A+ A A- Kiểu đọc sách

Bánh chưng xanh Quán Ăn Ngon – Đậm đà vị Tết Đoàn Viên

15:40 31/01/2018
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Mùa xuân đã về ngọt ngào bên từng ô cửa. Sáng nay trong màn mưa phùn rắc nhẹ và cái rét thật êm, người mong Tết bỗng mường tượng ra mùi bánh chưng thơm lừng khắp gian nhà nhỏ. Mong ước ấy kể ra, có bà nội trợ sáng nay đi chợ tìm mua ít nếp thật ngon, kiếm bó lá dong gói bánh, có người mỉm cười xách giỏ tìm đến quầy hàng Tết của Quán Ăn Ngon, nơi có trăm thức ngon cho cái tết cổ truyền, và có những chiếc bánh chưng vuông vức rền thơm chờ người người nâng niu bày vào mâm cỗ Tết.

Mỗi năm, khi hoa đào bắt đầu chúm chím và mưa xuân lớt phớt những giọt đầu tiên, nhà hàng Quán Ăn Ngon lại mở quầy hàng Tết với đủ thức cần có trên mâm cỗ Tết cổ truyền. Những loại bánh mứt, hoa trái, đồ khô… đều là đặc sản địa phương được tuyển lựa kỹ lưỡng, đảm bảo an toàn và chất lượng để các bà nội trợ yên tâm mua sắm cho cái Tết của gia đình. Thu hút nhiều người ghé thăm nhất luôn là quầy bánh chưng với những chiếc bánh vuông vắn, thơm mùi lá tươi được gói, luộc ngay tại chỗ.

Chú thích ảnh

Vốn là nhà hàng lưu giữ hương vị cổ xưa truyền thống của ẩm thực Việt ba miền, chiếc bánh chưng xanh ngày Tết luôn là thức quà đặc biệt mà nhà hàng Quán Ăn Ngon gửi trọn sự chăm chút, nâng niu vào đó. Những chiếc bánh chưng truyền thống năm nào cũng được đôi bàn tay khéo léo của cô Nguyễn Đặng Thị Kim Thoa – một người phụ nữ Hà Thành xưa vẫn giữ lối nấu nướng chậm rãi tinh tế của đất Kinh Kỳ gói ghém.

Nếu bánh chưng ngày nay được biến tấu với đủ hình, đủ vị, hãy thử nếm miếng bánh chưng của Quán Ăn Ngon, để biết rằng chiếc bánh chưng xanh mộc mạc gói theo lối cổ chẳng màu mè, hoa mỹ vẫn là món ngon tuyệt vời, thơm thảo nhất của ngày Tết cổ truyền.

Chú thích ảnh

Chiếc bánh chưng ngon phải cầu kỳ lựa từng nguyên liệu như Lang Liêu khi xưa gói bánh dâng cha. Bánh chưng của Quán Ăn Ngon kén nếp cái hoa vàng đúng điệu, thịt nạc vai thật mềm, ba rọi ba lớp đều tăm tắp, đỗ tiêu xanh vỏ vàng lòng. Ấy là thứ gạo thơm bóng mẩy nhất, dẻo nhất, thứ thịt ngon béo nhất, hạt đỗ thơm và tơi nhất, những sản vật quý nhất của đồng quê được chọn lựa để làm thành chiếc bánh chưng vuông tượng trưng cho mặt đất, như tấm lòng thơm thảo dâng lên tổ tiên, dâng lên đất trời vạn vật.

Chú thích ảnh

Chuẩn bị xong nguyên liệu chính, người gói bánh còn phải chăm chút từng chiếc lá dong - thứ lá diệu kỳ sẽ cho ta những chiếc bánh vuông vắn xanh mướt. Người Việt Nam sinh ra từ đồng, từ ruộng. Truyền thống gói bánh bằng lá, để thiên nhiên cây trái tự đùm bọc, tự quyện hòa vào nhau đã là một nét văn hóa thật đẹp đẽ. Bánh gai, bánh nậm. bánh gio… gói bằng lá chuối, cơm lam bọc bằng ống tre, bánh chưng thì phải kết duyên cùng lá dong mới hợp tình, hợp lý. Những chiếc lá gói tưởng đơn giản nhưng quan trọng vô cùng, bởi lá không đẹp, không chuẩn thì bánh cũng không đẹp, không thơm. Nên người nội trợ khéo phải biết lựa lá dong nếp để bánh gói xong đượm một mùi thơm thanh tao dễ chịu. Lá phải bóng, xanh đậm, không được to, cũng không được nhỏ mà phải thật đều nhau. Từng xấp lá dong được rửa sạch, phơi ráo, tước bớt phần sống lá cho lá thật mềm. Xong đâu đấy lại xếp thành một xấp, đợi bày ra chiếu cùng thúng nếp cái đã ngâm, nồi đỗ xanh đã nhuyễn, bát thịt làm nhân đã ướp tiêu thơm phưng phức.

Chú thích ảnh

Bánh chưng truyền thống Quán Ăn Ngon giản dị lắm, ngon cái ngon của những nguyên liệu thơm lành chính bên trong chứ chẳng cần nêm nếm gia vị cầu kỳ. Thúng nếp cái hoa vàng ngâm kỹ chỉ cần rắc chút muối rang giã nhỏ. Phải là muối rang thì vị nếp mới đằm, mới lắng. Rang muối xong thì rang thêm nắm tiêu sọ, giã dập để ướp thịt cho dậy mùi. Chút mặn mòi thoảng qua rất nhẹ của hạt nếp, chút cay thơm nồng nàn của tiêu trong miếng thịt, ấy là thứ gia vị duy nhất mà bánh chưng cần có. Hãn hữu lắm mới cho thêm chút mì chính tùy theo khẩu vị khách ăn. Bánh chưng truyền thống mộc lắm mà cũng tinh tế lắm.

Khi mọi thứ đã sẵn sàng, ai nấy đều háo hức chờ phút giây gói bánh. Bánh chưng đẹp nhất vẫn là bánh chưng gói tay, không cần khuôn. Trong mỗi chiếc bánh gói vuông vắn có sự điêu nghệ của từng động tác tỉ mẩn nắn, miết từng góc lá. Ấy cũng là một “thử thách” tuyệt vời để chiếc bánh vuông dần, đẹp dần lên theo từng mùa Tết.

Chú thích ảnh

Bánh chưng Quán Ăn Ngon được gói 4 lá dong xanh, tinh tế, tỉ mẩn để chiếc nào chiếc nấy vuông vắn mướt xanh, thơm lừng mùi lá mới. Bánh sẽ được xếp cẩn thận vào nồi, đun suốt 12 tiếng trên bếp củi theo kiểu ngày xưa. Khung cảnh quây quần xum tụ bên nồi bánh chưng được nấu bằng bếp củi, vừa chờ bánh chín vừa chuyện trò đã trở thành một hình ảnh đẹp và rất đỗi thân thương với mỗi người dân Việt. Bánh luộc đủ giờ vừa rền vừa quyện, để bao lâu cũng không sợ hạt gạo bị sống lại. Mới vớt ra thôi, mùi lá dong luộc chín, mùi nếp thơm, mùi thịt, mùi đỗ đã dậy lên hoan hỉ.

Ngày Tết cổ truyền, bên mâm cỗ đầy có đĩa bánh chưng Quán Ăn Ngon hấp dẫn. Xắn một góc bánh xanh mướt, để gật gù tâm đắc với miếng nếp thơm quyện cái béo của nhân thịt ba rọi, vương cái thanh tao của hạt đỗ vàng long, bỗng thấy như xuân đã về trước cửa…

'Gói bánh chưng xanh cùng người nghèo ăn Tết'

'Gói bánh chưng xanh cùng người nghèo ăn Tết'

Chương trình “Gói bánh chưng xanh cùng người nghèo ăn Tết” năm 2016 với chủ đề "Xuân xum họp - Tết sẻ chia" sẽ diễn ra tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam từ ngày 30-31/1, tức là ngày 20-22 tháng Chạp năm Ất Mùi.

PTTT

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...