loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Mặc dù đã có rất nhiều cảnh báo về nguy cơ ngộ độc chì trong thuốc cam không rõ nguồn gốc, nhưng nhiều phụ huynh vẫn tin dùng loại thuốc này. Những sai lầm này đã gây hậu quả nghiêm trọng cho các bé.
Ngày 18/9, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Chiến, Giám đốc Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, cho biết, bốn cháu bé uống chung một chai nước và bị ngộ độc, đã xuất viện.
Mới đây, Bệnh viện đa khoa Phú Thọ tiếp nhận bệnh nhi 14 tháng tuổi, trú tại Thạch Khoán, Thanh Sơn, Phú Thọ, trong tình trạng mệt mỏi, khó thở, sốt nhiều cơn, bụng chướng, da vàng, nôn nhiều, gan to ngang rốn và có nhiều vết loét ở niêm mạc miệng.
Theo người nhà bệnh nhi, trẻ có tình trạng ho, khò khè, sốt cao và kèm theo nhiệt miệng. Sau khi dùng kháng sinh, trẻ hạ sốt nhưng tình trạng trên vẫn tái diễn (kéo dài khoảng 1 tuần), gia đình cho trẻ uống thuốc nam và bôi thuốc cam vào miệng để điều trị. Tuy nhiên, sau 2 ngày sử dụng, bệnh nhi có dấu hiệu gia tăng mệt mỏi, sốt cao liên tục, da vàng, bú kém, tiếp tục ho, khò khè nhiều. Lúc này gia đình đưa bé đến khám tại Trung tâm y tế huyện và được chẩn đoán suy gan cấp, nên lập tức chuyển bé xuống Trung tâm Sản Nhi, Bệnh viện đa khoa Phú Thọ.
Qua thăm khám và tổng hợp các kết quả cận lâm sàng, các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Trung tâm Sản Nhi xác định bệnh nhi có rối loại đông máu, men gan tăng cao, chỉ số bilirubin tăng và thiếu máu nghiêm trọng, nguyên nhân là do trẻ bị ngộ độc thuốc nam. Chỉ số hàm lượng chì trong máu của trẻ là 129,8 µg/dl, tăng gấp 13 lần so với bình thường, xếp vào tình trạng nhiễm độc chì nghiêm trọng.
Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Trung tâm Sản Nhi, Bệnh viện đa khoa Phú Thọ cho biết, trẻ em bị ngộ độc chì rất nguy hiểm, nhất là tình trạng ngộ độc mãn tính bởi việc điều trị rất khó khăn và để lại di chứng rất nặng nề. Khi xảy ra tình trạng ngộ độc, chì không chỉ nhiễm vào máu mà còn xâm nhập vào các tổ chức xương, não, các bộ phận khác trên cơ thể… gây ra nhiều bệnh lý về thần kinh, huyết học, dạ dày, đường ruột, tim mạch, khiến trẻ chậm phát triển về trí tuệ.
Trẻ bị nhiễm độc chì thường có những biểu hiện rất đa dạng từ cấp tính-dễ nhận biết đến mạn tính - lâu dài, không điển hình. Về thần kinh, trẻ có các biểu hiện cấp tính như tăng kích thích, co giật, ngủ lịm từng lúc, hôn mê, liệt. Các biểu hiện lâu dài, không điển hình là chậm phát triển nhận thức, tinh thần, giảm khả năng nghe, thái độ hành vi kỳ dị, ít chơi, mệt mỏi, khó chịu, vô cảm, mất phối hợp, học kém... Về tiêu hóa, trẻ nôn, đau bụng, chán ăn. ề máu, da trẻ xanh xao, cơ thể gầy yếu do thiếu máu.
Ngoài các triệu chứng rõ rệt như trên, trẻ nhiễm độc chì còn có rất nhiều biểu hiện kín đáo, chỉ có thể phát hiện bằng các xét nghiệm định lượng chì trong máu.
Thực tế cho thấy, nhiều người dân vẫn còn thói quen sử dụng các loại thuốc nam, thuốc cam để điều trị bệnh. Việc sử dụng tràn lan các loại thuốc không rõ nguồn gốc, không kiểm soát được chất lượng có thể gây ra nhiều hậu quả nặng nề đáng tiếc cho sức khỏe của trẻ. Do đó, bác sỹ khuyến cáo các bậc phụ huynh tuyệt đối không nên cho con sử dụng các phương thuốc dân gian không rõ nguồn gốc mà nên đưa con đến ngay các cơ sở y tế khi con có dấu hiệu bệnh để được thăm khám, điều trị đúng cách.
PV - TTXVN
loading...