loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Những "ATM gạo" đang vận hành ở khắp mọi miền đất nước đã kịp thời hỗ trợ phần nào cho người dân có hoàn cảnh khó khăn có được bữa cơm ấm cúng trong đợt dịch bệnh COVID-19.
Ngày 11/4, cây "ATM gạo" đầu tiên ở Hà Nội đã được lắp được tại khu vực Nhà văn hóa phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội, hoạt động từ 8 - 17h hàng ngày. Với số gạo dự trữ lên đến 10 tấn, dự kiến gạo sẽ được phát từ nay đến ngày 30/4, giúp đỡ cho hàng nghìn người nghèo, người gặp khó khăn tại Hà Nội bị ảnh hưởng do dịch COVID-19.
Những hạt gạo tình thương
Ngày 20/4, Hội Doanh nhân trẻ thành phố Đà Nẵng phối hợp với Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố và UBND quận Cẩm Lệ (Đà Nẵng) tổ chức chương trình “Hạt gạo tình thương” để phát gạo miễn phí bằng máy ATM gạo tự động cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 trên địa bàn Đà Nẵng. Chương trình nhằm giúp người dân vượt qua những khó khăn trước mắt để cùng chung tay phòng chống dịch.
Hai máy ATM phát gạo tự động được lắp đặt tại khuôn viên Thành đoàn Đà Nẵng (71 đường Xuân Thủy, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ). Thời gian phát buổi sáng từ 7 giờ 30 đến 11 giờ 30, chiều 13 giờ 30 đến 17 giờ 30. Ngay trong buổi sáng, nhiều người dân đã đến nhận gạo miễn phí từ máy ATM này, mỗi người dân được nhận 2 kg gạo từ máy đổ ra theo đường ống. Dự kiến trung bình mỗi ngày, hai máy ATM sẽ cung cấp 3 tấn gạo để phục vụ người dân. Chương trình này sẽ kéo dài trong 60 ngày tùy vào tình hình thực tế người dân cần hỗ trợ nhận gạo.
Nhằm đảm bảo tránh tập trung đông người để phòng chống dịch COVID-19, Ban Tổ chức đã bố trí khu vực xếp hàng nhận gạo theo đúng quy định người nhận phải đeo khẩu trang, mỗi người cách xa 2 mét, bố trí máy xịt nước sát khuẩn tay, lối đi ra vào riêng biệt và khuyến khích mỗi người dân chỉ nhận gạo mỗi ngày một lần. Một điểm khác biệt của ATM gạo Đà Nẵng là đại diện lực lượng Doanh nhân trẻ sẽ túc trực tại khu vực hướng dẫn, phát gạo, nhận ủng hộ, điều phối để chương trình diễn ra đúng quy trình, đảm bảo cho công tác phòng chống dịch.
Vui mừng khi nhận được gạo và quà từ chương trình, bà Lê Thị Lý ở phường Hòa Cường Nam chia sẻ, gia đình chỉ có hai mẹ con, bà lớn tuổi không làm được gì, con làm công nhân cho nhà máy may nhưng hiện cũng đang nghỉ việc vì dịch. Món quà ý nghĩa được nhận từ chính quyền và các nhà hảo tâm góp phần giúp gia đình vượt qua khó khăn của đợt dịch này.
Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố Đà Nẵng, Trưởng ban Tổ chức chương trình “Hạt gạo tình thương” ông Nguyễn Hồng Cương cho biết: Chương trình mong muốn chia sẻ một phần khó khăn với người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Những phần quà nhằm góp thêm vào bữa ăn cho các gia đình vượt qua thời điểm khó khăn này. Đây là hai máy phát gạo miễn phí đầu tiên của Hội. Trong 3 ngày tới, Hội sẽ tiếp tục lắp đặt thêm các máy ATM phát gạo miễn phí cho người dân tại quận Sơn Trà và Hải Châu. Hiện nay, Hội đã tiếp nhận ủng hộ từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm được 135 tấn gạo, 4 máy ATM gạo, 150 triệu đồng, hơn 15.000 khẩu trang và nhiều ủng hộ bằng hiện vật khác.
Mong những cây “ATM gạo” hoạt động lâu dài
Ngày 20/4, cây “ATM gạo” đầu tiên phát gạo miễn phí được đặt tại số 527 đường 3/2, phường Vĩnh Lạc, thành phố Rạch Giá (Kiên Giang) đưa vào hoạt động do Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Thắng hỗ trợ cho người nghèo khó khăn trong dịch COVID-19.
Ông Trần Bá Thắng, Tổng Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Thắng cho biết, trước tình hình dịch COVID-19, dù Công ty cũng có khó khăn nhưng với tinh thần “Tương thân, tương ái”, chia sẻ cùng những người có hoàn cảnh khó khăn, Công ty cùng chung tay thực hiện điểm cây “ATM gạo”. Mỗi người dân có hoàn cảnh khó khăn được nhận 2 kg gạo từ cây “ATM gạo”. Tiêu chí hoạt động của cây “ATM gạo” là không phân biệt người đến nhận gạo, không từ chối một ai đến nhận gạo nếu có nhu cầu. Cây “ATM gạo” hoạt động từ 8 giờ đến 17 giờ hàng ngày, không chỉ giúp người nghèo ở địa bàn thành phố Rạch Giá, bà con nghèo trên địa bàn trong tỉnh ai có nhu cầu đều có thể đến nhận. Lượng gạo phát cho mỗi người 2 kg/lần nhận/ngày. Số gạo này đủ cho một gia đình 4 người ăn trong ngày. Khi hết gạo, bà con đến nhận tiếp vào hôm sau. Tại điểm phát gạo, mỗi người khi đến nhận gạo đều thực hiện nghiêm túc việc giữ đúng khoảng cách 2 m, đeo khẩu trang và xếp hàng theo số thứ tự.
Ông Nguyễn Văn Lê, ngụ tại một phòng trọ địa bàn phường An Bình, thành phố Rạch Giá cho biết, mưu sinh với nghề bán vé số dạo, nhưng 20 ngày nay ngưng không bán nên gặp rất nhiều khó khăn. Tìm việc khác không ai thuê mướn, tiền điện nước, thuê trọ tới tháng phải đóng nên ông gặp rất nhiều khó khăn. Hôm nay, có cây "ATM gạo” miễn phí, ông không còn lo thiếu đói.
Chị Lê Thị Thanh Tiền, nhà ở huyện Giồng Riềng cùng mẹ già lên thành phố Rạch Giá thuê trọ ở hơn 2 năm nay với nghề bán vé số dạo. Lúc chưa ngưng bán, hai mẹ con mỗi ngày có thu nhập trên 200.000 đồng, chi tiêu tằn tiện cũng đủ sống. Giờ ngưng bán vé số, mẹ chị đang bị bệnh, hàng ngày để có tiền thuốc thang, chị tìm việc rửa chén, giặt quần áo, nhưng công việc bấp bênh nên gặp rất nhiều khó khăn. Giờ có "mạnh thường quân" giúp đỡ miễn phí gạo, mẹ con chị bớt gánh nặng lo cái ăn.
Ông Trần Bá Thắng cho biết thêm, với thông điệp “Nếu khó khăn hãy lấy một phần, nếu bạn ổn xin hãy nhường cho người khác”, ông sẽ cùng kêu gọi sự hỗ trợ từ các mạnh thường quân để những hạt gạo nghĩa tình đến được với nhiều hoàn cảnh khó khăn trong suốt mùa dịch COVID-19. Công ty hỗ trợ mua các thiết bị để lắp đặt cây “ATM gạo” hoạt động vài tấn gạo ngay trong ngày 20/4. Ngoài ra, Hiệp hội Vận tải tỉnh Kiên Giang và Công ty Cổ phần Thương mại tỉnh Kiên Giang (KTC) cũng đã hỗ trợ cho cây “ATM gạo” hoạt động 1 tấn gạo.
Ông Nguyễn Trung Chánh, ngụ số 290 D, đường Nguyễn Khắc Nhu, phường Vĩnh Lạc, thành phố Rạch Giá tự chở trên xe gắn máy đến ủng hộ 100 kg gạo. Ông Chánh cho hay, sáng 20/4, khi nghe tin có cây “ATM gạo” do Hãng xe taxi Nam Thắng Rạch Giá tài trợ lắp đặt và phát gạo miễn phí cho bà con nghèo, ông bàn ngay với vợ sẽ góp chút ít để cho người nghèo giảm bớt khó khăn. Tới đây, ông sẽ kêu gọi người thân, bạn bè tiếp tục “tiếp tế” gạo để cây “ATM gạo” hoạt động được lâu dài nhằm giúp một phần khó khăn cho bà con nghèo.
Cùng chung tay vì người nghèo
Tiếp nối những "ATM gạo" đang vận hành trên khắp cả nước, nhằm kịp thời hỗ trợ phần nào cho người dân có hoàn cảnh khó khăn có được bữa cơm ấm cúng trong đợt dịch bệnh COVID-19, sáng 20/4, tại quán cơm Nhân Thiện 2.000 đồng, Phường 4, thành phố Bến Tre, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bến Tre cùng các đơn vị, doanh nghiệp và các cá nhân đã tổ chức lắp đặt hai máy ATM phát gạo miễn phí cho các gia đình khó khăn trên địa bàn tỉnh. Trong ngày đầu tiên vận hành, "ATM gạo" đã tiếp nhận 55 tấn gạo và 10.000 quả trứng gà được các "mạnh thường quân" chung tay hỗ trợ đến người dân Bến Tre.
ATM phát gạo miễn phí là sự chung tay từ những nghĩa cử, tấm lòng cao đẹp của các "mạnh thường quân" trong và ngoài tỉnh với ý nghĩa "Cùng chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau". "ATM gạo" đầu tiên đặt tại quán cơm Nhân Thiện 2.000 đồng sẽ được vận hành từ 8 giờ - 9 giờ 30 phút mỗi ngày. Còn máy "ATM gạo" thứ 2 dự kiến sẽ được triển khai tại huyện Mỏ Cày Bắc. Theo phương thức người đến nhận tự bấm nút để gạo "chảy ra", dự kiến "ATM gạo" sẽ cung cấp 2kg gạo và 6 quả trứng cho mỗi lượt nhận. Số gạo này đủ cho một hộ gia đình ăn trong ngày.
Khi "ATM gạo" được vận hành người dân hết sức phấn khởi và háo hức mong sớm được đón nhận những hạt gạo trân quý. Trong hoàn cảnh dịch bệnh, người dân đến nhận gạo đều đeo khẩu trang, giữ khoảng cách ít nhất 2m và ý thức xếp hàng theo thứ tự, người đến trước nhận trước, người đến sau nhận sau, không chen lấn, xô đẩy, lớn tiếng gây mất an ninh trật tự.
Được biết thông tin ATM phát gạo miễn phí bắt đầu từ sáng nay, ông Lê Quốc Tùng, Phường 4 đã đến sớm xếp hàng đợi. Việc tạm ngưng hoạt động bán vé số đã ảnh hưởng đến nguồn thu nhập chính của ông Tùng. Vì vậy, hôm nay nhận được gạo, ông rất vui. Số gạo được nhận hôm nay và những ngày tiếp theo trong lúc khó khăn do hạn mặn và dịch bệnh là "cứu cánh" của gia đình ông Tùng và nhiều gia đình khác.
Bến Tre là tỉnh đầu tiên ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được anh Hoàng Tuấn Anh - người khởi xướng mô hình "ATM gạo" đầu tiên của cả nước và cộng sự chọn đặt ATM phát gạo miễn phí cho người dân khó khăn. Theo anh Hoàng Tuấn Anh, lý do chọn Bến Tre để lắp đặt ATM gạo miễn phí vì Bến Tre ngoài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh còn chịu ảnh hưởng bởi hạn mặn. Với thiên tai "kép", người dân Bến Tre khó khăn chồng khó khăn. Vì vậy, ngoài hỗ trợ lắp đặt hai máy "ATM gạo", anh còn hỗ trợ 25 tấn gạo.
Anh Tuấn Anh hy vọng 25 tấn gạo hỗ trợ cùng với máy "ATM gạo" sẽ lan tỏa, có thêm nhiều "mạnh thường quân" chung tay để số gạo được hỗ trợ ban đầu tăng lên 100 tấn, 200 tấn... ATM gạo sẽ tạo được niềm tin cho các doanh nghiệp, cá nhân góp gạo để phát miễn phí cho người dân một cách an toàn trong mùa dịch bệnh.
Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bến Tre Nguyễn Phúc Linh mong rằng "ATM gạo" sẽ góp phần giúp người dân ổn định được phần nào cuộc sống trong giai đoạn khó khăn "kép" hiện nay để cùng nhau vượt qua hạn mặn, chung tay cùng Đảng, Nhà nước chiến thắng dịch bệnh để vươn lên phát triển kinh tế, xã hội, thoát nghèo bền vững.
Dự kiến máy "ATM gạo" ở Bến Tre không chỉ hoạt động trong những ngày chống dịch bệnh COVID-19 mà còn tiếp tục duy trì giúp người dân nghèo ở địa phương đến cuối năm hoặc tiếp trong những năm sau.
Tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp đã gây ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Bến Tre, đặc biệt tác động đến đời sống dân sinh của người dân, trong đó có khoảng 40.000 hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Bến Tre còn bị tác động do mùa khô năm 2019 - 2020 mặn xâm nhập sớm, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân khiến cho hầu hết người dân trên địa bàn tỉnh phải sử dụng nước mặn, sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng, hàng chục nghìn hecta cây ăn quả, cây giống bị thiệt hại...
Theo dự báo, thời gian tới hạn mặn sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường và duy trì ở mức rất cao, kéo dài đến giữa tháng 5/2020, tiếp tục đe dọa nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Phóng viên TTXVN tại các địa phương
loading...