Bộ Tài chính đề xuất nâng mức thuế GTGT lên 12%
(Thethaovanhoa.vn) - Bộ Tài chính vừa tổ chức họp báo chuyên đề “Giới thiệu Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế thu nhập cá nhân và Luật thuế tài nguyên (dự án Luật sửa đổi bổ sung các Luật thuế)" tại Hà Nội chiều 15/8.
- Bộ Tài chính nói về việc tăng thuế xăng dầu
- Bộ Tài chính yêu cầU kiểm tra việc 'thanh lý xe công giá 46 triệu đồng/xe'
- Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm Bộ Tài Chính thăm và làm việc tại BSH
- Bộ Tài chính yêu cầu không tăng giá xăng dầu, tăng mức sử dụng quỹ bình ổn
Đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống thuế
Tại buổi họp báo, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế Phạm Đình Thi đã giới thiệu vắn tắt về sự cần thiết phải xây dựng Luật sửa đổi bổ sung các Luật thuế nhằm đáp ứng các mục tiêu thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về hoàn thiện chính sách thuế, vừa góp phần khắc phục những vướng mắc của các luật thuế hiện hành, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Theo đó, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung các Luật thuế dựa trên những mục đích, quan điểm, nguyên tắc cơ bản sau:
Thứ nhất, thể chế hoá quan điểm, chủ trương, chính sách của Nhà nước thông qua việc tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ mà Bộ Chính trị (Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016), Quốc hội (Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 09/11/2016), Chính phủ (Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016), Thủ tướng Chính phủ (Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 6/6/2017) và Chiến lược Cải cách thuế giai đoạn 2011 - 2020 đã đề ra.
Thứ hai, cải cách chính sách thuế để đáp ứng, tương thích và phù hợp với những nội dung ưu đãi mà các Luật mới được Quốc hội ban hành như Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật đầu tư, Luật khoáng sản...; để góp phần định hướng sản xuất và tiêu dùng, nhằm tạo sự chuyển biến trong phân bổ nguồn lực, cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích người nộp thuế mở rộng sản xuất kinh doanh theo chính sách phát triển của Nhà nước trong giai đoạn sắp tới trên cơ sở thu hẹp diện ưu đãi theo ngành, lĩnh vực, qua đó góp phần mở rộng cơ sở thuế, phù hợp với xu thế cải cách hệ thống thuế để thực hiện mục tiêu cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế, nuôi dưỡng nguồn thu, đặc biệt trong bối cảnh các khoản thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm do thực hiện các cam kết quốc tế.
Thứ ba, việc sửa đổi, bổ sung phải đảm bảo đúng bản chất của từng sắc thuế, đảm bảo tính nhất quán, rõ ràng, minh bạch, đơn giản, giảm thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người nộp thuế và tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, theo đó tập trung sửa đổi, bổ sung những vấn đề bất cập so với thực tế, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Thứ tư, đảm bảo mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với xu hướng phát triển; phù hợp với các cam kết quốc tế, với cam kết tại các thỏa thuận và Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia hoặc đang trong quá trình đàm phán để ký kết, tham gia, qua đó góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam và tăng việc làm cho người lao động, chống thất thu ngân sách nhà nước, chống gian lận thương mại, chuyển giá...
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Tại buổi họp báo, đại diện Vụ Chính sách thuế cũng đã thông tin cụ thể về những thay đổi của dự thảo Luật.
Trong đó, đối với nội dung sửa đổi, bổ sung Luật thuế GTGT, đơn vị soạn thảo tập trung sửa đổi 07 nội dung, bao gồm 04 nội dung sửa đổi nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như: Chuyển phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng cho nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế GTGT; Bổ sung quy định doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế suất thuế GTGT 5% nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết sau 12 tháng hoặc 4 quý thì được hoàn thuế GTGT; Quy định điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào là có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào, trừ hàng hóa, dịch vụ mua từng lần từ mức dưới hai mươi triệu đồng xuống mức dưới 10 triệu đồng.
03 nội dung sửa đổi nhằm bảo đảm tỷ trọng hợp lý giữa thuế gián thu và thuế trực thu theo Nghị quyết số 07-NQ/TW, trong đó: giảm nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT và nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 5% theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế; nâng mức thuế suất thuế GTGT từ mức 10% lên mức 12%.
Đối với nội dung sửa đổi, bổ sung Luật thuế TTĐB, tập trung sửa đổi 04 nội dung. Trong đó, 01 nội dung sửa đổi nhằm mở rộng cơ sở thu, phù hợp với thông lệ quốc tế, cụ thể là bổ sung nước ngọt vào đối tượng chịu thuế TTĐB với mức thuế suất 10% áp dụng từ năm 2019. 02 nội dung sửa đổi nhằm thực hiện chiến lược cải cách hệ thống thuế và góp phần định hướng tiêu dùng liên quan đến việc tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá ngoài mức thuế suất tương đối 70% hiện nay tăng lên 75% vào năm 2019 đề nghị bổ sung thêm mức tuyệt đối 1.000 đồng/bao thuốc lá 20 điếu và 1.500 đồng/một điếu xì gà áp dụng từ ngày 01/01/2020 và xe ô tô vừa chở người vừa chở hàng áp dụng thuế suất thuế TTĐB bằng 60% mức thuế suất xe con cùng dung tích xi lanh; 01 nội dung sửa đổi về giá tính thuế TTĐB đối với mặt hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống nhằm thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô (giá tính thuế TTĐB đối với mặt hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra trừ đi giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước)
Trong khi đó, với Luật thuế TNDN, tập trung sửa đổi 08 nội dung, bao gồm 01 nội dung về giảm thuế suất thuế TNDN cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) để đáp ứng và tương thích với Luật hỗ trợ DNNVV số 04/2017/QH14 mới được Quốc hội ban hành. Cụ thể doanh nghiệp siêu nhỏ (là doanh nghiệp có tổng doanh thu năm dưới ba tỷ đồng) được áp dụng thuế suất 15%; DNNVV (là doanh nghiệp có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người; đồng thời đáp ứng điều kiện có tổng doanh thu năm từ ba tỷ đồng đến 50 tỷ đồng) được áp dụng thuế suất 17%; 03 nội dung sửa đổi nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; 03 nội dung sửa đổi nhằm thực hiện chiến lược cải cách hệ thống thuế; 01 nội dung sửa đổi về ưu đãi thuế theo Nghị quyết số 07-NQ/TW, Nghị quyết số 25/2016/QH14 và phù hợp với thông lệ quốc tế theo hướng hẹp về lĩnh vực, tiếp tục khuyến khích đầu tư vào các ngành sản xuất các sản phẩm có GTGT lớn, các ngành công nghiệp hỗ trợ, sử dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, dịch vụ chất lượng cao, lĩnh vực xã hội hóa, hoạt động tài chính vi mô của tổ chức tài chính vi mô hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Tại nội dung sửa đổi, bổ sung Luật thuế TNCN, tập trung sửa đổi 08 nội dung. Trong đó, 03 nội dung sửa đổi nhằm tháo gỡ khó khăn cho cá nhân; 01 nội dung sửa đổi nhằm mở rộng cơ sở thu; 02 nội dung sửa đổi để cải cách thủ tục hành chính; 02 nội dung sửa đổi nhằm thực hiện chiến lược cải cách hệ thống thuế.
Cuối cùng, đối với nội dung sửa đổi, bổ sung Luật thuế tài nguyên: Tập trung sửa đổi 04 nội dung. Việc sửa đổi, bổ sung Luật thuế tài nguyên để thống nhất với các quy định của pháp luật có liên quan (pháp luật về khoáng sản, pháp luật về điện lực, pháp luật về hải quan) và đảm bảo tính thống nhất của các quy định tại Luật, như: Sửa đổi, bổ sung quy định về người nộp thuế tài nguyên trong trường hợp khai thác nhỏ, lẻ để phù hợp với quy định của Luật khoáng sản, phù hợp với thực tế; Sửa đổi, bổ sung quy định về sản lượng tài nguyên tính thuế đối với nước thiên nhiên (trừ nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thủy điện) để đảm bảo tính đồng bộ của các quy định trong Luật; Sửa đổi, bổ sung quy định về giá tính thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thủy điện và giá tính thuế tài nguyên đối với tài nguyên khai thác xuất khẩu để phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan (pháp luật về điện lực, pháp luật về hải quan).
Cũng tại buổi họp báo, đại diện Vụ Chính sách thuế đã trả lời các câu hỏi của phóng viên xung quanh các nội dung liên quan đến thuế TTĐB đối với ô tô, cân đối NSNN trong bối cảnh nguồn thu giảm khi Luật đi vào cuộc sống; Thuế TNCN đối với người trúng thưởng; Lộ trình giảm thuế đối với người có thu nhập thấp. Đối với câu hỏi của phóng viên liên quan đến lộ trình đánh thuế đối với việc sở hữu ngôi nhà thứ hai, ông Phạm Đình Thi cho biết “Trong định hướng cải cách hệ thống thuế đến năm 2020 có loại thuế tài sản. Nghị quyết của Bộ Chính trị và Nghị quyết 25 của Quốc hội có yêu cầu quản lý tốt nguồn thu từ nội địa, trong đó có thuế tài sản. Tuy nhiên, hiện nay chưa có thuế đánh vào quyền sở hữu ngôi nhà thứ hai”.
Trong khi đó, trả lời câu hỏi của phóng viên lý do liên tục đưa ra các đề xuất sửa đổi các sắc thuế, ông Thi khẳng định “Việc sửa đổi, bổ sung nhằm phù hợp với điều kiện KTXH hiện tại, đảm bảo tính nhất quán, rõ ràng, minh bạch, đơn giản, giảm thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người nộp thuế và tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh”.
Theo Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính