A+ A A- Kiểu đọc sách

Bật đèn pha làm “mù mắt” người đi đường

09:01 19/07/2008
loading...

(TT&VH Online) - Một người bạn của tôi ở nước ngoài nhiều năm về rất ngạc nhiên khi ra đường vào buổi tối thấy đèn pha loang loáng. Không chỉ ô tô mà xe máy (đặc biệt là xe ga) đều bật đèn pha hết sức tùy tiện, gây nguy hiểm cho người đi đường.

“Nổ mắt” vì đèn

Nếu đi vào đường Thụy Khuê, Hoàng Hoa Thám (Hà Nội) vào buổi tối bạn sẽ được mục kích màn “trình diễn ánh sáng” của các phương tiện giao thông. Khi trời xẩm tối 2 con đường này trở nên rất nguy hiểm vì đường hẹp, nhiều ổ gà, xe cộ đông, ánh sáng công cộng yếu. Thế nhưng ô tô, xe máy qua đường này rất “chăm” chiếu đèn pha. Anh Nguyễn Công Vinh (phố Hoàng Hoa Thám) cho biết: “Mấy lần tôi bị lao xuống một bên dốc đường chỉ vì bị lóa mắt. Có lần tôi suýt đâm vào một người đi bộ trước mặt, may mà anh ta mặc quần màu trắng nên đến gần mình kịp nhận ra. Mỗi lần bị đèn pha chiếu vào mắt về nhà thường nhức mắt kinh khủng”.
 
Ô tô hiện đại được thiết kế đèn có công suất mạnh (ảnh minh họa)

Không chỉ có hai con đường Thụy Khuê và Hoàng Hoa Thám, mà hàng trăm con đường khác cũng trong tình trạng tương tự.

Với những người thường đi công tác xa, bị đèn pha chiếu vào mắt luôn là nỗi ám ảnh. Phóng viên Dương Hiệp (báo Hà nội mới) cho biết anh thường xuyên đi công tác tỉnh ngoài bằng xe máy. Không ít lần anh gần lao xuống ruộng chỉ vì bị lóa mắt bởi ánh đèn pha của xe tải. Anh Đỗ Tú (lái xe của Đài THVN) cho biết: “Đi trên đường Quốc lộ bao giờ tôi cũng phải cẩn thận vì các xe đều chạy với tốc độ 70 - 80km/h, cách nhau 50m đã phải xuống “cốt” rồi nhưng nhiều lái xe vẫn cứ để “pha”. Nếu không bình tĩnh xử lý sẽ rất dễ bị tai nạn”.

Xe mô tô hoặc ô tô nào cũng có đèn với 2 chức năng “pha” và “cốt”. “Pha” là ánh đèn chiếu ngang, có độ sáng trải dài. “Cốt” là ánh đèn chiếu chúc xuống đất, nên tầm phát sáng ngắn hơn. Chùm sáng mạnh của đèn pha được thiết kế nhằm giúp người điều khiển phương tiện nhìn rõ hơn khi đi đường trường, vào buổi tối và khi thời tiết xấu. Nhưng đi trong các các khu đông dân cư và khi có người đi ngược chiều trong phạm vi chiếu sáng của đèn pha thì không được sử dụng đèn pha. Ánh sáng mạnh của loại đèn này có thể làm người đi ngược chiều bị “mù” tạm thời, dẫn đến mất khả năng quan sát và có thể gây ra tai nạn nghiêm trọng.

Coi nhẹ một hiểm họa

Theo các chuyên gia, sử dụng đèn pha tùy tiện còn góp phần gây ô nhiễm ánh sáng và ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Báo GTVT đã từng viết nhiều về tác hại của ánh sáng chói. Ánh sáng chói chiếu thẳng vào mắt người đi đường làm cho lái xe khó nhận dạng những sự khác biệt trong ánh sáng và có thể bị mất tầm nhìn trong đêm đến tận 1 giờ sau đó. Ánh sáng chói là vấn đề đặc biệt nghiêm trọng đối với an toàn giao thông, vì điều này xảy ra bất ngờ có thể khiến người đi đường và lái xe gặp tai nạn.

Lý thuyết rất rõ ràng nhưng không phải người đi đường nào cũng nắm rõ. Chúng tôi đã làm một cuộc khảo sát nhỏ, kết quả là phần lớn những người đi xe máy đều hiểu buổi tối phải bật đèn xe cho sáng, còn khi nào dùng “pha” khi nào dùng “cốt” thì hoàn toàn mù tịt. Thậm chí nhiều người còn trang bị thêm loại đèn xenon siêu sáng cho xe ga của mình. Phần lớn những người sử dụng ô tô đều hiểu chức năng “pha” – “cốt” nhưng không phải ai cũng tuân thủ.
 
Anh Long Hải đã từng làm việc tại Cộng hòa Cezch về Việt Nam cho biết: “Ở nước ngoài đi đường rừng vào buổi tối, nếu để ý sẽ thấy tất cả những người lái xe đều để ngón tay đeo nhẫn túc trực ở công tắc bật tắt đèn pha. Đây là một thói quen tốt cho những người tham gia giao thông nhằm đảm bảo an toàn cho cả 2 phía. Nhưng ở Việt Nam tôi thấy rất ít người có thói quen này”. Anh Hải cho biết thêm, CSGT nước ngoài rất nghiêm khắc, nếu đi trong đô thị đông đúc mà bật đèn pha chắc chắn sẽ bị phạt.

Ông Nguyễn Văn Sáng - chủ một doanh nghiệp vận tải (số nhà 68 Tam Bạc – Hải Phòng) nhận xét: “Tôi làm trong ngành này lâu năm nên biết nhiều anh cầm lái ẩu lắm. Tôi cho rằng hầu hết các lái xe đều hiểu rõ “pha – cốt” là gì nhưng do thiếu ý thức hoặc kém hiểu biết mới gây nên tình trạng trên”.

Nguy hiểm là vậy nhưng nguy cơ này chưa thực sự được nâng thành mức cảnh báo. Khi chúng tôi hỏi xin số liệu thống kê tai nạn giao thông do đèn pha gây nên, cả Ủy ban ATGT Quốc gia (UBATGTQG), Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt đều không có. Ông Bùi Huynh Long, Chánh Văn phòng UBATGTQG cho biết: “Các thống kê tai nạn không chi tiết đến vậy, phần lớn là nguyên nhân tai nạn do phóng nhanh vượt ẩu, lái xe trong tình trạng say rượu, hoặc trở quá trọng lượng cho phép…”

Thực tế ở Việt Nam hiện nay có quá nhiều loại lỗi vi phạm luật giao thông, trong một “rừng” các lỗi đó, lỗi bật đèn pha tùy tiện chưa được coi là thực sự “điển hình”. Ở Việt Nam ta rất ít thấy CSGT đuổi theo một ô tô chỉ để nhắc nhở việc bật đèn pha, cũng như phạt những trường hợp mắc phải lỗi này.

Chỉ những người là nạn nhân của đèn pha mới thực sự hiểu sự nguy hiểm của loại đèn này nếu được dùng không đúng lúc. Người viết bài này nhớ đã có lần đọc trên báo một bài viết về những vụ ám sát điệp viên, trong đó có nhắc đến “chiêu” khi đối thủ đang phóng xe bỏ chạy với tốc độ cao một xe đi ngược chiều đột ngột chiếu đèn pha vào mắt đối thủ gây lóa mắt, dẫn đến tai nạn và tử vong. Một cách giết người đơn giản!
 
Thượng tá Trần Sơn – Phó Trưởng phòng hướng dẫn Luật và Điều tra xử lý tai nạn giao thông (Cục CSGT):
 
Theo quy định từ 6 giờ chiều ngày hôm trước đến 6 sáng hôm sau ô tô, xe máy đi đường phải bật đèn chiếu sáng. Đèn của xe phải đúng theo tiêu chuẩn thiết kế và đảm bảo độ sáng. Khi gặp xe đi ngược chiều, lái xe phải chuyển từ chiếu đèn “pha” sang chiếu đèn “cốt”. Khi đi qua nhau rồi mới được bật đèn xa trở lại. Với những trường hợp bật đèn pha trái quy định sẽ bị lực lượng chức năng xử phạt theo Nghị định 146/2007/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
  
Hải Diệp
loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...