Bỏ đi khi cảnh sát giao thông lập biên bản, bị phạt thế nào?
(Thethaovanhoa.vn) - Anh Nguyễn Thanh Liêm (Hải Dương) hỏi: Trên đường đi làm, do không để ý, tôi điều khiển xe máy đi vào làn đường dành cho xe ô tô. Tôi bị cảnh sát giao thông (CSGT) yêu cầu dừng xe kiểm tra. Lúc đó, vội quá tôi bỏ xe máy lại bắt xe ôm đi làm. Xin hỏi trong trường hợp này tôi có bị xử phạt không?
- Người vi phạm giao thông bị phạt lao động công ích, đề xuất gây tranh cãi
- Ngày đầu xử phạt vi phạm giao thông bằng 'mắt thần': 70 biên bản đã được gửi về... tận nhà
Hành vi "Không chấp hành yêu cầu kiểm tra của người thi hành công vụ” có thể bị phạt tiền tới 12 triệu đồng. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Khi hết bận, anh quay lại trụ sở Đội CSGT phụ trách địa bàn nơi anh vi phạm, xuất trình các loại giấy tờ theo quy định, đồng thời phải trình bày lý do vì sao lại không chấp hành yêu cầu kiểm tra của CSGT, tự ý để phương tiện lại và bỏ đi.
Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định cụ thể mức xử phạt đối với hành vi “Đi sai làn đường” và “Không chấp hành yêu cầu kiểm tra của người thi hành công vụ”.
Cụ thể, điểm g khoản 4 Điều 6 Nghị định 46/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/8/2016, điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường, làn đường quy định hoặc Điều khiển xe đi trên hè phố, trừ trường hợp Điều khiển xe đi qua hè phố để vào nhà thì bị phạt tiền từ 300.000 – 400.000 đồng.
Bên cạnh đó, khoản 5, Điều 11 của Nghị định 46 quy định: Phạt tiền từ 4 – 6 triệu đồng đối với cá nhân, từ 8 – 12 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.
Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm nếu là người điều khiển phương tiện còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng.
Theo Tin tức