15 năm sự kiện 11/9: Vẫn còn nỗi ám ảnh từ 102 phút kinh hoàng chấn động nước Mỹ
(Thethaovanhoa.vn) - Cách đây 15 năm, vào ngày 11/9/2001, một loạt các vụ tấn công do nhóm khủng bố Al Qaeda tiến hành tại nước Mỹ đã làm chấn động toàn thế giới.
- Càng đến gần 11/9, Mỹ càng lo bị 'sói đơn độc' của IS tấn công
- Số phận cay đắng của 'Người phụ nữ tro bụi' sau vụ 11/9
102 phút kinh hoàng chấn động lịch sử nước Mỹ
Ngày 11/9/2001, 4 chiếc máy bay Boeing của Mỹ, với sức chứa gần 91.000 lít xăng cho động cơ phản lực của mỗi chiếc, đã bị khủng bố khống chế, biến chúng thành những quả bom lửa, chuyển hướng lao thẳng vào những mục tiêu được xem là trung tâm của nước Mỹ.
Đó là: Washington - trung tâm chính trị; Lầu Năm góc - trung tâm quân sự; Tòa tháp đôi của Trung tâm thương mại thế giới (WTC) ở New York - trung tâm kinh tế của nước Mỹ.
Chỉ trong vòng 102 phút, cả hai tòa tháp của Trung tâm thương mại thế giới đã bị sụp đổ hoàn toàn. Và 102 phút chấn động đó đã cướp đi sinh mạng của hơn 3.000 người và hàng nghìn tỷ đôla của nước Mỹ. Cụ thể, đã có 3.041 người thiệt mạng, trong đó có 2.669 người Mỹ, 372 công dân nước ngoài (tính cả 19 tên không tặc) của gần 70 quốc gia. Khoảng 2.680 người bị thương trong thảm họa này.
Vụ khủng bố 11/9 đã để lại trong nước Mỹ một "vết thương lớn"
Trong khi đó, nhiều chuyên gia ước tính 3,3 nghìn tỉ USD là thiệt hại mà nền kinh tế Mỹ phải gánh chịu. Trong đó, có một số khoản chi cụ thể như: 7 tỷ USD bồi thường cho các nạn nhân, cộng với 500 triệu USD thành phố New York phải trả cho những người dọn dẹp. Khoảng 8,7 tỷ USD tài sản của các công ty và cá nhân bị cháy thành tro hoặc bị chôn vùi trong đống đổ nát của 2 tòa tháp WTC.
Trong hai năm 2001-2002, thu nhập của các hãng hàng không Mỹ bị mất đến 19,6 tỷ USD. Chi phí cho việc xây dựng lại các tòa nhà và cơ sở hạ tầng ở thành phố New York bị phá hủy cũng lên tới 21,8 tỷ USD. Các công ty bảo hiểm cũng chịu thiệt hại lên tới 40 tỷ USD, trong đó gồm bảo hiểm tài sản, kinh doanh, hàng không... Riêng thành phố New York đã thiệt hại từ 83-95 tỷ USD, do nhiều việc làm bị mất đi và nhiều công ty chuyển trụ sở ra khỏi thành phố…
Tuy nhiên, đó mới chỉ là những thiệt hại cụ thể của vụ tấn công, còn thiệt hại về tinh thần và vị thế của nước Mỹ thì khó có thể đong đếm được.
Vẫn còn những nỗi ám ảnh
Kể từ sau sự kiện 11/9, người Mỹ chưa bao giờ hoảng loạn đến vậy, cũng như chưa bao giờ họ cảm thấy nước Mỹ ở trong tình trạng thiếu an ninh đến vậy. Trong vòng nửa năm sau sự kiện 11/9, khoảng 30% người New York vẫn phải chịu những áp lực tâm lý “hậu thảm họa” như mất ngủ, ác mộng, tự cô lập và trầm cảm.
Hình ảnh nhảy từ WTC còn ám ảnh nước Mỹ
Ngoài ra, còn có khoảng 2.000 người được chẩn đoán ung thư liên quan đến sự kiện 11-9. Đó là những người làm việc trực tiếp tại hiện trường tòa tháp đôi WTC trong một thời gian dài như nhân viên y tế, nhân viên cứu hộ, các tình nguyện viên. Họ bị ảnh hưởng từ lớp bụi tại hiện trường chứa các hóa chất độc hại như amiang, chì, dioxin, PVC, thủy ngân cùng lượng khí chất thải của hàng trăm nghìn gallon dầu diesel bốc cháy.
Theo ước tính, hiện vẫn có hơn 60.000 người đang phải tham gia một chương trình theo dõi sức khỏe. Những vấn đề họ gặp phải chủ yếu là các căn bệnh liên quan đến đường hô hấp. Sau 15 năm, chính quyền Mỹ vẫn chưa thể nhận dạng hơn 1.000 nạn nhân trong vụ tấn công.
Gian nan cuộc chiến
Ngay sau sự kiện 11/9, Chính phủ Mỹ đã công bố Al Qaeda và Bin Laden là thủ phạm chính. Ngay lập tức Tổng thống Mỹ George Walker Bush đã phát động cuộc chiến chống khủng bố trên phạm vi toàn cầu. Và thế giới đã chính thức thay đổi từ thời điểm đó. Hàng loạt quốc gia đã bị kéo theo guồng máy chiến tranh của Mỹ từ cuộc chiến chống khủng bố đầu tiên tại Afghanistan cho đến cuộc chiến tại Iraq.
Đến nay, hàng nghìn tỉ USD đã được chi ra cho cuộc chiến chống khủng bố mà Mỹ phát động, và cũng đã có hàng trăm nghìn người thiệt mạng vì bị cuốn vào vòng xoáy bạo lực. Nhưng kết quả là bạo lực vẫn lan rộng, và người dân thế giới vẫn đang cảm thấy không an toàn.
Hơn một thập kỷ đã trôi qua, nước Mỹ vẫn đang loay hoay trong cuộc chiến chống khủng bố. Mỹ đã bị "sa lầy" nhiều năm ở chiến trường Iraq và Afghanistan, còn Trung Đông trở nên hỗn loạn hơn bao giờ hết. Tuy Mỹ và liên quân đã tiêu diệt được trùm khủng bố Bin Laden, làm suy yếu phần nào mạng lưới khủng bố quốc tế Al Qaeda, lật đổ chế độ Taliban…, nhưng thực tế Mỹ vẫn không thể tiêu diệt tận gốc những mối nguy này.
Hiểm họa từ Taliban và Al Qaeda vẫn còn đó. Hiện Taliban vẫn tổ chức các hoạt động phiến loạn tại Afghanistan. Còn Al Qaeda có xu thế chia thành những nhóm nhỏ, hoạt động tinh vi hơn, với tư tưởng cực đoan có chiều hướng gia tăng và phạm vi hoạt động thậm chí mở rộng sang tận Trung và Nam Á. Nội chiến ở Iraq, Syria ngày càng lan rộng và chưa có dấu hiệu kết thúc, làn sóng di cư từ Trung Đông trở thành mối hiểm họa với an ninh châu Âu…
Bên cạnh đó, Mỹ và thế giới lại tiếp tục phải đối mặt với một mối nguy cơ lớn hơn nhiều, đó là nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Từng là một nhánh của mạng lưới khủng bố quốc tế Al Qaeda, song mức độ nguy hiểm và tư tưởng cực đoan của nhóm này còn lớn hơn nhiều. Chính phủ Mỹ và phương Tây đều phải thừa nhận, đây là một mối nguy cơ chưa từng có, nhất là khi IS đã chiêu mộ được hàng nghìn tay súng nước ngoài, bao gồm cả người châu Âu và người Mỹ.
Thống kê của Liên hợp quốc cho thấy, ngoài sự tham gia của các nhóm chiến binh bản địa, hiện nay các tổ chức khủng bố còn thu hút hơn 30.000 chiến binh nước ngoài đến khoảng từ 100 quốc gia trên thế giới. Điều đáng lo ngại là con số này đang liên tục gia tăng và chỉ trong 6 tháng đầu năm 2016 đã tăng tới 7.000 người.
Ngoài ra, còn một số lượng lớn những “con sói đơn độc” đang gia tăng. Đây là những kẻ không nằm trong danh sách thành viên của tổ chức khủng bố nào, nhưng lại là những phần tử có tư tưởng chính trị cực đoan, những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc, những kẻ phân biệt chủng tộc…
Phạm vi hoạt động của IS cũng mở rộng ra nhiều khu vực, châu lục trên thế giới. Trong năm 2015, IS liên tục vươn dài “vòi bạch tuộc” ra nhiều khu vực trên thế giới, từ Trung Đông, Bắc Phi, vùng Vịnh, cho tới châu Âu, châu Mỹ và cả châu Á… Danh sách các quốc gia ít nguy cơ bị khủng bố ngày càng bị rút ngắn, từ 49 nước vào năm 2008, xuống còn 37 nước vào năm 2016. Đáng chú ý, những quốc gia vốn được xem là khá an toàn như Đức, Pháp, Bỉ… thì nay cũng trở thành điểm đến của nhiều kẻ khủng bố.
Để đối phó IS, kể từ tháng 8-2014, một liên minh quốc tế chống IS (với sự tham gia của khoảng 60 nước) do Mỹ đứng đầu đã được hình thành.
Hàng tỷ USD đã được chi cho những chiến dịch không kích vào IS trên lãnh thổ Iraq và Syria, hay hỗ trợ cho quân đội chính phủ Iraq và quân nổi dậy Syria trong cuộc chiến chống IS…, nhưng mục đích tiêu diệt IS tận gốc vẫn chưa hoàn thành. Vì vậy, dư luận thế giới luôn ra những dấu hỏi lớn về tính hiệu quả thực sự của cuộc chiến chống khủng bố mà Mỹ đã phát động.
Hồng Liên - TTXVN