loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Tại Thừa Thiên - Huế, do ảnh hưởng của bão số 10, từ ngày 14-15/9, trên địa bàn có mưa to, lượng mưa đo được từ 150-200mm; vùng ven biển có gió mạnh cấp 8-9, sóng biển cao từ 6-8m, biển động dữ dội. Một số nơi xuất hiện lốc xoáy cục bộ gây thiệt hại nhiều nhà cửa, cây cối và hoa màu của người dân.
Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Trịnh Đức Hùng cho biết, đến 7 giờ 30 ngày 15/9, trên địa bàn huyện Phong Điền có 2 người chết và mất tích do ảnh hưởng của bão số 10. Nạn nhân tử vong là ông Ngô Văn Hiển (thôn Lưu Hiền Hòa, xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền). Sáng 14/9, ông Hiển đang đi cạo mủ cao su thì bất ngờ bị nước lũ cuốn trôi. Trường hợp mất tích là cháu bé 3 tuổi ở xã Điền Lộc (huyện Phong Điền) khi ra bờ biển chơi, hiện cơ quan chức năng vẫn đang nỗ lực tìm kiếm.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, đến 10 giờ ngày 15/9, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có hơn 260 nhà bị tốc mái do lốc xoáy cục bộ ảnh hưởng của bão số 10. Thiệt hại nặng nhất là phường Thủy Phương (thành phố Huế) 210 nhà; còn lại là thôn Trung Thạnh, xã Phong Chương (huyện Phong Điền) với 31 nhà bị gió cuốn làm tốc mái và một số địa bàn khác. Toàn tỉnh có 1 người chết và 1 người mất tích.
Ngay sau các trận lốc, các lực lượng Bộ đội, Công an, Biên phòng phối hợp với dân quân địa phương và các gia đình tập trung khắc phục bước đầu để dân có chỗ trú tránh mưa bão. Những ngôi nhà chưa khắc phục kịp, người dân tạm thời trú ẩn tại nhà hàng xóm, người thân hoặc những cơ sở tránh trú bão do chính quyền xã bố trí. Tại xã Phong Chương (huyện Phong Điền), các lực lượng chức năng phối hợp với người dân địa phương, gia đình khắc phục bước đầu 12 ngôi nhà chính và 5 nhà phụ để dân có chỗ trú tránh mưa bão.
Tại đầu cầu Vỹ Dạ (phường Xuân Phú, thành phố Huế), gió to làm một cây xanh bị đổ gãy, đè lên xe ô tô biển kiểm soát 75C - 6767 làm hư hại nặng phương tiện này khi đang lưu thông. Các lực lượng chức năng đã có mặt cưa dọn cây để giải phóng hiện trường và thông xe. Ở một số tuyến đường khác như Ngô Quyền, Nguyễn Huệ, Đống Đa, nhiều cây xanh bị đổ.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, hiện toàn tỉnh còn có 583 ha lúa hè thu chưa kịp thu hoạch có khả năng bị ngập, hư hại; hơn 6.400 lồng cá; trong đó có 5.103 lồng cá nước lợ, tập trung ở các huyện Phú Lộc với 3.200 lồng, Phú Vang 1.369 lồng và thị xã Hương Trà 534 lồng. Các địa phương đang tập trung huy động lực lượng di chuyển đến nơi tránh trú, hạn chế thiệt hại do mưa bão gây ra.
Để chủ động đối phó với cơn bão số 10, UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu sơ tán gần 11.000 hộ dân với trên 47.400 người tại các huyện ven biển: Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Nghi Xuân, Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh, thành phố Hà Tĩnh và Khu Kinh tế Vũng Áng xong trước 17 giờ ngày 14/9/2017.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Cao, hiện mực nước các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh ở mức thấp và an toàn, không có công trình nào đang triển khai thi công. Các đập thủy lợi ngăn mặn, gồm đập cửa Lác đã mở 70/70 cửa, đập Thảo Long đã mở 2 cửa, khi có mưa lũ lớn sẽ chỉ đạo mở tất cả 15 cửa để đảm bảo thoát lũ. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã yêu cầu các đơn vị quản lý hồ thủy điện tăng cường kiểm tra để đảm bảo tuân thủ quy trình vận hành liên hồ chứa Bình Điền, Hương Điền, Tả Trạch trên lưu vực sông Hương.
Các địa phương, đơn vị chủ động dự trữ hàng hóa với hơn 100 tấn gạo, 100 tấn mì tôm, 100 nghìn lít xăng, 100 nghìn lít dầu diezel và 30 nghìn lít dầu hỏa… đề phòng mưa lũ dài ngày. Tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương chủ động dự trữ lương thực và hướng dẫn người dân ở các vùng sâu, vùng xa, vùng ngập lụt chủ động dự trự các nhu yếu phẩm thiết yếu tối thiểu 7 ngày để không thiếu đói khi bão lụt xảy ra.../.
TTXVN/Quốc Việt
loading...