Blogger "có tiếng" bàn về tự do cá nhân, đạo đức
Sau đây là một số ý kiến tâm huyết của các blogger "có tiếng" và mong muốn nhận được nhiều tranh luận đa chiều của độc giả xoay quanh vấn đề này:
Tôi quan tâm đến chuẩn mực đạo đức cộng đồng khi viết blog (Nhà văn Nguyễn Quang Lập - blogger Quê choa):
Tôi viết blog vì nhu cầu được chia sẻ với mọi người về những gì mình quan tâm. Khi viết blog tất nhiên tôi rất quan tâm đến những chuẩn mực đạo đức cộng đồng, vì tôi viết không phải để mình tôi đọc.
Chỉ vì chuẩn mực đạo đức cộng đồng phù hợp với những gì tôi muốn và không muốn, tôi yêu và ghét, tôi sợ và không sợ, tôi trọng và khinh... nên tôi cảm thấy rất tự do khi viết.
Blogger chỉ cần không vi phạm pháp luật là đủ! (Blogger Trang Hạ):
Khoảng một năm trở lại đây, các nghiên cứu về truyền thông đã bắt đầu xây dựng khái niệm "lưu manh trên mạng" (internet hooligan) và sử dụng để chỉ những người coi blog như một vũ khí đả thương đối phương.
Sau khi blogger "Cô gái Đồ Long" bị bắt, đã có nhiều ý kiến tranh luận trong giới blogger Việt về ranh giới tự do cá nhân và nguyên tắc đạo đức của cộng đồng.
Nếu đối phương là một tập thể hoặc là nghệ sĩ, người nổi tiếng, "lưu manh trên mạng" sẽ tung các thông tin bất lợi hoặc bịa đặt gây tổn hại cho họ. Tuy nhiên, hầu như những "hô-li-gân" hiếu chiến thời đại số này đều nặc danh, ném đá giấu tay, không dám đứng tên thật để chịu trách nhiệm về các phát ngôn của mình.
Còn blogger "Cô gái Đồ Long" đã công khai thông tin cá nhân và công nhận blog "blogcogaidolong" là do mình viết, thì vô hình chung blogger đã chịu trách nhiệm về các nội dung trên đó, và cá nhân tôi đánh giá đó là một hành vi có trách nhiệm của blogger.
Theo tôi từng biết, trên thế giới, việc bắt giữ chủ nhân trang blog chỉ xảy ra khi họ đưa thông tin tổn hại nghiêm trọng tới lợi ích quốc gia, bí mật quốc phòng.
Blog không phải là nhật ký mà là “nhật chí” của cá nhân, nghĩa là nơi lưu trữ cá nhân các ghi chép và chia sẻ thông tin đó với bạn bè trên mạng. Vì thế, nếu coi blog là nhật ký riêng tư cũng sai, và coi là trang thông tin điện tử công khai cũng chưa chính xác.
Theo tôi, việc giới hạn thông tin trên blog có lẽ là việc của một phần mềm lọc dữ liệu từ nhà cung cấp dịch vụ mạng, còn việc giới hạn ứng xử của blogger mới là quan trọng nhất. Những gì trôi nổi trên mạng đều xuất phát từ con người, vậy đừng đòi quản lý nội dung mạng khi giáo dục và truyền thông đã không thể nâng cao ý thức và trình độ của giới trẻ.
Còn bản thân tôi, xác định mình là một nhà văn mạng đang sáng tác truyện ngắn cho bạn đọc và một dịch giả online đang dịch (có bản quyền) cho độc giả thì tôi đặt chất lượng bản thảo online của mình lên đầu. Nếu gọi đó là đạo đức thì không phải, đúng hơn, nó là ý thức cá nhân.
Tôi không hy vọng xuất hiện cái gọi là đạo đức blogger Tôi nghĩ chỉ cần cư dân mạng không vi phạm pháp luật là đủ, ví dụ không lợi dụng internet để tống tiền, lừa tình, ăn cắp thông tin cá nhân, môi giới mại dâm... (Trang Hạ) |
Vì thế, nếu chỉ nhấn mạnh những nguy cơ mạng ảo, kêu gào văn hóa cho blog mà bỏ qua con người đứng sau màn hình, khác gì việc "đuổi hình bắt bóng".
Sống trong xã hội nào thì cũng phải điều chỉnh cho phù hợp với xã hội đó. (Thạc sĩ báo chí Vũ Tuấn Anh - Giảng viên Khoa Phát thanh Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền):
Xét một khía cạnh nào đó, blog được coi là "báo chí công dân". Ở phương Tây, blog không chỉ là nơi chia sẻ suy nghĩ của người viết mà còn là nơi cung cấp thông tin cho báo chí chính thống.
Trên một số tờ báo nước ngoài, còn có một mục mời các blogger viết bài lên đó.
Như vậy là tờ báo đã coi trọng khả năng thông tin của các blogger, coi họ như một nguồn tin. Trên báo Úc, các nhà báo cũng kiêm luôn là các blogger. Họ đã biết sử dụng cộng đồng blog như một nguồn thông tin, một lực lượng phản biện.
Mạng xã hội tự nó đã có vai trò định hướng dư luận xã hội. Blog "đen" hay blog "bẩn" tuỳ thuộc vào quan điểm và cách nhìn của mỗi người. Sống trong xã hội nào thì ta cũng phải điều chỉnh cho phù hợp với xã hội đó.
Blog cũng vậy, viết thế nào để phù hợp với thuần phong, mỹ tục, đạo đức, lối sống của người Việt và không vi phạm pháp luật là điều mà các blogger nên hướng tới.
Có những nguyên tắc cần phải tuân theo (Nhà báo Phan Lợi - báo Pháp Luật TP.HCM - Blogger Bút Lông):
Tôi nghĩ ở đây chúng ta cũng phải phân biệt giữa các loại blog. Có những người tạo ra blog mà chưa ai biết đến hoặc bản thân họ cũng giới hạn phạm vi thông tin của họ trong một nhóm bạn bè. Trong phạm vi như thế họ có thể có sự tự do lớn hơn trong việc nêu lên các ý nghĩ, quan điểm cá nhân của mình đối với xã hội.
Nhưng với những blogger để public - chế độ cho phép bất kì ai vào mạng đều truy cập được, hay những blogger có một lượng bạn bè đông đảo, những blogger sở hữu blog nổi tiếng, có “thương hiệu” thì họ phải tôn trọng những nguyên tắc nhất định của một xã hội văn minh.
Những nguyên tắc này cũng giống như chúng ta đi trong đời sống thôi. Những giá trị mà con người hiện tại đang phải tuân theo thì các blogger không có lý do gì lại không tuân theo cả. Những nguyên tắc mà chúng ta phải tuân thủ chính là luật pháp và đạo đức xã hội.
Trong luật pháp ngoài luật hình sự, dân sự thì có nhiều bộ luật… Còn đạo đức xã hội thì rõ ràng rồi, chúng ta là những con người trưởng thành rồi thì đều phải biết những nguyên tắc về lối sống, quan hệ, đối xử...