Vượt mặt tử thần qua sa mạc Sahara
Sáng sớm hôm sau
… Mauro mở mắt, người yếu hơn hôm qua, nhưng vẫn sống. Thiên nhiên đã xổ toẹt mọi tính toán tuyệt vọng: do thiếu nước trầm trọng nên máu anh quá đặc, không đủ sức ứa ra khỏi vết cắt. Anh lồm cồm bò dậy, khoác ba lô đi khỏi nhà nguyện và bắt đầu lần nữa cuộc chiến chống lại thần chết.
Và anh sẽ còn phải lạc lối nhiều ngày nữa qua sa mạc Sahara nóng như đổ lửa. Mãi đến 23/4/1994, mười ngày kể từ khi bão cát vùi lấp các ngọn cờ đánh dấu đường chạy, Mauro may mắn gặp một đoàn du mục. Những người đàn bà trùm mạng kín mít đổ sữa dê vào miệng anh cho đến khi anh tương đối hồi phục rồi gửi anh vào một trại lính. Mauro thoát chết.
Cuộc hành hạ đắt đỏ: Lệ phí tham dự Marathon Des Sables khoảng 3.000 euro. Năm 1994, khi Mauro xuất phát, anh có 132 bạn đồng hành. Năm nay con số đó vượt ngưỡng 800
Năm nay VĐV Mauro Prosperi lại tham dự cuộc Marathon Des Sables. Cảnh sát Italy được về hưu sớm nên anh nhận thêm nghề HLV thể thao để cải thiện đồng lương hưu. Nhưng tại sao anh liên tục mò vào địa ngục trần gian ở Sahara, nơi cách đây hai chục năm thiếu chút nữa phải trả giá bằng mạng sống của mình? “Sa mạc đã phù phép cảm hóa tôi. Tôi không thể làm gì khác là liên tục tìm cách chạy cùng. Cuộc đời tôi đồng nghĩa với chạy marathon”.
Mauro lên 8
… khi lần đầu tham gia thi đấu năm môn phối hợp hiện đại (bắn súng, đấu kiếm, cưỡi ngựa, chạy, bơi). Cha anh, một công nhân bình thường, ủng hộ hết sức vì mong con thành công hơn mình. 1984 anh được theo đội tuyển năm môn phối hợp của Italy đến Olympic mùa Hè ở Los Angeles, tuy chỉ ở vị trí dự bị. Đội của anh giật huy chương vàng. “Sau khi rời đấu trường chuyên nghiệp, tôi buồn quá, phải tìm thách thức mới”, Mauro tâm sự. Trong một tạp chí thể thao anh đọc được tin về một trong những cuộc marathon gian khó nhất thế giới: Marathon Des Sables, do một người Pháp là Patrick Bauer tổ chức từ 1986 trong sa mạc Sahara thuộc Maroc. Những người tham gia phải chạy hơn 200 cây số chia làm nhiều chặng trong 7 ngày giữa trời nóng đến 50 độ C. Họ phải tự mang đồ ăn và nồi niêu trong ba lô, chỉ nhận được lều ngủ đêm và nước từ BTC.
Ba chặng đầu suôn sẻ: trong số 133 VĐV rời vạch xuất phát, Prosperi leo dần lên hạng 7. Chặng thứ tư, cũng là chặng khốc liệt nhất với 80 cây số, cũng bắt đầu thuận lợi.
Đúng 13 giờ Mauro cán vạch 30 km, băng bó chỗ bị rộp ở chân, xin một chai nước rồi chạy tiếp. Vài phút sau, một trận bão cát nổi lên mù mịt. “Cát đâm như đinh vào mồm, mũi, mắt tôi”, anh nhớ lại. Mauro quấn khăn quanh đầu rồi chạy tiếp, không muốn tụt khỏi vị trí hiện tại. Và chính sự cứng đầu ấy bắt anh trả giá. Trong khi các VĐV khác nghỉ tránh bão và đợi cứu viện theo quy định, Prosperi lạc lối trong sa mạc.
Mauro, 2 ngày trước khi lạc trong sa mạc
Sáu tiếng sau
… trời quang trở lại. Và Mauro không tìm được cây cờ nào đánh dấu đường chạy. “Tôi vẫn chạy tiếp và biết là không bao giờ được mất hy vọng”. Thức ăn và nước đã hết. Mauro đi tiểu vào chai. “Tôi nhớ lời ông nội kể về Thế chiến I. Để khỏi chết khát, lính phải uống nước tiểu của mình. Đó là cơ may duy nhất của tôi”. Ngày hôm sau, khoảng 17 giờ, một chiếc trực thăng quân sự của Maroc bay trên đầu anh. Mauro nhìn thấy cả mũ sắt của viên phi công. Anh bắn một phát pháo hiệu, “nhưng có lẽ phi công bị lóa do ngược nắng nên lại bay đi mất”.
Ngày hôm sau thì Mauro đã hoàn toàn tuyệt vọng. “Tôi thấy giữa sa mạc một nhà nguyện đổ nát của người Hồi giáo và biết đây sẽ là mộ mình. Tôi tin là ở đây người ta sẽ dễ tìm được xác tôi hơn là ngoài cát. Và tìm được xác tôi thì vợ tôi sẽ được hưởng một phần lương hưu của tôi mà không phải đợi điều tra lâu la như trong trường hợp những người mất tích”. Cú tự sát bất thành, và Mauro coi đó là dấu hiệu bắt mình phải sống.
Trong nhà nguyện, Mauro vồ được hai con dơi và hút hết máu của chúng. Rắn, thằn lằn và sâu bọ tạo ra thực đơn trong những ngày kế tiếp. Ban ngày anh ngồi trong bóng các cồn cát, lấy sức để đi tiếp trong đêm, “luôn dõi tìm bóng mây” như được một thổ dân khuyên trước khi xuất phát. Mây trên sa mạc nghĩa là có thực vật, và có nước, rất có thể có người!
Ngôi mộ từ chối Mauro trong Sahara
Để được lực lượng cứu hộ nhìn thấy
… Mauro đốt túi ngủ để tạo khói. Anh xếp các hộp sắt trên đỉnh cồn cát với hy vọng chúng sẽ phản chiếu ánh Mặt trời. Vô ích. Một chiếc máy bay loại nhẹ bay qua vào ngày thứ sáu mà không nhìn thấy Mauro. “Tôi chấp nhận hoàn cảnh, tôi thấu hiểu sa mạc, để khỏi loạn óc, đêm đến là tôi đối thoại trong tâm tưởng với vợ và các con gái, với các bạn tôi”, Mauro kể lại. Ngày thứ tám Mauro tìm được một vũng bùn, hấp tấp uống cạn chỗ chất lỏng hôi thối và bị một cơn đau thắt dạ dày làm ngất đi.
Đám mây đầu tiên xuất hiện vào ngày 23/4. Với sức lực cuối cùng, Mauro bò về hướng đó và nhìn thấy một bầy lạc đà từ xa…
“Khi họ trao tôi cho bên quân sự, tôi bị nghi là gián điệp. Sau đó tôi được chở xe hai ngày ròng đến một viện quân y ở Tindouf (Algeria). Tôi gọi điện về nhà và hỏi đã xong đám ma tôi chưa”.
Robinson Crusoe của Sahara, như báo chí Italy đặt tên cho Mauro, cần đúng một năm để phục sức. Năm 1996 anh lại ghi tên chạy Marathon Des Sables. Năm 2002 anh là người thứ 13 về đích.
Ước mơ của viên cựu sĩ quan cảnh sát: chạy từ bờ Đại Tây Dương đến Hồng Hải. 7.000 cây số. Mauro đã sẵn sàng, chỉ còn đợi một nhà tài trợ. “Tôi yêu thiên nhiên hơn xưa, và sẽ làm tất cả để được gần gũi nó như có thể!”.
Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần