạn...bị thu giữ trong chuyên án truy bắt đối tượng truy nã đặc biệt về ma túy tại Lóng Luông. Đây được coi là chuyên án ma túy phức tạp nhất tại Sơn La được triệt phá thành công.
TTXVN/Xuân Tùng
loading...