Vườn Quốc gia Bạch Mã nhân giống thành công 2 loài cây quý
Để phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, chỉ tính từ năm 2014 đến nay, Vườn Quốc gia Bạch Mã đã triển khai thực hiện các công trình lâm sinh như trồng cây phục hồi sinh thái trên diện tích 28 ha, chăm sóc 29 ha rừng trồng sưu tập thực tập và 105 ha rừng phục hồi sinh thái. Vườn cũng đã thu được 153 tiêu bản của 53 loài thực vật và nghiên cứu thử nghiệm nhân giống thành công 2 loài cây đỉnh tùng và Sa mộc.
Bên cạnh đó Vườn Quốc gia Bạch Mã còn phối hợp với một số tổ chức thực hiện nhiều đề tài khác như bảo tồn các loài cây và cây thuốc nguy cấp quý hiếm; trồng thực nghiệm cây ươi; nghiên cứu về côn trùng; … các đề tài nghiên cứu đã gắn kết chặt chẽ giữa bảo tồn và phát triển, có hàm lượng khoa học cao; tập hợp được nhiều thông tin khoa học hữu ích, làm cơ sở cho hoạt động nghiên cứu và bảo tồn đa dạng sinh học.
Giám đốc Vườn Quốc gia Bạch Mã Huỳnh Văn Kéo cho biết: Trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, Vườn Quốc gia Bạch Mã đã tổ chức tuần tra hơn 200 đợt, truy quét và xử lý 30 vụ vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng.
Vườn phối hợp truy cứu trách nhiệm hình sự đối với 1 vụ khai thác rừng trái phép tại xã Hương Phú, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế và tiếp tục hỗ trợ các cơ quan chức năng xử lý một vụ hành hung người dân nhận khoán bảo vệ rừng tại huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam. Vườn cũng đã thực hiện tốt việc cắm mốc ranh giới và đẩy mạnh công tác phòng cháy chữa cháy rừng, nên măn 2014 không để vụ cháy rừng nào xảy ra.
Về du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, năm 2014 Vườn đã đón hơn 13.000 lượt khách đến tham quan tại Bạch Mã và hơn 100.000 khách đến tham quan tại các điểm du lịch cộng đồng như thác Thủy Điện và hồ Truồi. Bên cạnh đó, Vườn còn xây dựng mô hình cafe bảo tồn, lộ trình giải trí trên không tại rừng Chò đen và hoàn thiện, nâng cấp trung tâm diễn giải môi trường để tăng cường hoạt động du lịch.
Vườn Quốc gia Bạch Mã còn thực hiện hỗ trợ sinh kế cho người dân vùng đệm từ các chính sách như chi trả dịch vụ môi trường rừng, đầu tư phát triển vùng đệm, chia sẻ lợi ích, đồng quản lý rừng đặc dụng đã góp phần cải thiện đời sống và nâng cao sự đồng quản lý, bảo vệ rừng của người dân trong vùng; đẩy mạnh công tác giáo dục môi trường, nâng cao nhận thức cho người dân thông qua các hoạt động như phát thanh, tuyên truyền lưu động, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu và bảo vệ rừng cho học sinh…
Năm 2015, Vườn Quốc gia Bạch Mã tập trung hơn nữa cho công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học bằng các biện pháp như tuần tra kiểm soát rừng, thực thi pháp luật theo chương trình quản lý rừng theo tiểu khu; đẩy mạnh công tác lâm sinh, thành lập trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật rừng; tăng cường công tác giáo dục môi trường, hỗ trợ sinh kế cho người dân vùng đệm.
Vườn Quốc gia Bạch Mã phối hợp với Hạt kiểm lâm huyện Nam Đông tăng cường chỉ đạo các trạm kiểm lâm, đặc biệt là các trạm chốt chặn các điểm xung yếu như La Hy, Dốc Kiền… ngăn chặn không để lâm tặc buôn bán động vật và khai thác gỗ trái phép, bảo vệ tốt rừng Vườn Quốc gia Bạch Mã...