Bắc Giang tập trung dành nguồn lực đẩy mạnh phát triển kinh tế ban đêm
(Thethaovanhoa.vn) - UBND tỉnh Bắc Giang vừa phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm giai đoạn 2021 - 2030 nhằm thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hoạt động kinh tế ban đêm trên địa bàn; đồng thời, xây dựng Bắc Giang trở thành điểm đến sôi động, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu làm việc, vui chơi giải trí, mua sắm, thưởng thức ẩm thực, trải nghiệm cuộc sống về đêm của người dân và du khách.
Đến năm 2030, Bắc Giang đặt mục tiêu hình thành được ít nhất 1 khu vực tổ hợp vui chơi, giải trí ban đêm sôi động riêng biệt. Phát triển ít nhất 3 khu vực tập trung hệ thống các cửa hàng, trung tâm mua sắm, phố ẩm thực, nhà hàng dịch vụ ăn uống… quy mô lớn quanh các khu công nghiệp; hình thành ít nhất 3 tour, tuyến du lịch đặc sắc kết hợp dịch vụ ẩm thực, văn hóa phục vụ khách du lịch với thời gian lưu trú trung bình từ 3 - 4 ngày; phát triển ít nhất 4 sản phẩm vui chơi, giải trí, văn hóa, nghệ thuật đặc sắc mang tính biểu tượng về đêm. Các huyện, thành phố có khu phố đi bộ/khu phát triển hoạt động kinh tế ban đêm tập trung gắn với các nét đặc trưng của địa phương.
Bắc Giang cũng sẽ hình thành và duy trì tốt các tuyến phố đi bộ về đêm trên địa bàn các huyện, thành phố. Trước mắt, tỉnh tập trung hình thành, tổ chức, duy trì tốt các tuyến phố đi bộ có điều kiện, tiềm năng phát triển tại thành phố Bắc Giang và huyện Việt Yên như: Tuyến phố đi bộ - Khu đô thị phía Nam, xã Tân Tiến (sau Trung tâm Thương mại Big C); Khu phố ban đêm Tổ dân phố My Điền, thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên…
Đồng thời, nghiên cứu, triển khai phát triển kinh tế ban đêm với sự đa dạng các dịch vụ, hoạt động về đêm gồm: Hoạt động văn hóa - vui chơi giải trí; dịch vụ ăn uống; dịch vụ mua sắm; dịch vụ du lịch.
Đối với hoạt động văn hóa - vui chơi giải trí, tại tổ hợp giải trí ban đêm riêng biệt tổ chức các hoạt động, dịch vụ vui chơi, giải trí sôi động, hiện đại dành cho giới trẻ như: bar, pub, vũ trường, karaoke, nhà hàng, nhạc “sống” (trực tiếp), spa, massage, nail, trò chơi điện tử, trình diễn thời trang, biểu diễn nghệ thuật, tham quan mua sắm…, đảm bảo đáp ứng thị hiếu, nhu cầu của du khách; tổ chức các tuyến phố đi bộ với hoạt động, dịch vụ ban đêm như tham quan “check in”, vui chơi giải trí, trò chơi dân gian, ẩm thực, mua sắm, biểu diễn nghệ thuật đường phố, diễu hành màu sắc, ánh sáng đường phố…
Tại các khu du lịch, cơ sở lưu trú du lịch quy mô khuyến khích đầu tư và nâng cấp dịch vụ ban đêm như: cà phê, bar, pub, karaoke, massage... Đồng thời. nghiên cứu, xây dựng phương án tổ chức định kỳ các sự kiện văn hóa, giải trí như: lễ hội, nhạc hội, diễu hành carnival, lễ hội ánh sáng, vũ hội đường phố, chương trình âm nhạc quy tụ các nghệ sĩ nổi tiếng... vào ban đêm gắn với các sự kiện văn hóa, lịch sử của tỉnh như: Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Xương Giang, Lễ hội kỷ niệm khởi nghĩa Yên Thế, Lễ hội Tây Yên Tử, Lễ hội trái cây huyện Lục Ngạn, Lễ hội chùa Thổ Hà…
Tỉnh cũng nghiên cứu phương án hình thành các chợ hoặc tuyến phố chuyên đề ẩm thực phục vụ khách du lịch, trong đó kết hợp các hoạt động mua bán và thưởng thức ẩm thực chế biến tại chỗ; khuyến khích các nhà hàng, quán ăn, cà phê giải khát kéo dài thời gian hoạt động về đêm; hình thành các khu phố mua sắm, các trung tâm thương mại..., thu hút các thương hiệu nổi tiếng có gian hàng tại Bắc Giang; khuyến khích các cửa hàng tiện lợi mở cửa 24/24 giờ, đặc biệt tại các khu vực phát triển kinh tế ban đêm, khu vực trung tâm...
Để triển khai đề án hiệu quả, tỉnh Bắc Giang ưu tiên thực hiện giải pháp về quy hoạch các khu vực, địa bàn tập trung phát triển kinh tế ban đêm; hoàn thiện cơ sở hạ tầng; phát triển các lĩnh vực dịch vụ; xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển kinh tế ban đêm; đảm bảo an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và chất lượng dịch vụ...
Trong đó, tỉnh tập trung dành nguồn lực đầu tư công để đầu tư và hoàn thiện các hạng mục hạ tầng kết nối tới khu vực được quy hoạch phát triển kinh tế ban đêm như: hạ tầng giao thông, điện, nước, Internet…; xây dựng trung tâm văn hóa - triển lãm - hội chợ tỉnh; tu bổ, tôn tạo các điểm di tích (chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Thổ Hà, địa điểm khởi nghĩa Yên Thế, An toàn khu II Hiệp Hòa…); cầu cảng Á Lữ, cảng chùa Vĩnh Nghiêm…; xây dựng các công trình tạo điểm nhấn về đêm tại các quảng trường, công viên trung tâm, khu vực cảnh quan; kêu gọi đầu tư các cơ sở lưu trú, nhất là các khách sạn cao cấp đáp ứng nhu cầu lưu trú của khách du lịch…
- Bắc Giang phê duyệt hơn 300 tỷ đồng cho khuyến công giai đoạn 2021 - 2025
- Bắc Giang: Hội thảo về phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030
Tỉnh Bắc Giang có vị trí thuận lợi, liền kề vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc - Trung tâm kinh tế quan trọng của miền Bắc và cả nước; có khả năng kết nối thuận lợi với một số điểm du lịch trọng điểm trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ như: Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), Thác Bản Giốc (Cao Bằng), Hạ Long (Quảng Ninh), Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương)…
Năm 2020, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19, song GRDP của tỉnh Bắc Giang vẫn đạt trên 13%, cao nhất cả nước. GRDP bình quân/người của tỉnh đạt 2.900 USD, bằng 105,5% bình quân chung toàn quốc.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 5 khu công nghiệp tập trung, 35 cụm công nghiệp đang hoạt động. Số lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp tập trung của tỉnh trên 175 nghìn người, với mức thu nhập bình quân 7,5 triệu đồng/tháng. Số lao động nước ngoài đang làm việc tại tỉnh là 6.100 người, trong đó lực lượng chuyên gia là 2.500 người; thu nhập bình quân của người lao động, chuyên gia nước ngoài đang làm việc tại tỉnh từ 30 - 50 triệu đồng/tháng...
Khôi Nguyên