Vụ Việt Á: Các bị cáo thông đồng cấu kết tham nhũng
Tại phiên tòa xét xử 38 bị cáo trong vụ án Việt Á, đại diện Viện Kiểm sát đã khẳng định đây là vụ án điển hình cho "lợi ích nhóm", "nhóm lợi ích" và "thông đồng cấu kết tham nhũng có hệ thống".
Đó là sự cấu kết, thông đồng giữa doanh nghiệp với người có thẩm quyền, vì lợi ích vật chất đã thực hiện trái quy định của pháp luật, tạo điều kiện để doanh nghiệp trục lợi, gây thiệt hại cho Nhà nước với hậu quả đặc biệt nghiêm trọng... Hành vi của các bị cáo trong vụ án còn xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức và cá nhân, làm cho một bộ phận cán bộ, công chức bị thoái hóa biến chất, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
*Chuỗi sai phạm biến sản phẩm của Nhà nước thành của Việt Á
Công tố viên nhấn mạnh, trong bối cảnh COVID-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu, với tốc độ lây lan nhanh, nguy hiểm, gây thiệt hại nặng nề đến tính mạng, sức khỏe của người dân Việt Nam nói riêng và toàn thế giới nói chung. Nhà nước, Chính phủ và nhân dân đang phải nỗ lực, gồng mình để chống chọi, hạn chế lây lan, ngăn ngừa dịch bệnh thì một bộ phận lãnh đạo cấp cao tại các bộ, ngành Trung ương và địa phương đã cấu kết thông đồng với doanh nghiệp lợi dụng tình hình dịch bệnh để hưởng lợi ích nhóm, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho tài sản Nhà nước. Cụ thể là các bị cáo đã giúp Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) được phối hợp tham gia thực hiện Đề tài nghiên cứu cấp Quốc gia về test xét nghiệm COVID-19 do Bộ Khoa học và Công nghệ đại diện chủ sở hữu. Sau đó, bằng nhiều thủ đoạn, các bị cáo thực hiện chuỗi hành vi sai phạm, biến test xét nghiệm từ sản phẩm nghiên cứu của Đề tài thuộc sở hữu của Nhà nước thành sản phẩm thuộc sở hữu của Công ty Việt Á, sản xuất, bán thương mại trái phép trên cả nước với giá đã được nâng khống, thu lời bất chính đặc biệt lớn.
Sau khi hợp thức hóa việc phối hợp cùng Học viện Quân y thực hiện Đề tài nghiên cứu chế tạo test xét nghiệm trái pháp luật, Phan Quốc Việt (Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) tiếp tục thực hiện kế hoạch biến test xét nghiệm từ sản phẩm thuộc sở hữu của Nhà nước thành sản phẩm thuộc sở hữu của Công ty Việt Á thông qua một loạt hành vi: giúp Công ty Việt Á được kiểm định test xét nghiệm; được nghiệm thu giai đoạn 1 của Đề tài để lập hồ sơ gửi Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành tạm thời, chính thức; tặng Bằng khen đánh bóng hình ảnh, thương hiệu cho test xét nghiệm; cấu kết với các bị cáo thuộc Bộ Y tế để được hiệp thương theo giá đã được nâng khống, chậm kiểm tra giá hiệp thương để tạo mặt bằng giá test xét nghiệm; giới thiệu với các lãnh đạo tỉnh, thành phố để bán thương mại test xét nghiệm thu lời bất chính…
* Ngân sách Nhà nước phải mua test xét nghiệm giá nâng khống
Trong vụ án này, bị cáo Chu Ngọc Anh với vai trò khi đó là Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ là đại diện chủ sở hữu Nhà nước kết quả nghiên cứu Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Quốc gia theo quy định của pháp luật; Phạm Công Tạc là Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ được Bộ trưởng phân công phụ trách lĩnh vực khoa học và công nghệ, được giao trực tiếp theo dõi, quản lý, tổ chức thực hiện Đề tài nghiên cứu test xét nghiệm. Cả hai bị cáo đều biết rõ Đề tài thuộc quyền sở hữu Nhà nước nhưng khi Trịnh Thanh Hùng ( khi đó là Phó Vụ trưởng, Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành Kinh tế - kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ) tham mưu, Chu Ngọc Anh vẫn ký các Quyết định giao Công ty Việt Á là đơn vị phối hợp nghiên cứu Đề tài, Phạm Công Tạc đã ký Quyết định thành lập Hội đồng nghiệm thu giai đoạn 1 Đề tài trái quy định để Công ty Việt Á sử dụng biên bản nghiệm thu, lập hồ sơ đăng ký và được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành test xét nghiệm trái quy định của pháp luật, để Công ty Việt Á sản xuất, tiêu thụ, thu lời bất chính.
Ngoài ra, hai bị cáo Chu Ngọc Anh và Phạm Công Tạc còn thực hiện hành vi sai phạm trong việc khen thưởng; hỗ trợ truyền thông về kết quả nghiên cứu và cấp số lưu hành test xét nghiệm; quảng bá, đánh bóng hình ảnh, thương hiệu cho Công ty Việt Á, tạo điều kiện để Công ty Việt Á biến test xét nghiệm từ sản phẩm nghiên cứu thuộc sở hữu Nhà nước thành sản phẩm thương mại thuộc sở hữu của Công ty Việt Á, gây thất thoát 18,98 tỷ đồng ngân sách Nhà nước. Chu Ngọc Anh được Việt đưa cảm ơn 200.000 USD (tương đương 4,6 tỷ đồng); Phạm Công Tạc được Việt đưa cảm ơn 50.000 USD (tương đương hơn 1,1 tỷ đồng).
Viện Kiểm sát xác định, hành vi sai phạm của hai bị cáo Chu Ngọc Anh và Phạm Công Tạc với vai trò đồng phạm, đã xâm phạm vào hoạt động đúng đắn của Cơ quan quản lý Nhà nước về kết quả nghiên cứu Đề tài khoa học cấp Quốc gia, gây ảnh hưởng xấu đến dư luận và suy giảm niềm tin trong nhân dân, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, trong bối cảnh dịch bệnh đang bùng phát mạnh, nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của nhân dân, sản phẩm từ kết quả nghiên cứu cấp Quốc gia bị chiếm dụng, Ngân sách Nhà nước phải chi tiền với giá test xét nghiệm nâng khống để mua sản phẩm trong khi sản phẩm đề tài phải được Nhà nước chuyển giao, sản xuất với giá thành hợp lý. Viện Kiểm sát khẳng định đủ căn cứ xác định hành vi của Chu Ngọc Anh, Phạm Công Tạc phạm vào tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Quá trình điều tra và tại phiên tòa, hai bị cáo đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội, ăn năn hối cải; tích cực hợp tác với cơ quan điều tra làm rõ bản chất vụ án, đã tác động gia đình nộp tiền để khắc phục hậu quả…
Phạm Công Tạc thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội song chỉ khai nhận của Phan Quốc Việt 100 triệu đồng, nhưng căn cứ vào lời khai của Phan Quốc Việt, Trịnh Thanh Hùng, Vũ Đình Hiệp (Phó Tổng Giám đốc Công ty Việt Á), dữ liệu điện tử, sao kê tài khoản ngân hàng của Việt, kết quả thực nghiệm điều tra và các tài liệu chứng cứ khác thấy đủ cơ sở xác định Phạm Công Tạc nhận của Phan Quốc Việt 50.000 USD.