Vượt mốc 250 tỷ đồng, 'Nhà bà Nữ' của Trấn Thành vẫn không ngừng gây tranh cãi
Nhà bà Nữ vượt mốc doanh thu 250 tỷ đồng sau 8 ngày công chiếu. Hiện phim vẫn là chủ để gây bàn luận trong công chúng.
Ra rạp ngày mùng 1 Tết Nguyên đán 2023, Nhà bà Nữ thu 250 tỷ đồng (2.800.000 vé) sau 8 ngày công chiếu. Tác phẩm cũng lập cột mốc là phim Việt có doanh thu một ngày cao kỷ lục (35 tỷ đồng), đồng thời có suất chiếu trong ngày cao nhất mọi thời (hơn 4.500 suất trên toàn quốc).
Không chỉ "gây bão" ngoài rạp, phim Nhà bà Nữ do Trấn Thành đạo diễn còn trở thành tâm điểm gây tranh luận trong giới chuyên môn và khán giả.
Nhà bà Nữ là bước lùi của Trấn Thành sau Bố già?
Năm 2021, phim Bố già đạt mốc doanh thu 400 tỷ đồng sau 1 tháng công chiếu. Thành công của Bố già trở thành cột mốc đáng nhớ của phim Việt. Với tác phẩm mới, Trấn Thành là đạo diễn kiêm biên kịch và diễn viên. Anh phải vượt qua kỷ lục của Bố già - tác phẩm của chính mình trước đó.
Khi ra mắt, Nhà bà Nữ ngay lập tức được so sánh với Bố già. Có ý kiến cho rằng Nhà bà Nữ là "bước lùi" của Trấn Thành so với Bố già. Ngược lại, nhiều người cho rằng, Nhà bà Nữ hay hơn Bố già. Cũng có người gọi Nhà bà Nữ là "phiên bản nữ" của Bố già bởi hai phim cùng khai thác đề tài gia đình với những khác biệt giữa các thế hệ.
Một khán giả bình luận: "Nhà bà Nữ rất hay nhưng nó chỉ khiến chúng ta bật khóc khi thấy bản thân mình trong đó. Và tôi đã khóc... Từ phim đầu tới phim hai, Trấn Thành lên tay rõ rệt. Sự nhạy cảm với cuộc sống của Trấn Thành chính là vũ khí lợi hại nhất để Trấn Thành làm ra một bộ phim quá tốt".
"Hồi Bố già cho đến bây giờ là Nhà bà Nữ, phim Trấn Thành đúng chất "đời" luôn. Ai xem phim cũng sẽ thấy thấp thoáng hình bóng mình và nhà hàng xóm trong đó qua những câu thoại bộc phát, rất thật, đời thường" - một khán giả khác bình luận.
Nhiều khán giả cùng quan điểm, Nhà bà Nữ khác với Bố già ở chỗ, xem phim họ nhận ra những bài học ý nghĩa trong quá trình tìm hiểu, yêu đương.
Bạn Nguyễn Thắng viết: "Khác hẳn với Bố già chia sẻ đậm nét về tình cảm cha con, bộ phim Nhà bà nữ lần này mang đến cho khán giả đặc biệt là những bạn trẻ đang trong quá trình tìm hiểu, yêu đương trong 1 mối quan hệ tình cảm và những khúc mắc trong mối quan hệ gia đình, khi mỗi người có cái tôi rất lớn và khó có thể cảm thông, chia sẻ cùng nhau.
"Sau khi xem phim xong thật sự thấy tình yêu không phải màu hồng... Chúng ta là những đứa trẻ, khao khát yêu và được yêu. Khao khát sự dịu dàng từ đời lẫn tình cảm.
Trong tình yêu sợ nhất là không ai đúng ai sai. Chúng ta khác nhau ở góc nhìn, không cảm thông cho đối phương để rồi dần xa nhau... Chúng ta đều nghĩ mình là nạn nhân, đề cao cái tôi chính mình để rồi sự im lặng dần đẩy chúng ta xa nhau.
Tình yêu là đều kiện xây dựng mối quan hệ hạnh phúc. Nhưng cần thấu hiểu, tôn trọng, lắng nghe mới có thể duy trì được điều đó" - bạn Hà Dương dẫn những lời thoại trong phim và rút ra những bài học cho riêng mình.
Nhà bà Nữ chửi quá nhiều, dở hay... "đời"?
Một vấn đề gây nhiều tranh cãi trong Nhà bà Nữ chính là lời thoại của các nhân vật. Một số khán giả cho rằng họ cảm thấy "mệt mỏi" khi thưởng thức phim vì liên tiếp phải... nghe chửi với âm lượng lớn.
Trên diễn đàn phim ảnh, khán giả bình luận: "Mặc dù những chi tiết cãi lộn, chửi thề tạo độ chân thật cho phim, nhưng tần suất như vậy là quá nhiều, có lúc không cần thiết nhưng khán giả vẫn phải nghe chửi".
Nhà văn Phan Ý Yên đánh giá, Nhà bà Nữ không phải là một bộ phim dở của điện ảnh Việt, nhưng lại là "phim dở của Trấn Thành". Bởi cô cho rằng tác phẩm "quá nhiều sự la hét, thiếu đi khoảng lặng đủ sâu sắc, đủ thâm trầm".
"La hét cũng được thôi, nhưng có thể vì giải quyết vấn đề trong phim không tương xứng với sự la hét nên thành ra khán giả ra rạp chỉ ám ảnh mỗi chuyện la hét đó" - nhà văn viết trên trang cá nhân.
Ngược lại, một bộ phận khán giả vẫn cho rằng "chất" đặc trưng trong phim Trấn Thành là sự bình dân, thể hiện qua lời ăn tiếng nói không cần hoa mỹ, sát với đa số cuộc sống gia đình hiện nay. Họ cho rằng, khi cha mẹ nóng giận thường không thể nói ngọt ngào với con cái.
Nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm cho rằng, yếu tố lớn nhất làm nên thành công về doanh thu cho Nhà bà Nữ chính là việc Trấn Thành đã khai thác được những chất liệu bình dân của đời sống xã hội Việt Nam đương đại.
Anh viết trên trang cá nhân: "Cả Bố già và Nhà bà Nữ đều phơi bày ra một thực trạng của rất nhiều gia đình Việt Nam hiện tại, đặc biệt là tầng lớp thị dân: Bố mẹ áp đặt con cái, áp đặt không được thì chửi "tao đẻ mày ra", "trứng mà đòi khôn hơn vịt", "thương cho roi cho vọt".... Vợ chồng thì quen hơi bén mùi, xong là mất hết "tương kính như tân", xưng "tao", "mày" búa xua...".
Bên cạnh những tranh luận về nội dung, Nhà bà Nữ cũng gây bàn cãi cả về diễn xuất của dàn diễn viên chính như Lê Giang, Uyển Ân hay diễn viên phụ như Trấn Thành, Lê Dương Bảo Lâm...