Vụ xâm hại Văn Miếu: Không gian Hồ Văn đang bị bỏ quên
(Thethaovanhoa.vn) - Vụ việc dựng điện thờ trái phép tại gò Kim Châu (Hồ Văn) chỉ là bề nổi của một thực trạng đáng lo ngại: một phần không gian đặc biệt quan trọng của quần thể Văn Miếu – Quốc Tử Giám đang bị bỏ quên vì chưa được đầu tư xứng tầm.
- Vụ Văn Miếu bị xâm hại: một phần Quốc Tử Giám đang bị 'bỏ quên'
- Hà Nội: Xử lý triệt để tình trạng xây dựng trái phép tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Du khách không biết có... Hồ Văn
Trong quá khứ, cũng phải tới năm 1999 Hồ Văn mới được chuyển về Ban quản lý khu Văn Miếu Quốc Tử Giám để sáp nhập vào cụm di tích này. Trước đó, khu vực này thuộc quyền quản lý của quận Đống Đa nên được coi như một khu vui chơi công cộng với đủ các hoạt động thể dục, kinh doanh. Những kết quả từ sự quản lý lỏng lẻo đã khiến không gian quanh hồ bị thu hẹp bởi sự lấn chiếm của các hộ dân xung quanh.
Vậy nhưng, trong các tư liệu ghi lại, Hồ Văn từng được coi là một “tiểu minh đường” của Văn Miếu. Theo đó,diện tích của hồ rộng gần gấp đôi so với hiện tại. Trên gò Kim Châu giữa hồ là nơi dựng Phán thủy đường, thường được sử dụng làm không gian diễn ra các buổi bình văn, bình thơ của nho sĩ đất kinh kỳ.
Nhìn từ trên cao, Hồ Văn đang bị quây kín bởi các nhà dân. Ảnh: zing.vn
Để bảo vệ Hồ Văn, một lớp tường gạch bao quanh hồ kèm theo cổng ra vào đã được xây dựng. Đặc biệt, năm 2009, chuẩn bị cho Đại lễ Ngàn năm Thăng Long - Hà Nội, phần nước tại hồ đã bước đầu được làm sạch bằng công nghệ LTH – 100, chấm dứt tình trạng ô nhiễm như trước.
Tuy nhiên, tình trạng bị thu hẹp đáng kể của mặt hồ, cộng cùng luồng giao thông luôn quá tải trên trục phố Quốc Tử Giám, đã dẫn tới thực tế một thực tế: hầu hết du khách tới đây đều chỉ ghé thăm khu vực Nội tự rồi… ra về.
Được biết, đã có ý kiến đề xuất nên làm một cầu bộ hành trên cao, nối từ khu Nội tự sang Hồ Văn. Tuy nhiên, ý tưởng này bị cho là không khả thi, bởi dù có sang phía hồ, du khách cũng không có hoạt động gì để tham dự.
Nên xây nhà bát giác, cầu đá… trên Hồ Văn?
Ở thời điểm năm 2013, một cuộc tọa đàm đã được tổ chức để bàn về việc trùng tu tôn tạo không gian của quần thể Văn Miếu. Và nhiều ý kiến liên quan tới trường hợp của Hồ Văn cũng được đưa ra.
Cụ thể, TS Đặng Kim Ngọc – nguyên Giám đốc Trung tâm Văn Miếu Quốc Tử Giám đề xuất cải tạo đảo Kim Châu, nằm trong khu vực Hồ Văn và xây nhà bát giác làm chỗ họp mặt của các văn sĩ. Hai chiếc cầu đá cũng sẽ được xây dựng để nối đảo Kim Châu với bờ với hình thức “văn kiều” (nhịp cầu của nghề văn), theo đó nhiều điển cố Nho học, các giai thoại văn học nổi tiếng của Việt Nam sẽ được trang trí trên thành cầu.
Cổng ra vào Hồ Văn hiện đang bị phong tỏa sau vụ việc tại gò Kim Châu
Ngoài ra, một số bia đá có trích dẫn các bài thơ, phú, văn nổi tiếng cũng sẽ được dựng quanh hồ để “tạo hồn” cho không gian này.
Mạnh dạn hơn, GS-KTS Hoàng Đạo Kính đề nghị Trung tâm Văn Miếu - Quốc Tử Giám nên xin tiếp tục giải tỏa các hộ dân quanh khu vực Hồ Văn, để mở rộng chiều ngang và chiều sâu của không gian này và có phương án giảm dòng xe cộ lưu thông qua con đường cạnh Văn Miếu nhằm tạo cảnh quan phù hợp với di tích.
Rõ ràng, nếu làm được như vậy, Hồ Văn sẽ hài hòa với không gian của vườn Giám, khu Nội tự của di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám. Thế nhưng, nguồn kinh phí quá lớn để giải tỏa các hộ dân tại chỗ rõ ràng là một trở ngại đặc biệt với ý tưởng này.
Do vậy, trong 2 năm gần đây, Hồ Văn mới chỉ rộn ràng vào dịp Tết, khi trở thành “phố ông đồ” sau khi chuyển hoạt động xin chữ, cho chữ từ phía Văn Miếu vào khu vực này. Còn xa hơn, theo ông Lê Xuân Kiều, Giám đốc Trung tâm Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội, quy hoạch tổng thể của không gian Văn Miếu (rộng 45.000m2) sẽ phải khảo sát, nghiên cứu lại. Trên cơ sở bàn bạc, các giải pháp cụ thể cho việc bảo tồn khu vực Hồ Văn sẽ dần được đưa ra.
Bởi vậy, trong bối cảnh ấy, việc xây dựng trái phép điện thờ tại khu vực gò Kim Châu vừa qua đang gây bức xúc lớn cho giới nghiên cứu. “Cái gì không thuộc về lịch sử văn hóa của di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám thì không thể để tồn tại. Và nếu ta cứ chiều theo nhu cầu mê tín của người dân mà duy trì, thì hậu quả sẽ tệ hại vô cùng. Cần nhắc lại, trong quá khứ, sự tồn tại nhiều năm của “miếu hai cô” tại ngã tư Tôn Đức Thắng, Nguyễn Thái Học đã đủ là bài học cho Văn Miếu Quốc Tử Giám về sự nguy hiểm của những thứ mọc lên từ sự mê tín tại các di sản văn hóa” – GS Trần Lâm Biền nhận xét.
Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa