WTO khởi động tiến trình bầu chọn lãnh đạo mới
(Thethaovanhoa.vn) - Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sẽ khởi động tiến trình bầu cử lãnh đạo mới trong tuần này, với sự tham gia của 8 ứng cử viên đến từ Hàn Quốc, Anh, Mexico, Nigeria, Ai Cập, Moldova, Kenya và Saudi Arabia.
Trong số các ứng cử viên, có nhiều gương mặt khá quen thuộc trên trường quốc tế như cựu Bộ trưởng Thương mại Anh Liam Fox, cựu Bộ trưởng Kinh tế Saudi Arabia Mohammed al-Tuwaijri, cựu Phó Tổng Giám đốc WTO người Mexico Jesus Seade Kuri, hay Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Yoo Myung-hee.
Trong vòng bầu chọn đầu tiên kéo dài đến ngày 16/9, các đại diện đến từ 164 nước thành viên sẽ chọn ra tối đa 4 ứng cử viên và sau đó, sẽ có 3 người bị loại khỏi cuộc đua. Tương tự trong vòng bầu chọn thứ hai, 3 ứng cử viên sẽ bị loại trong số 4 ứng cử viên còn lại.
Cuối cùng, đại diện các nước thành viên sẽ lựa chọn nhà lãnh đạo mới của WTO trong số 2 ứng cử viên trụ vững sau hai vòng. Kết quả cuối cùng sẽ được công bố chính thức vào đầu tháng 11 và người này sẽ thay thế Tổng Giám đốc Roberto Azevedo.
Giữa tháng 5 vừa qua, ông Azevedo đã bất ngờ thông báo quyết định từ chức vì lý do gia đình, sớm hơn 1 năm trước khi nhiệm kỳ thứ hai của ông chính thức kết thúc. Quyết định này đã buộc WTO phải đẩy nhanh tiến trình bầu chọn nhà lãnh đạo mới.
- Tổng Giám đốc WTO thông báo từ chức sớm hơn một năm so với kế hoạch
- Tổ chức Y tế Thế giới WTO hoãn các cuộc họp vì nhiễm... COVID-19
Cuộc bầu chọn lãnh đạo mới diễn ra trong bối cảnh WTO đang phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng. Bất kỳ nhà lãnh đạo tương lai nào của WTO đều đứng trước nhiệm vụ khó khăn dẫn dắt tổ chức hiện đối mặt với một loạt cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, trong đó có các cuộc đàm phán thương mại đình trệ và nổ lực làm giảm căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Bên cạnh đó, WTO cũng phải hỗ trợ các quốc gia thành viên vượt qua cuộc suy giảm kinh tế toàn cầu nghiêm trọng do đại dịch viêm dường hô hấp cấp COVID-19 gây ra.
Kể từ khi thành lập vào năm 1995, WTO đã có 3 tổng giám đốc là người châu Âu, trong khi châu Đại Dương, châu Á và Nam Mỹ - mỗi châu lục từng có 1 người đảm nhận cương vị này. Mỗi nhiệm kỳ kéo dài 4 năm và ứng cử viên đắc cử phải nhận được sự ủng hộ đa số của 164 nước thành viên WTO qua mỗi lần bình chọn.
Nguyễn Tuyên - Bích Liên/TTXVN