'Ðất nước mình, bao nhiêu hoa đẹp'…
(Thethaovanhoa.vn) - Thấm thoát đã mười năm, kể từ ngày người Nhật lần đầu tiên tổ chức lễ hội hoa Anh đào ở Việt Nam. Tôi còn nhớ y nguyên cái cảm giác háo hức của mình khi lao đến Cung Quần Ngựa, rồi Triển lãm Giảng Võ… để ngắm những bông hoa mong manh và tinh khiết, dễ biến tan như những bông tuyết từ xứ sở Mặt trời mọc..
Nhưng triển lãm ấy khiến tôi nhói lòng, một phần vì hoa quá đẹp, một phần vì rất nhiều bạn trẻ của chúng ta đã có hành vi không đẹp khi xông vào tranh cướp hoa… Kể từ đó, có năm, BTC lễ hội không dám mang sang hoa đào thật, có năm, phải chăng dây, cắm biển để bảo vệ hoa…Có lẽ vì thế mà tôi cảm thấy có chút gì đó tự ti. Có chút gì đó ganh tỵ… Tôi đã ra tận dải phân cách đường Liễu Giai, nơi những cây Anh Đào non được “ươm” bí mật (đề phòng bị nhổ trộm) để mơ về một phố hoa Anh đào ngay giữa Thủ đô.
Tôi cũng đã vào tận vườn ươm của Công ty Công viên Cây xanh Hà Nội để ngắm những đóa Anh Đào “made in Vietnam” đầu tiên khai nở. Tôi cũng vào Công viên Nghĩa Đô, nơi các kỹ sư, công nhân âm thầm thử nghiệm ghép mắt cây Anh đào Nhật Bản vào gốc đào Nhật Tân để hy vọng từ cuộc “hôn phối” lạ lùng này sẽ có một công viên Anh Đào độc đáo.
Nhưng ước mơ vẫn chỉ là ước mơ thôi. Khí hậu, thổ nhưỡng Hà Nội không cho phép ước mơ đó trọn vẹn…
Và, tôi tự hỏi, vì sao người Nhật có thể biến hoa Anh Đào thành niềm mơ ước của (có lẽ là) cả thế giới. Trong khi đó, đào rừng, đào Nhật Tân, đào Thất Thốn - những vưu vật của chúng ta - lại không được như thế? Không có ai đem ra cân đo vẻ đẹp của hai loài hoa với nhau (vô duyên như đem so bì vẻ đẹp của hai cô gái), mà chúng ta chỉ có thể cân đo tình yêu của mình với chúng, với họ.
***
Tình yêu của chúng ta, nhất là lớp trẻ, với các loài hoa của đất nước, cách đây hơn chục năm, dường như rất âm thầm. Tôi biết, từ lâu rồi, rất nhiều bạn trẻ đã rủ nhau đi ngắm hoa ban trên đường Bắc Sơn trước Lăng Bác vào những ngày hoa nở. Tôi cũng biết, có những người đã thung thăng đi khắp non nước xứ Đoài, từ chùa Thầy, đến chùa Hương chỉ để ngắm hoa gạo rực trời tháng Ba. Và có những ngày, rất đông người Hà Nội đã đi chậm lại trên đường để chờ hoa sưa nở - nở trắng trời trong vài ba hôm …
Thế rồi, tình yêu đó lớn dậy và ngày càng kiêu hãnh bộc lộ. Ngắm hoa thành một thú “thời trân”. Vài năm trở lại đây, chị em sôi sục theo nhịp điệu của các loài hoa, hết ra Quảng Bá, Phú Thượng “tự sướng” với hoa loa kèn, lại ra Hồ Tây chụp ảnh sen, ra bờ sông Hồng chụp hoa cải vàng, hoa cúc chi; vào Nghệ An thỏa thuê cùng cánh đồng bạt ngàn hoa hướng dương; lên cao nguyên đá Đồng Văn ngắm hoa đào, hoa tam giác mạch, lên cao nguyên Mộc Châu thưởng thức hoa mận… Và đặc biệt, gân đây, chị em còn “khai quật” được hoa dã quỳ ngay trên Ba Vì.
***
Ngành du lịch cũng rất nhanh tay, bên cạnh Festival hoa Đà Lạt có truyền thống, hay Lễ hội hoa trên dòng Sa Giang (Sa Đéc - Đồng Tháp)…, một số tỉnh thành đã hoằng dương các loài hoa đặc trưng của mình thành sản phẩm du lịch độc đáo, như lễ hội hoa Ban (Điện Biên), hoa Sở (Quảng Ninh), hoa Tam giác mạch (Hà Giang), hoa Phượng đỏ (Hải Phòng)… Riêng Hà Nội thì có thể mở hội vườn đào trên bãi Nhật Tân vào dịp giáp Tết.
Du lịch, dã ngoại ngắm hoa đã trở thành trào lưu trong xã hội. Nó xứng đáng trở thành một ngành kinh tế mới.
Đất nước mình, bao nhiêu hoa đẹp. Chỉ sợ không đủ sức mà đi hết các mùa hoa, chỉ sợ không đủ tình yêu để đến với những miền “hoa vàng, cỏ xanh” khắp nước…
Đông Kinh
Thể thao & Văn hóa Xuân Bính Thân 2016