Hà Nội triển kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch theo mức diễn biến dịch bệnh COVID-19
(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 6/8, chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo thành phố về phòng chống dịch COVID-19, trên cơ sở phân tích những thuận lợi, khó khăn trong công tác phòng chống dịch COVID-19 của thành phố trong giai đoạn hiện nay, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã yêu cầu kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch theo mức diễn biến dịch bệnh xảy ra nhưng cao hơn một mức so với kịch bản phê duyệt ban đầu, đồng thời triển khai ngay 8 giải pháp, 5 nhiệm vụ cấp bách.
Bày tỏ đồng tình với quan điểm, giải pháp của UBND thành phố trong thực hiện phòng chống dịch COVID-19 thời gian qua, Bí thư Thành ủy yêu cầu toàn Đảng bộ thành phố và nhân dân thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, thành phố và thực hiện các giải pháp nhiệm vụ cấp bách.
“Thường trực Thành ủy yêu cầu kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch đã thiết lập từ trước đến nay, kể cả về con người, cơ chế và phương thức phối hợp, theo mức diễn biến dịch bệnh xảy ra nhưng cao hơn một mức so với kịch bản phê duyệt lúc đầu; giao cho Ban Cán sự Đảng UBND thành phố và Ban Chỉ đạo thành phố nghiên cứu nâng mức cao hơn mức chung của thành phố đối với những khu vực rủi ro cao hơn”, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.
Từ thành phố đến các cơ sở rà soát lại tất cả các điều kiện đảm bảo yêu cầu “4 tại chỗ”; đặc biệt rà soát nhu cầu và khả năng cung ứng thiết bị trong công tác phòng chống dịch để mua sắm bổ sung, đảm bảo công khai minh bạch, chống tiêu cực tham nhũng; kêu gọi nhà tài trợ, nhà hảo tâm hỗ trợ công tác phòng chống dịch COVID-19 bằng hiện vật, nhất là máy xét nghiệm PCR.
Ngoài ra, cần làm tốt hơn nữa công tác truy vết với nguyên tắc “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” và phát huy vai trò then chốt, quan trọng của cán bộ tổ dân phố, công an, quân đội và đơn vị nào để xảy ra việc người nhập cảnh trái phép, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải chịu trách nhiệm; tập trung xét nghiệm trên diện rộng; huy động các bệnh viện tư nhân làm xét nghiệm. Việc khoanh vùng, cách ly, thực hiện giãn cách xã hội tùy theo mức độ rủi do thành phố sẽ có quyết sách phù hợp với từng khu vực.
Bên cạnh đó, rà soát lại cơ sở y tế có khả năng chữa trị cho bệnh nhân mắc COVID-19, sẵn sàng kích hoạt lại bệnh viện dã chiến tại Mê Linh. Thường trực Thành ủy cũng kêu gọi người dân Hà Nội cài đặt và sử dụng rộng rãi ứng dụng Bluezone.
Đối với 5 nhiệm vụ cấp bách trước mắt, Bí thư Thành ủy yêu cầu tổ chức tuyệt đối an toàn kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông diễn ra từ ngày 8 – 10/8; đảm bảo tiếp tục tổ chức tốt Đại hội Đảng tại các quận, huyện, đơn vị tương đương còn lại và hoàn thành chậm nhất vào 18/8; chuẩn bị thật tốt vật tư, trang thiết bị cần thiết và sẵn sàng chi viện nhân lực, vật lực cho Đà Nẵng, Quảng Nam trong phòng chống dịch; duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa theo chỉ đạo Chính phủ, Ban Chỉ đạo thành phố để đáp ứng đầy đủ yêu cầu cho người dân.
Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền nhận định, hiện lượng người từ Đà Nẵng về rất lớn. Trong khi đó, việc tuân thủ cách ly chưa chặt chẽ (như trường hợp BN714) nên nguy cơ lây nhiễm cao tại nhiều khu vực và cho nhiều người tiếp xúc nếu đã nhiễm bệnh. Trong thời gian tới, có thể tiếp tục ghi nhận các ca bệnh mới trong cộng đồng trên địa bàn thành phố.
Thay mặt Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 báo cáo Thường trực Thành ủy làm rõ thêm một số nội dung trong công tác phòng chống dịch, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, công tác xét nghiệm là nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay, để xác định các ca bệnh. Do đó, thành phố quyết định tất cả những người ở Đà Nẵng về từ 15 - 29/7 đều phải làm xét nghiệm PCR. “Test nhanh là giải pháp để kịp thời khoanh vùng những trường hợp dương tính, từ đó có những biện pháp chặt chẽ hơn, chứ không phải là biện pháp duy nhất để chúng ta xác định ca bệnh”, Chủ tịch UBND thành phố nêu rõ.
Về năng lực xét nghiệm, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, nếu huy động hết các nguồn lực từ các bệnh viện, Hà Nội có thể xét nghiệm được 9.000-10.000 mẫu/ngày.
Liên quan đến kit xét nghiệm, ông Nguyễn Đức Chung cho biết, tối 6/8, thành phố sẽ tiếp nhận 10.000 bộ xét nghiệm do Bệnh viện Tâm Anh tặng và giao cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội điều phối để tiến hành xét nghiệm cho các trường hợp đi từ Đà Nẵng, các trường hợp F1, F2 liên quan đến các bệnh nhân.
Ngoài ra, Trung tâm cũng tiếp tục xác minh các trường hợp liên quan đến chuyến bay VN7198. Tất cả các trạm y tế phường, xã đảm nhận việc lấy mẫu dịch hầu và dịch họng để làm xét nghiệm PCR đối với các trường hợp đi từ Đà Nẵng từ ngày 15 - 29/7; phấn đấu từ ngày 7 - 13/8, lấy được từ 60.000 - 65.000 mẫu.
Thảo Nhi