6 thập kỷ chinh phục Everest: 60 điều thú vị về 'nóc nhà thế giới'
1. Chiều cao chính thức được công nhận của Everest là 8.848m, dựa trên một hoạt động đo đạc thực hiện vào năm 1954. Tuy nhiên, việc đo đạc bằng vệ tinh vào năm 1999 cho thấy ngọn núi thực tế cao hơn mức này khoảng 1,8m.
2. Có 2 tuyến đường lên Everest, với hướng men theo sườn Đông Nam nằm ở Nepal và phía Bắc nằm ở Tây Tạng.
3. Ở điểm cao nhất tại Everest, người bình thường chỉ hít vào được có 1/3 lượng oxy so với bình thường do áp suất khí quyển thấp.
4. Từ năm 1969, mỗi năm đã có ít nhất 1 người chết trên Everest, ngoại trừ năm 1977.
5. Con trai Edmund Hillary là Peter Hillary đã lên đỉnh Everest ít nhất 5 lần, với lần đầu là năm 1990.
6. Tenzing Norgay đã lên đỉnh Everest không thành tới 6 lần, trước khi hợp tác với Hillary và chinh phục ngọn núi thành công.
|
8. So sánh một cách tương đối thì năm an toàn nhất trong hoạt động chinh phục Everest là 1993, thời điểm có 129 người lên đỉnh và 8 người chết (tỷ lệ thành công/thiệt mạng là 16/1).
9. Năm chết chóc nhất trên Everest là 1996, khi có 15 người chết.
10. 1/10 nhà leo núi sau khi lên đỉnh Everest thành công đã mất mạng.
11. Thành tích xuống khỏi đỉnh Everest nhanh nhất là trong 11 phút. Nhà leo núi người Pháp Jean-Marc Boivin đã đạt được kỳ tích này bằng cách sử dụng dù lượn để đáp xuống vào năm 1998.
12. Ước tính có 120 thi thể các nhà leo núi vẫn nằm lại trên Everest.
13. Người trẻ nhất từng lên Everest là Jordan Romero,13 tuổi, người lập kỳ tích vào năm 2010.
14. Người Nepal gọi Everest là Sagarmatha, nghĩa là "Nữ thần bầu trời". Ở Tây Tạng, ngọn núi có tên Chomolungma, tức "Mẫu thần của Vũ trụ".
15. Năm 1865, ngọn núi được đổi tên quốc tế từ Đỉnh 15 thành Everest để tôn vinh Toàn quyền Ấn Độ George Everest.
16. Người phụ nữ đầu tiên lên Everest là Junko Tabei, quốc tịch Nhật Bản, vào năm 1975.
17. Giấy phép leo lên núi Everest do Nepal cấp có chi phí lên đến 27.200 USD.
18. Có 18 tuyến đường trong hành trình lên Everest đã được đặt tên gọi.
19. Khu vực nguy hiểm nhất trên ngọn núi là thác băng Khumbu, nơi đã cướp đi 19 mạng sống.
Hành trình lên Everest của Hillary và Norgay
20. Người leo núi có thể đốt tới 20.000 calorie trong ngày lên đỉnh núi và đốt trung bình 10.000 calorie mỗi ngày trong hành trình leo.
21. Kỷ lục lên đỉnh Everest nhiều nhất thuộc về Apa Sherpa, 53 tuổi. Ông đã lên ngọn núi này 21 lần, với lần gần đây nhất là năm 2011.
22. Babu Chiri Sherpa đã ở trên đỉnh Everest trong thời gian lâu nhất: 21,5 giờ vào năm 1999.
23. Kể từ khi người ta ghi nhận cái chết đầu tiên ở Everest vào năm 1922, đã có khoảng 235 người chết trên ngọn núi.
24. Tuyết lở là nguyên nhân khiến nhiều nhà leo núi thiệt mạng nhất. Đứng thứ 2 là những cú ngã.
25. Người khiếm thị đầu tiên lên đỉnh Everest là Erik Weihenmayer, người Mỹ, trong năm 2001.
26. Một nghiên cứu do Mỹ tiến hành vào năm 1976 thấy rằng những người Sherpa ở Nepal đã có sự biến đổi gene để thích nghi với cuộc sống ở Everest, sau khi đã trú ngụ tại một trong những vùng đất cao nhất thế giới suốt hàng ngàn năm.
27. Người leo núi bắt đầu sử dụng bình ôxy từ độ cao 7.800 mét. Nó khiến cơ thể thu được lượng ôxy bằng với khi người ta ở dưới độ cao trên 1.800m.
28. Ngọn núi cao hơn 28 lần chiều cao của tòa nhà chọc trời Shard ở London (vốn cao 309,6m ).
29. Năm 1924, các nhà leo núi người Anh George Mallory, 37 tuổi và Andrew Irvine, 22 tuổi, đã biến mất tại Everest. Họ lên đỉnh hay chưa vẫn là một bí ẩn. Năm 1999, thi thể của Mallory được tìm thấy ở độ cao 8.100m.
30. Ngày 30/5/2005, Pem Dorjee Sherpa và Moni Mulepati là đôi nam nữ đầu tiên kết hôn trên đỉnh Everest.
31. Đỉnh Everest nằm ở độ cao chỉ thấp hơn một chút so với độ cao hành trình của máy bay phản lực thông thường (khoảng 10km )
32. Ước tính có tới 400kg rác thải sinh hoạt của con người đã được mang xuống khỏi ngọn núi trong các đợt dọn dẹp từ năm 2008 - 2011.
33. Hơn 9.900m dây thừng được sử dụng mỗi năm để thiết lập tuyến đường leo núi phía Nam.
34. Năm 1934, quân nhân lập dị Maurice Wilson đã định lên đỉnh Everest một mình, dù không có kinh nghiệm leo núi. Thi thể của người này được tìm thấy một năm sau ở độ cao 6.900m.
35. Nhà leo núi Italia Reinhold Messner đã trở thành người đầu tiên một mình lên đỉnh Everest thành công trong năm 1980.
36. Kỷ lục khác của Messner là leo lên Everest không cần bình oxy trợ giúp và ông là người đầu tiên làm được điều này, cùng với nhà leo núi Áo Peter Habeler vào năm 1978.
37. Nhiệt độ trên đỉnh Everest có thể tụt xuống thấp tới - 60 độ C.
38. Nhưng nhiệt độ cũng có thể vượt ngưỡng 30 độ C ở thung lũng Tĩnh Lặng tại Everest, nơi những người leo núi phải đi qua để lên đỉnh.
39. Nhà leo núi Australia Christian Stangl đang giữ kỷ lục lên đỉnh Everest nhanh nhất, thực hiện vào ngày 25/5/2006. Từ trại 3, ông đã lên đỉnh trong 16 giờ, 42 phút, không dùng bình oxy. Ông xuống khỏi đỉnh trong có 6 giờ, 48 phút.
40. Trong ngày 10/4/1993, 40 nhà leo núi đã lên đỉnh Everest và đây là ngày có nhiều người lên đỉnh nhất trong lịch sử chinh phục ngọn núi.
41. Nhóm lớn nhất từng leo lên Everest là một đội vận động viên Trung Quốc, đông tới 410 thành viên và họ đã tìm cách chinh phục ngọn núi trong năm 1975.
42. Dù Everest là ngọn núi cao nhất so với mực nước biển, ngọn Mauna Kea ở Hawaii lại giữ kỷ lục về chiều cao tính từ chân lên đỉnh. Ngọn núi này có chiều cao tổng cộng 10.050m, nhưng phần núi nhô lên khỏi mực nước biển chỉ cao có 4.110m.
43. Tháng 5/2006, Mark Inglis, quốc tịch New Zealand, trở thành người khuyết tật đầu tiên lên đỉnh Everest. Trong quá trình lên đỉnh, anh bị gãy một chiếc chân giả. Tuy nhiên, anh vẫn dùng băng dính dán chiếc chân để tiếp tục hành trình của mình.
44. Everest cao thêm 4mm mỗi năm do sự nâng lên về mặt địa lý.
45. Các nhà leo núi đã để lại khoảng 120 tấn rác trên núi, gồm các bình oxy, lều bạt và nhiều phụ kiện khác.
46. Đất nước có nhiều người chết trên Everest nhất là Nepal, với tổng cộng 46 người đã thiệt mạng.
47. Các nhà leo núi có thể bị đe dọa tính mạng bởi chứng say độ cao cấp tính, bỏng lạnh và ảo giác.
48. Khu vực cao hơn 8.000m trên ngọn núi được gọi là "vùng chết".
49. Sherpa là tên một tộc người bản địa sống ở phía Đông Nepal. Sherpa cũng được những người này dùng làm họ. Tên của họ thường là ngày trong tuần họ sinh ra.
50. Tháng 10/1950, Nepal mở đường chinh phục Everest từ phía Nam, khi tuyến lên phía Bắc từ hướng Tây Tạng tạm bị cấm.
51. Davo Karnicar từ Slovenia là người đầu tiên trượt tuyết xuống khỏi Everest vào tháng 7/2000.
52. Người Sherpa không phải siêu nhân, họ cũng bị mắc chứng say độ cao như mọi người khác.
53. Năm 1953, một số tờ báo đưa tin Edmund Hillary và Tenzing Norgay đã nhìn thấy những dấu chân lớn trong quá trình leo lên Everest, có thể là của người tuyết Yeti. Tuy nhiên, chính Hillary sau đó đã bác bỏ những thông tin này.
54. Tuần trước, cụ ông Yuichiro Miura, 80 tuổi, đã trở thành người đàn ông già nhất leo lên Everest. Ông từng lên đỉnh núi này khi 70 và 75 tuổi, dù đã qua phẫu thuật tim.
55. Người phụ nữ cao tuổi nhất từng leo lên Everest cũng là một công dân Nhật Bản. Cụ bà Tamae Watanabe, 73 tuổi, đã chinh phục "nóc nhà thế giới" vào năm 2012.
56. Không ai biết Everest là ngọn núi cao nhất thế giới cho tới tận năm 1856, khi một cuộc khảo sát lớn tại Ấn Độ lúc đó làm rõ điều này.
57. Người duy nhất đã leo lên Everest từ cả 4 mặt của ngọn núi là Kushang Sherpa. Ông là một hướng dẫn viên thuộc Viện Nghiên cứu leo núi Himalaya.
58. Tháng 10/1978, Wanda Rutkiewicz trở thành người Ba Lan đầu tiên lên Everest, cùng ngày người đồng hương của ông trở thành Giáo hoàng Pole John Paul II.
59. Ước tính hoạt động chuẩn bị chinh phục Everest phải mất tối thiểu 2 tháng, kể từ khi bắt đầu cho tới khi kết thúc.
60. Về mặt địa lý, núi Everest có tuổi đời khoảng 60 triệu năm.
Tường Linh (Theo Independent)
Thể thao & Văn hóa