Bất lực nhìn rừng chè cổ thụ Suối Giàng biến mất
Ông Nguyễn Văn Toản, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Văn Chấn (Yên Bái) cho biết: "Dịch mối xông ở cây chè cổ thụ xã Suối Giàng đang phát triển mạnh. Nguyên nhân có thể do gốc chè không giữ được độ ẩm thích hợp là điều kiện để mối phát triển. Thực tế cho thấy ở những nơi bị phát quang gốc thì mối xông càng nhiều".
Cứ đà phá hoại của dịch mối xông chè như hiện nay, thì hàng trăm cây chè cổ thụ nổi tiếng cùng với 400 ha chè Suối Giàng có nguy cơ biến mất.
Dịch mối xông cây chè cổ thị Suối Giàng bắt đầu xuất hiện cách đây chừng 10 năm, nhưng hai năm trở lại đây chè chết nhiều hơn. Tuy chưa có thống kê đầy đủ nhưng diện tích chè bị sâu bệnh khoanh vùng khoảng 30 ha, tập trung nhiều ở khu Bản Mới, còn các khu khác thì lác đác.
Dịch mối xông chè cổ thụ Suối Giàng đã ảnh hưởng lớn tới đời sống của người Mông nơi đây, bởi thu nhập của họ phần lớn phụ thuộc vào những cây chè này. Hơn nữa đây còn là Trung tâm Du lịch Sinh thái Suối Giàng đang được tỉnh Yên Bái đầu tư xây dựng sẽ khó đem lại hiệu quả, nếu các cây chè cổ thụ này không còn nữa.
Anh Giàng A Sềnh ở thôn Cáng của xã cho biết: "Nhà có 5.000 m2 chè, mình cũng đã mua thuốc sâu từ ngoài chợ về để diệt mối nhưng chỉ có những con mối ở bên ngoài chết thôi, còn những con ở bên trong cây chè nó không chết được nên mình chẳng biết làm thế nào để diệt nó được nữa".
Theo ông Sổng A Nủ, Chủ tịch UBND xã Suối Giàng: “Ban đầu mối tấn công vào gốc chè khiến cây chè không có búp, sau nhiều năm nó gặm nhấm lên tận ngọn, rồi chè chết dần chết mòn. Trước mắt xã đã mua thuốc bảo vệ thực vật xử lý bằng cách phun vào đường mối đi, gạt đất phun vào bên trong. Xã mong muốn các nhà khoa học về xem xét và giải cứu những cây chè cổ khỏi tình trạng này càng sớm càng tốt”.
Xã Suối Giàng là vùng đất được vinh danh bởi những cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi đã làm nên thương hiệu của ngành chè Suối Giàng nổi tiếng. Toàn xã hiện có 400ha, trong đó chè cổ có khoảng 400 gốc từ 100-300 tuổi được chọn để làm giống. Hàng năm, toàn xã thu hái được khoảng 500 tấn chè búp tươi, bán với giá trung bình 7.000đồng/kg, thu về cho bà con trong xã trên 3 tỷ đồng.
TTXVN