A+ A A- Kiểu đọc sách

Ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội ngày càng tăng

08:30 14/01/2018
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Mạng xã hội, nhất là facebook đang giúp con người xích lại gần nhau, tìm kiếm thông tin nhưng những tác hại của loại hình này cũng đang càng lớn.
Những vụ tự tử được ghi nhận cả thế giới và Việt Nam

Vụ việc cô bé Amy Everett (Australia), 14 tuổi, là gương mặt đại diện của một công ty sản xuất mũ Akubra, loại mũ biểu tượng của nước Úc, tự tử vào ngày 3/1 do bị bắt nạt vô cớ trên mạng xã hội (MXH) đã dấy lên hồi chuông báo động về những tác động tiêu cực của MXH.

Vài ngày sau đó, ông Tick Everett, bố của Amy đã đăng lên trang Facebook với nội dung: “Đây là một ví dụ điển hình về việc phương tiện truyền thông xã hội nên được sử dụng như thế nào. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, nếu những người bắt nạt con gái tôi nghĩ rằng đó là một trò đùa và nó khiến họ trở nên vượt trội hơn, thì hãy đến lễ tang của Amy để chứng kiến tội ác mà các người đã gây ra”.

Bên cạnh đó, gia đình của Amy đã phát động một chiến dịch giúp các nạn nhân của việc bị bắt nạt có thể nói lên câu chuyện của mình, nhằm nâng cao nhận thức về bắt nạt và quấy rối. Nạn bắt nạt và quấy rối trực tuyến đang dần trở nên phổ biến trong những năm gần đây và gây ra không ít câu chuyện thương tâm, đặc biệt là đối với trẻ em.

Cuối năm 2017, cô bé Rosalie Avila 13 tuổi sống tại quận Yucaipa, bang California (Mỹ) cũng treo cổ tự tử ngay trong nhà. Nguyên nhân cái chết của cô bé Rosalie Avila chính là từ những lời bình luận, những tin nhắn ức hiếp của bạn bè cùng trường qua mạng xã hội. Toàn bộ sự tủi hờn, tức giận được Rosalie Avila giấu kín trong lòng và bộc bạch trong những dòng nhật ký. “Họ nói hôm nay tôi trông thật xấu xí. Họ đem hàm răng của tôi ra làm trò cười…”, trích nhật ký của Rosalie. Sau cái chết của con gái, bố mẹ cô bé Rosalie Avila cũng cảm thấy rằng gia đình bà thực sự không nhận ra mức độ nguy hiểm của việc con gái bị bắt nạt ở trường.

Không chỉ tại thế giới, tại Việt Nam trong 5 năm trở lại đây cũng ghi nhận những trường hợp tự tử vì bị nói xấu trên mạng xã hội. Tháng 7/2017, nhiều trang mạng xã hội, tài khoản cá nhân tại Việt Nam lan truyền thông tin 2 nữ sinh bị công an bắt giữ vì cưỡng hiếp một thanh niên đến tử vong. Danh tính hai cô gái bị mạng xã hội “kết tội” đính kèm hình ảnh là Nguyễn Thị T.H (19 tuổi) và Nguyễn TTH (20 tuổi), cùng ngụ xã Măng Tố, huyện Tánh Linh (Bình Thuận).

Tuy nhiên, sự thật là có hai cô gái vô tội bị lấy hình ảnh để gán ghép vào thông tin nhạy cảm, ác ý. Một trong hai nạn nhân bị tung tin đồn thất thiệt là Nguyễn T.P (20 tuổi, Biên Hòa, Đồng Nai). Phương cho biết ai đó đã lấy cắp hình ảnh của mình chụp cùng bạn ở Biên Hòa từ Facebook cá nhân, rồi ghép vào tin nhạy cảm. Trước hình ảnh của mình bị lan truyền trên mạng xã hội gắn với thông tin hiếp dâm nam thanh niên đến tử vong, các nạn nhân cảm thấy sốc, không muốn gặp ai, không muốn ra khỏi nhà. Thậm chí một trong hai người còn có ý định tử tự.

Tại Hà Nội, vào cuối tháng 6/2013 từng ghi nhận vụ việc nữ sinh lớp 12 tên N.T.C.L tại một trường THPT ở H.Thạch Thất (Hà Nội), đã bị bạn cùng lớp ghép ảnh chân dung vào ảnh một cô gái mặc áo cổ rộng rồi đăng lên Facebook. Các thành viên trên mạng xã hội này đã vào giễu cợt, thậm chí miệt thị L khiến nữ sinh này uất ức uống thuốc diệt cỏ để tự tìm đến cái chết. Công an Thạch Thất khi đó đã tổ chức điều tra và đã thu giữ tờ giấy do L viết trong thời gian điều trị ở bệnh viện vì bị bạn cắt ghép ảnh đưa lên facebook và nhiều bạn vào giễu cợt. Dù L đã được đưa đi cấp cứu nhưng do sức khỏe yếu nên tử vong sau đó.

Trung tuần tháng 6/2015, cũng đã ghi nhận trường hợp cháu NTT, nữ sinh lớp 9 của một trường THCS ở huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai) đã tự tử bằng cách uống thuốc diệt cỏ. Cái chết tức tưởi này vì lý do T. phát hiện đoạn video clip ghi lại cảnh ân ái của T. và người yêu bị phát tán và lan truyền trên mạng. T tự tử vì cảm thấy tủi hổ và không chịu nỗi áp lực từ những bình luận ác ý của dân mạng bình phẩm.

Có thế thấy, những sự việc ảnh bị đưa lên mạng và bị bạn bè, cộng đồng mạng bình phẩm, chia sẻ đang hồi chuông cảnh báo về những hệ lụy mà mạng xã hội mang lại. Những tác động vụ việc đang diễn ra nhiều nước trên thế giới và ở Việt Nam. Mạng xã hội ảo nhưng những tổn thương và những cái chết là thật.

Có ý thức trách nhiệm hơn khi bình luận

Theo tiến sĩ tâm lý học Trịnh Hòa Bình, những vụ việc tự tử do bị bôi xấu trên mạng xã hội được ghi nhận cho thấy hiệu ứng của mạng xã hội có tác động lớn đến tâm lý. Nhiều người đăng một status cốt để câu like trong khi nhiều người vào bình luận, chia sẻ kiểu như: Cho chết, đáng đời… Tất cả sự chia sẻ, những bình luận nhiều khi vô cảm tác động lớn đến người thiếu kỹ năng chia sẻ và có thể tìm đến cái chết.

Trong trường hợp này, nếu có một người cứng cáp, từng trải, ân cần đưa nạn nhân vào việc học tập, công việc… thì họ có thể ổn định tâm lý. Nếu càng để họ tự dằn vặt với nỗi đau, sự đau đớn càng tăng theo cấp số nhân. Những người này cần những lời chia sẻ, động viên, khích lệ chân thành để vượt qua áp lực tâm lý để không có những ý định tiêu cực.

Trả lời chất vấn tại kỳ họp họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV vào tháng 11/2017, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết: Hiện gần 70% người dân Việt Nam dùng Internet, 53 triệu người dùng Facebook nhưng chỉ một bộ phận nhỏ với "năng lượng đen, xấu" đã làm ảnh hưởng tới môi trường mạng xã hội. Từ năm 2014 đến nay, có 5 - 6 người tự tử vì bị bôi xấu, ném đá tập thể trên mạng xã hội.

Xét ở khía cạnh tâm lý, với những người trưởng thành, tư duy mạch lạc, sự chia sẻ hay tham dự vào MXH thường không để lại hậu quả. Nhưng với những người có sự hạn chế về mặt nhận thức, đặc biệt là vị thành niên và những người đang gặp bế tắc trong cuộc sống, sự chia sẻ có thể tạo ra những hiệu ứng khó lường.

Ông Cao Hoàng Nam, diều phối viên Chương trình nghiên cứu Internet và xã hội (VPIS) (Trường Đại học khoa học Xã hội và Nhân văn) cho biết: Chương trình từng tiến hành khảo sát hơn 1.000 mẫu và cho thấy 78% người được hỏi tại Việt Nam đều khẳng định đã từng là nạn nhân hoặc biết những trường hợp phát ngôn gây thù ghét trên mạng xã hội.Những comment, share mang tính nói xấu, bôi nhọ sẽ làm đối tượng cảm thấy méo mó hình ảnh của bản thân và khiến người khác bị tổn thương về tinh thần. Những sự việc nữ sinh tự tử vì không chịu nỗi áp lực từ mạng xã hội là minh chứng rõ ràng. Chính vì vậy cần cẩn trọng trong cách hành xử khi tham gia mạng xã hội, nhất là tham gia bình luận.

Còn theo đại diện Tổ chức cứu trợ trẻ em tại Việt Nam,hiện chưa có những điều tra, thống kê chính xác nhưng có những bằng chứng về những vụ việc xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em trong đời thực mà có những nguyên nhân từ môi trường mạng (từ sự làm quen với trẻ em trên môi trường mạng, trò chuyện online, tiếp đó là hành vi XHTD trong đời thực).

Mọi người thường quan niệm rằng XHTD xảy ra là khi trẻ bị xâm hại về thể chất. Tuy nhiên, theo Tổ chức Cứu trợ trẻ em, ở môi trường trên mạng kẻ xấu có thể dụ dỗ, lôi kéo, yêu cầu trẻ thực hiện những hành vi như chụp ảnh, quay clip về cơ thể của trẻ. Kết quả một cuộc điều tra của UNICEF được thực hiện năm 2016 đã cho thấy 74% trẻ em và trẻ vị thành niên ở Việt Nam tin rằng các em có nguy cơ bị XHTD hoặc bị lợi dụng trên mạng; 75% các em sẽ nói chuyện với cha mẹ hoặc người chăm sóc nếu bị đe dọa. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc nói chuyện với trẻ về những vấn đề này, về những lợi ích và rủi ro mà trẻ có thể gặp phải khi sử dụng internet.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH) cho biết: Những tác động từ môi trường mạng với trẻ em không phải là điều mới mẻ. Tuy vậy, sự quan tâm còn nhiều hạn chế. Hiện nay pháp luật Việt Nam, đặc biệt Luật Trẻ em được Quốc hội thông qua có hiệu lực từ tháng 6/2017 ghi nhận quyền bảo vệ sự an toàn và tôn trọng đời sống riêng tư của trẻ em. Vấn đề là làm sao cha mẹ vừa bảo vệ được trẻ em đồng thời tôn trọng quyền bí mật riêng tư của trẻ. Do đó, các che mẹ cần trang bị cho bản thân kỹ năng bảo vệ con em mình trên môi trường mạng.

Tại cuộc làm việc với Bộ TTTT đầu năm 2018, ông Damian Yeo - Giám đốc chính sách và nhóm pháp lý khu vực Châu Á - Thái Bình Dương Facebook cho biết: Năm 2018, Facebook sẽ có các buổi làm việc với cơ quan chức năng Việt Nam để tìm hiểu nguyên nhân, chia sẻ kinh nghiệm, tìm ra các giải pháp hiệu quả về ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu, độc.Đặc biệt, Facebook sẽ xây dựng một kênh riêng để giải quyết vấn đề Bộ TTTT và của Chính phủ Việt Nam đề nghị xử lý, ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam trên mạng xã hội một cách hiệu quả hơn, tốt hơn.

Trong thời gian tới, Bộ TTTT cũng sẽ tăng cường hoạt động phát triển mạng xã hội trong nước, hạn chế thông tin xấu trên mạng xã hội, đẩy mạnh thông tin trên báo chí chính thống.

Tội phạm ngô nghê nhất: Lên mạng xã hội trực tuyến hỏi cách chế ma túy

Tội phạm ngô nghê nhất: Lên mạng xã hội trực tuyến hỏi cách chế ma túy

Một nữ thành viên trong băng đảng buôn bán ma túy không hề đắn đo khi dùng thẳng ứng dụng chat trực tuyến phổ biến nhất của Trung Quốc để hỏi thông tin pha chế loại thuốc cấm này.

XC/Báo Tin tức

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...