A+ A A- Kiểu đọc sách

Klinsmann, cuộc phiêu lưu & Giấc mơ Mỹ

18:52 22/06/2014
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Juergen Klinsmann mới 19 tuổi khi ông chơi cho đội bóng quê nhà Stuttgarter Kickers ở giải hạng Nhì Đức, cũng là lần đầu ông tới Mỹ.

Chủ tịch đội bóng muốn tạo thêm động lực cho các cầu thủ ở mùa giải 1983-84. “Ông ấy vào phòng thay đồ sau nửa đầu mùa giải và nói: Các cậu, nếu các cậu kết thúc mùa bóng trong tốp 10, tôi sẽ mời các cậu tới Miami 10 ngày, vì tôi có nhà ở Fort Lauderdale, tôi cũng sẽ trả cả tiền khách sạn”, Klinsmann nhớ lại với một nụ cười. “Mùa đó chúng tôi đứng thứ 8”.

Giấc mơ Mỹ

Là con trai của một thợ làm bánh, Klinsmann đã sốc khi tới Florida đầy nắng ấm. “Chúng tôi được đi du thuyền trên biển và tôi nói: Trời đất, mình không hề biết là hành tinh này có tồn tại. Chúng tôi đã trải qua 10 ngày tiệc tùng thích thú”. Ngay khi về nhà, Klinsmann thu xếp thêm một chuyến đi Mỹ với một đồng đội. Ông tới thăm New York và Chicago, rồi đi California, nơi người anh của ông có vài người bạn.

“Đó là khởi đầu cho hành trình nước Mỹ của tôi”, Klinsmann nói. “Tôi không ngờ rằng nhiều, nhiều năm sau đó, tôi gặp một cô gái California ở châu Âu”. Giờ thì Klinsmann đang dẫn dắt ĐT Mỹ ở World Cup, cố gắng truyền tải cho quốc gia đã nhận nuôi ông những kiến thức mà ông đã trải nghiệm khi còn là một tiền đạo ngôi sao trong gần 2 thập kỷ. Klinsmann sẽ bước sang tuổi 50 vào ngày 30/7 và đã sống 1/3 cuộc đời ở Mỹ.

Khi treo giày vào cuối năm 1998, Klinsmann chuyển tới sống ở quận Cam với vợ, cựu người mẫu Debbie Chin. Ông kế nhiệm Bob Bradley vào tháng 7/2011, sau khi đội Mỹ gặp nhiều khó khăn ở Gold Cup. Ngay cả khi làm HLV ĐT Đức từ năm 2004 tới World Cup 2006, Klinsmann vẫn đi lại làm việc với khoảng cách 9 múi giờ. Ông chỉ buộc phải chuyển nhà trong 1 năm rưỡi dẫn dắt Bayern Munich 2008-2009.

Sự riêng tư cần thiết

Ở World Cup 2006, truyền thông tràn ngập tiệm bánh của gia đình ông để săn tin. Klinsmann không thích điều đó. “Nếu sống ở Đức, ông ấy sẽ không có được sự riêng tư như ở Mỹ, và tôi cho rằng điều đó rất quan trọng với ông ấy và gia đình”, trợ lý HLV ĐT Mỹ Andi Herzog nói. Ở Mỹ, Klinsmann bị coi là một người Đức. Còn ở Đức, người ta nghĩ ông là người Mỹ. Khi còn là cầu thủ, ông lái một chiếc Volkswagen Beetle đời 1967 với mui có thể gấp mở và một miếng dán hình chú chó Snoopy đang treo thuyền với dòng chữ: “Ist es noch weit bis Amerika?” (Tới Mỹ còn xa không không?)

“Anh ấy là một người Đức hơn là người Mỹ”, cựu HLV Die Mannschaft Berti Vogts nói. Vogts hiện đang là trợ lý đặc biệt của ĐT Mỹ: “Juergen luôn suy nghĩ tích cực, theo kiểu người Mỹ”. Ở Bayern, Klinsmann bị Chủ tịch Uli Hoeness chỉ trích vì hướng dẫn chiến thuật bằng PowerPoint với các phần mềm hiện đại qua một công ty công nghệ ở Arizona. Klinsmann thuê các trợ lý không phải người Đức và chỉ định Mark van Bommel làm đội trưởng người nước ngoài đầu tiên của Bayern. Cựu HLV ĐT Mỹ Bruce Arena gọi ông là một người tư duy hiện đại “không chấp nhận lặp lại những gì trong quá khứ”.

Đã gắn bó với bóng đá Mỹ một thời gian dài, Klinsmann hiểu bóng đá còn gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh với bóng bầu dục, bóng rổ và bóng chày trong việc thu hút những cầu thủ giỏi nhất. Theo Klinsmann, các cầu thủ bóng đá Mỹ còn chưa thể vươn tới đỉnh cao là do họ thiếu “một yêu cầu lớn hơn trong trách nhiệm với các CĐV và giới truyền thông mỗi ngày”.

Klinsmann cũng nghĩ bây giờ mới là thời điểm thích hợp để ông đến với tuyển Mỹ. Một thập kỷ trước, bóng đá Mỹ có thể chưa sẵn sàng chào đón một người như ông. “Tuyển Mỹ giờ có những phẩm chất cần thiết để chiến đấu ở trình độ cao hơn”, ông nói. “Chúng tôi sẵn sàng hơn cho những giải đấu lớn, và có một đội bóng tuyệt vời”.

Trần Trọng (theo FoxSport)
Thể thao & Văn hóa

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...