Leo Messi đang chịu áp lực nhiều hơn cả một nhà vô địch
(Thethaovanhoa.vn) - Lionel Messi đã ghi một bàn thắng quan trọng giúp Argentina đánh bại Nigeria tại lượt đấu cuối cùng vòng bảng World Cup 2018. Liệu thủ lĩnh của các vũ công Tango có thể tái hiện điều tương tự trong trận gặp Pháp ở vòng 1/8?
- Pháp vs Argentina: Chờ ‘núi lửa’ Messi phun trào. Trực tiếp VTV6 (21h00, 30/6)
- Ever Banega là chìa khóa để giải phóng Messi, giải cứu Argentina
Rất nhiều lời bàn tán về màn trình diễn nghèo nàn của các ông lớn tại World Cup 2018. Đương kim vô địch Đức đã phải sớm về nước sau khi xếp ở vị trí cuối cùng tại bảng đấu của mình. Đây không phải lần đầu tiên World Cup chứng kiến tình cảnh thê thảm như vậy của một nhà đương kim vô địch. Pháp năm 2002, Italy 2010 và Tây Ban Nha 2014 đều trải qua sự tủi hổ tương tự.
Gánh nặng của ông lớn
Tuy nhiên, tất cả có lẽ chẳng thể khó hiểu và bàng hoàng bằng thất bại của đội tuyển Pháp năm 2002 trong lần đầu tiên World Cup được tổ chức tại châu Á.
Khi đó, những chú gà trống Gaulois hành quân tới Hàn Quốc không chỉ mang trên người vương miện vô địch World Cup 1998 mà còn cả chức vô địch tại EURO 2000. Trong đội hình của họ có Thierry Henry, David Trezeguet và Djibril Cisse. Khi đó, ba cầu thủ này đều là vua phá lưới tại giải quốc nội tại Anh, Italy và Pháp. Pháp dĩ nhiên trở thành ứng viên vô địch hàng đầu tại kỳ World Cup 2002. Chưa kể, bảng đấu của Pháp khi đó không quá khó với sự góp mặt của Senegal, lần đầu tham dự giải đấu, Uruguay và Đan Mạch. Thế nhưng cuối cùng, Pháp kết thúc giải đấu sớm, không ghi nổi một bàn thắng sau 3 trận và trở thành một trong những bất ngờ lớn nhất của lịch sử giải đấu.
Thực tế, không quá khó hiểu trước những áp lực đội tuyển Pháp phải đối mặt khi đó. Họ đang là nhà vô địch của hai giải đấu hàng đầu thế giới, World Cup và EURO. Họ sở hữu những ngôi sao tên tuổi mà bất cứ đội tuyển nào cũng mong muốn. Nhưng điểm yếu của họ chính là sự gắn kết. Ngôi sao sáng giá bậc nhất Zinedine Zidane bất ngờ gặp chấn thương trong lúc khởi động trước trận ra quân và buộc phải ngồi ngoài. Pháp cuối cùng trận đấu đó thua 0-1 trước tân binh Senegal.
Tình hình chấn thương của Zizou nghiêm trọng hơn người ta tưởng buộc anh nghỉ trận đấu thứ hai với Uruguay và chỉ có thể quay trở lại trong trận cuối cùng với Đan Mạch. Tình thế lúc này của Pháp vô cùng khó khăn khi họ chưa ghi được bàn thắng nào và mới chỉ có 1 điểm. Họ buộc phải thắng Đan Mạch với tỷ số đậm mới có hy vọng đi tiếp. Chung cuộc, họ thua Đan Mạch 0-2.
Theo lời kể của thủ quân Marcel Desailly của Pháp, toàn đội khi đó tổ chức các buổi gặp mặt giữa các thành viên với nhau, cùng tìm ra vấn đề và cải thiện tâm lý. Thế nhưng, tất cả biến mất nhanh chóng và ảnh hưởng tới phong độ thi đấu của đội tuyển. Có lẽ nguyên nhân bắt nguồn từ chính áp lực từ việc bảo vệ danh hiệu, từ nỗi sợ mất tất cả - danh hiệu, tham vọng, giá trị đội tuyển, hình ảnh quốc gia,….
Pháp của năm 2002 đứng ở vị thế của kẻ có tất cả, vì lo lắng và sợ hãi đến mức đánh mất tất cả. Lúc này, có một đội tuyển đang gợi mọi người nhớ tới hình ảnh Pháp khi xưa. Đó là Argentina. Các vũ công Tango không phải nhà vô địch nhưng về sự kết nối tập thể, họ không có. Argentina dường như chỉ biết trông chờ vào Messi, giống như Pháp dựa dẫm vào Zidane.
Áp lực hơn cả nhà vô địch
Argentina đã lách qua khe cửa hẹp trước Nigeria để vượt qua vòng bảng World Cup 2018. Một chiến thắng đưa người hâm mộ đội bóng Nam Mỹ đi từ cung bậc cảm xúc này đến cung bậc khác. Dẫu vậy, trong niềm vui của họ vẫn ẩn chứa nhiều sự ngờ hoặc và lo lắng.
Không phải không có những dấu hiệu báo trước về màn trình diễn của Argentina tại World Cup năm nay. Các ngôi sao tên tuổi của Argentina và sức hấp dẫn của World Cup dường như đã khiến mọi người quên hành trình vượt qua vòng loại để tới Nga của họ vất vả như thế nào. Đoàn quân HLV Sampaoli chỉ có thể định đoạt số phận của mình ở lượt đấu cuối cùng. So với tầm vóc của Argentina, đó là một sự kém cỏi khó lòng chấp nhận.
Chưa kể, trong loạt giao hữu trước giải đấu, Argentina từng bị Tây Ban Nha nghiền nát với tỷ số 1-6. Trận đấu đó, Messi không ra sân. Nhiều người đã bắt đầu đặt câu hỏi rằng Argentina sẽ đi về đâu nếu không có Messi?
Quá nhiều niềm hy vọng được đặt lên vai Messi. Những thành công, danh hiệu và kỷ lục cầu thủ này đạt được cùng Barcelona khiến người Argentina càng kỳ vọng vào anh hơn. Nếu đội tuyển Pháp năm 2002 phải chịu áp lực từ việc bảo vệ danh hiệu vô địch, từ nỗi sợ đánh mất tất cả thì Messi còn chịu đựng áp lực có lẽ còn nhiều hơn thế. Anh với tư cách thủ quân, một cầu thủ đoạt được 5 Quả bóng Vàng có trách nhiệm phải đưa Argentina giành danh hiệu lớn tại những giải đấu đội tuyển góp mặt. Thế nhưng, bao mùa Copa America và World Cup cứ trôi qua mà Argentina không để lại dấu ấn gì ngoài thành tích lọt vào nhiều trận chung kết. Nhưng thế giới mãi mãi không bao giờ khắc ghi kẻ thua cuộc, người về thứ hai. Tất cả đều thuộc về người giành chiến thắng.
Thế nhưng, nếu trách móc Messi vì thành tích kém cỏi của Argentina thì quả thực là một tội ác. Trong đội hình họ vẫn có những cái tên khác từng giúp họ lọt tới trận chung kết World Cup 2014 như Higuain, Mascherano, Di Maria, Enzo Perez,… Điểm khác biệt duy nhất có lẽ chỉ là hiện tại họ già hơn 4 tuổi. Tuổi tác sẽ không thể hiện rõ khi các cầu thủ trong độ tuổi 20, nhưng ngoài 30 luôn là câu chuyện hoàn toàn khác. Sự sa sút của các ngôi sao của Argentina phần nào đó không phải yếu tố bất ngờ.
Argentina từng đã thăng hoa cùng những tên tuổi như Mario Kempes, Osvaldo Ardiles năm 1978, với Jorge Burruchaga, Jorge Valdano và Maradona năm 1986. Tất cả cùng chia lửa với nhau để tạo nên thành công. Ở Argentina lúc này không ai có khả năng san sẻ với Messi. Messi quá đơn độc, quá cô đơn trên con đường đưa quê hương vinh danh tại World Cup.
Quý Dậu (Theo Guardian)