Vụ Việt Á: Bộ Công an đã thu hồi, phong tỏa hơn 1.600 tỷ đồng
(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 3/3, tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2, lãnh đạo các bộ, ngành đã thông tin về một số vấn đề mà dư luận và báo chí quan tâm, trong đó có việc quản lý giá kit xét nghiệm COVID-19, vấn đề tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi và tiến độ điều tra vụ kit xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á.
Còn sớm để coi COVID-19 như bệnh cúm mùa
Về vấn đề số ca F0 tăng cao trong những ngày qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, một nguyên nhân là do biến chủng Omicron có tốc độ lây lan gấp nhiều lần chủng cũ. Bên cạnh đó, tỷ lệ bao phủ vaccine đạt mức cao cũng khiến một bộ phận người dân có tư tưởng chủ quan trong công tác phòng dịch COVID-19, không tuân thủ đầy đủ các quy định về 5K, nhất là khi nhiều hoạt động đã mở cửa trở lại. Thứ trưởng Bộ Y tế cũng dẫn nhận định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về việc dự báo trong năm 2022 tình hình dịch vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, biến chủng Omicron tiếp tục lây lan nhanh và quá sớm khi thời điểm này đã coi COVID-19 như bệnh cúm mùa; đồng thời cho rằng người dân cần tiếp tục tuân thủ chặt chẽ các giải pháp về phòng, chống dịch để hạn chế tình trạng gia tăng số ca mắc COVID-19.
Trước tình hình số ca F0 tăng cao, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị các địa phương cần căn cứ vào việc đánh giá cấp độ dịch để tổ chức các hoạt động như mở lại trường học, du lịch, các hoạt động kinh tế...; tham gia tích cực vào công tác tiêm chủng vaccine và phòng, chống dịch COVID-19; tuyên truyền nâng cao ý thức để người dân tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế về việc dùng thuốc trong điều trị.
Về việc giá kit xét nghiệm tăng, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhận định, đây là do giữa cung và cầu bởi khi xuất hiện biến chủng Omicron với tốc độ lây lan nhanh, nhu cầu của người dân tăng lên, trong khi đó nguồn cung chưa đáp ứng được. Ngay khi nhận được thông tin về biến động giá kit xét nghiệm, Bộ Y tế đã chủ động họp với các bộ, ngành liên quan trong đó có Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương để bàn về việc này; đồng thời cũng họp bàn với gần 100 doanh nghiệp được Bộ Y tế cấp phép cung cấp kit xét nghiệm COVID-19. Bộ Y tế cũng có công văn gửi UBND các tỉnh để tăng cường triển khai công tác kiểm tra, giám sát để tránh tình trạng găm hàng, nâng giá và thực hiện không đúng.
Theo ông Đỗ Xuân Tuyên, Bộ Y tế đã yêu cầu doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện công khai giá bán buôn, giá bán lẻ trên Cổng Thông tin của Bộ Y tế; bên cạnh đó các doanh nghiệp phải yêu cầu đại lý thứ cấp của mình như các quầy thuốc, hiệu thuốc thực hiện niêm yết giá bán lẻ. "Những cơ sở nào không niêm yết giá thì đề nghị doanh nghiệp không tiếp tục cung cấp kit test; đồng thời chính quyền địa phương phải vào cuộc để kiểm tra và xử lý. Việc này đã được các địa phương vào cuộc tương đối tốt", Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định.
Để tránh việc kit xét nghiệm COVID-19 tiếp tục tăng giá, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng khuyến cáo người dân tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế, chỉ mua kit test khi thực sự cần thiết, có thể test mẫu gộp, không mua dự trữ để mất cân đối cung cầu. Các địa phương và cơ quan quản lý cần tăng cường thanh kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm.
Về việc công bố số ca F0, theo nguyên tắc thích ứng linh hoạt, trước diễn biến tình hình hiện nay, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng việc thống kê số F0 vẫn phải tiến hành bình thường để phục vụ cho công tác dự báo, dự đoán, nghiên cứu để đưa ra các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 cũng như các biện pháp phát triển kinh tế. Quy định về số ngày cách ly F1 cũng cần được tiếp tục thực hiện nhằm đảm bảo mục tiêu giảm số ca mắc COVID-19.
- Quản lý chặt chất thải từ các F0 điều trị Covid-19 tại nhà
- Hướng dẫn sử dụng và giá thuốc điều trị Covid-19
- 9 hướng dẫn F0 điều trị tại nhà cần biết
Đối với vấn đề tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - 11 tuổi đang được dư luận quan tâm, ông Đỗ Xuân Tuyên cho biết: Trước khi xây dựng kế hoạch này, Bộ Y tế đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và được cho ý kiến. Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế cũng đã báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư xin ý kiến về nội dung này, sau đó Bộ đã tổng hợp ý kiến trình Chính phủ. "Chính phủ đã có Nghị quyết cho mua vaccine với số lượng 21,9 triệu liều, tiêm cho khoảng 11,8 triệu trẻ em. Thủ tướng đã có quyết định cho Bộ Y tế mua theo cơ chế đặc biệt, theo điều 26 của Luật Đấu thầu", ông Tuyên cho hay.
Cùng với đó, căn cứ ý kiến của các thành viên Chính phủ, Bộ Y tế đã phối hợp rất chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo để lấy ý kiến cộng đồng, đặc biệt là phụ huynh học sinh từ 5 - 11 tuổi. Theo đó, tỷ lệ "đồng tình cao" khoảng 78%; tỷ lệ "đồng tình" khoảng 18%; tổng cộng đạt 95 - 96%.
Bộ Y tế cũng đã họp và thống nhất với Pfizer để xây dựng dự toán và kế hoạch đấu thầu, phấn đấu trong quý I/2022 (tháng 3/2022) đưa về 7 triệu liều vaccine cho trẻ em; trong quý IV/2022 đưa về nốt 14,9 triệu liều.
Phong tỏa, kê biên, thu hồi hơn 1.600 tỷ đồng tài sản của bị can và đối tượng liên quan vụ Việt Á
Liên quan đến tiến độ điều tra, xử lý vụ việc của Công ty Việt Á, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết: Bộ Công an đã làm xuyên Tết, thậm chí là "xuyên COVID-19" để thúc đẩy quá trình điều tra xét xử vụ Việt Á. Đến nay Cơ quan điều tra của Bộ Công an đã yêu cầu công an điều tra tại 62/63 tỉnh, thành phố tiến hành thu thập các tài liệu liên quan đến việc Công ty Việt Á bán kit xét nghiệm trực tiếp, gián tiếp cho các tổ chức, cá nhân, pháp nhân tại các địa phương để tiến hành tổng hợp, củng cố, xác minh làm rõ đầy đủ hành vi của các đối tượng trong vụ án. Hiện nay công an các địa phương đang tích cực triển khai.
Về việc thu hồi tài sản, đến nay Cơ quan điều tra đã tiến hành phong tỏa, kê biên, thu hồi tài sản của các bị can và các đối tượng có liên quan với số tiền hơn 1.600 tỷ đồng. Thực hiện yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Cơ quan điều tra đang tích cực đẩy nhanh tiến độ điều tra xác minh tại các bộ, ngành có liên quan để làm rõ hành vi sai phạm trong việc giao nhiệm vụ nghiên cứu, nghiệm thu, chuyển giao, cấp phép lưu hành sản xuất, hiệp thương giá, thông tin, quảng cáo, tổ chức sản xuất, đánh giá chất lượng sản phẩm, việc mua bán sản phẩm...
Đảm bảo công tác phòng dịch trong các cơ sở giáo dục
Thông tin tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho biết: Bộ đã phối hợp với Bộ Y tế, UBND các tỉnh hướng dẫn việc tổ chức cho học sinh trở lại trường học trực tiếp; có Công văn số 4726/BGDĐT-GDTC gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục.
Theo đó, các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 3, 4 sẽ tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với dạy học trực tuyến, trên truyền hình, giao bài tự học... Các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 1 và cấp độ 2 (nguy cơ thấp và trung bình) sẽ tổ chức dạy học trực tiếp; củng cố các điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị, phương tiện để sẵn sàng chuyển sang các hình thức dạy học khác khi dịch diễn biến phức tạp.
Khi đi học trực tiếp, với cấp tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có văn bản hướng dẫn riêng, tùy từng địa phương sẽ có sự chỉ đạo cụ thể và sát với thực tế hơn. "Qua kiểm tra cho thấy, cơ bản các địa phương tuân thủ theo chỉ đạo của Chính phủ" – Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho hay.
Về tổ chức ăn bán trú, theo Thứ trưởng Ngô Thị Minh, Bộ đã có lưu ý các địa phương. Riêng ở Hà Nội, Bộ đã có văn bản đề nghị UBND thành phố rà soát các điều kiện đảm bảo công tác phòng, chống dịch trong các cơ sở giáo dục để việc tổ chức ăn bán trú cho học sinh mầm non khi các em đến trường, bảo đảm thuận lợi nhất cho phụ huynh và học sinh.
TTXVN