loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 25/6, Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, tính đến 6 giờ ngày 25/6, mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất đã làm 7 người chết tại tỉnh Hà Giang và Lai Châu (Hà Giang 2 người chết do sập nhà, Lai Châu 5 người chết do sạt lở đất, lũ cuốn trôi). Tỉnh Lai Châu đã có 8 người mất tích do lũ cuốn trôi và 5 người bị thương.
Tính đến 8 giờ ngày 25/6, các tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Thái Nguyên và Lào Cai đã có 47 căn nhà bị đổ và nước lũ cuốn trôi; 264 nhà bị hư hỏng, thiệt hại và di dời khẩn cấp; 525 nhà bị ngập nước. Riêng Hà Giang và Lai Châu có 391 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại, 4 tấn thóc giống bị ngập...
Các tuyến đường quốc lộ 4D, 279 từ Lào Cai đi Lai Châu bị sạt lở, hư hỏng gây ách tắc giao thông. Một số tuyến đường tỉnh lộ thuộc Lai Châu bị sạt lở. Tổng thiệt hại ước tính hơn 76,6 tỷ đồng (Hà Giang khoảng 10 tỷ đồng, Lai Châu khoảng 60 tỷ đồng, Thái Nguyên khoảng 0,4 tỷ đồng và Lào Cai khoảng 6,3 tỷ đồng).
Liên quan đến thông tin 15 học sinh tại huyện Than Uyên (Lai Châu) bị cô lập vì mưa lũ, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cho biết: Sáng 25/6, UBND tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo quyết liệt đưa số học sinh này ra khỏi vùng bị chia cắt để tham dự Kỳ thi Trung học Phổ thông năm 2018, việc tổ chức thi vẫn diễn ra bình thường.
Để chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất trong những ngày tiếp theo, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đề nghị các địa phương triển khai nghiêm túc công điện của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo, trong đó tập trung vào các nội dung: Khẩn trương ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, tổ chức tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương, thăm hỏi động viên và hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại. Đồng thời, kiểm tra, rà soát vận hành đê điều, hồ đập, các khu vực có nguy cơ trượt lở đất, lũ quét để chủ động sơ tán, di dời dân cư đảm bảo an toàn, khắc phục nhanh các sự cố sạt lở, đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến quốc lộ, trục giao thông chính. Bên cạnh đó, thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin dự báo, cảnh báo về diễn biến mưa lũ để chủ động ứng phó.
Cầu Khe Bượm trên địa bàn xã Hương Thọ, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh có chiều dài hơn 10m, được xây dựng vào năm 2001 theo chương trình dự án Oxfam. Chiều 18/10, chiếc cầu này bất ngờ bị gãy sập làm 150 hộ dân thuộc thôn 1 và 3 xã này bị chia cắt, mọi sinh hoạt của bà con đang gặp rất nhiều khó khăn.
TTXVN/Hoàng Nam
loading...