Vụ tấn công Syria chỉ là màn pháo hoa tốn kém
(Thethaovanhoa.vn) - Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể tuyên bố “nhiệm vụ hoàn thành” sau vụ tấn công Syria cùng đồng minh Anh và Pháp.
- Tomahawk chỉ là 'nghi binh', đây mới là dàn vũ khí thực sự Mỹ dùng không kích Syria
- Nga: Hình ảnh vụ tấn công hóa học tại Syria có dấu hiệu dàn dựng
- Chiến hạm Nga lừng lững chở xe tăng tới Syria
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng thực tế ông Trump không thay đổi được điều gì ở Syria, ngoại trừ hoàn thành những gì ông đã tuyên bố.
Theo một bài bình luận trên trang medium.com, vụ Mỹ, Anh và Pháp nã hơn 100 quả tên lửa vào các mục tiêu ở Syria ngày 14/4 là “một màn bắn pháo hoa quân sự tốn kém” nhằm đáp trả một sự kiện bị tạo dựng.
Scott Adams, họa sĩ tranh biếm họa người Mỹ nổi tiếng nhận xét: “Ai đó đã dàn dựng tội ác chiến tranh và chúng ta dàn dựng một phản ứng đáp trả”.
Nhìn vẻ ngoài, vụ không kích lúc trời còn tối đen của bộ ba Mỹ, Anh, Pháp được coi là thành công quân sự vang dội. Cả trăm quả tên lửa đã đánh trúng mục tiêu.
Các video do Bộ Quốc phòng Mỹ đăng đã phô diễn năng lực tấn công đa năng của quân đội Mỹ. Từ Địa Trung Hải, một quả tên lửa hành trình Tomahawk phóng từ tàu ngầm USS John Warner. Từ tàu USS Monterey, một quả nữa thắp sáng bầu trời đêm. Ngoài ra, còn có cảnh quay thành viên phi hành đoàn Không quân Mỹ hối hả chuẩn bị triển khai máy bay ném bom B1.
Trang mạng xã hội Twitter của văn phòng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đăng đoạn video ghi cảnh chiến đấu cơ Pháp cất cánh tham gia cuộc tấn công Syria. Ngoài ra, còn có ảnh ông Macron ra lệnh cho quân đội tấn công vào các mục tiêu ở Syria.
Sau vụ tấn công chớp nhoáng chừng 60 phút, Tổng thống Trump đăng dòng trạng thái chúc mừng Pháp và Anh về vụ tấn công được thực hiện hoàn hảo và cảm ơn họ vì “sự thông thái và sức mạnh của quân đội tinh nhuệ”. Ông kết luận: “Không thể mong kết quả tốt hơn. Nhiệm vụ đã hoàn thành!”.
Tờ The Guardian bình luận: Tổng thống Mỹ dường như không nhớ rằng người tiền nhiệm George W. Bush cũng từng đưa ra tuyên bố tương tự trong năm 2003 sau khi ông đưa quân Mỹ vào Iraq.
The Guardian cũng nhận định vụ tấn công Syria nhằm đáp trả chính phủ nước này với cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học đã được Mỹ thực hiện mà không hề có kế hoạch lâu dài cho hòa bình ở Syria cũng như không hề có chiến lược địa chính trị chặt chẽ.
Do đó, tình hình ở Syria hầu như không có biến chuyển gì sau vụ tấn công, ngoại trừ những đống đổ nát tại các mục tiêu hứng tên lửa Tomahawk của Mỹ.
Cơ sở nghiên cứu khoa học ở Barzeh, phía bắc thủ đô Damascus là một trong số mục tiêu. Đây từng là một tòa nhà phức hợp rộng rãi, hiện đại và bị phương Tây nghi là nơi vận hành chương trình vũ khí hóa học của chính phủ Syria. Ngày 15/4, ngay sau cuộc tấn công, các tòa nhà văn phòng ở đây chỉ còn là đống gạch vụn.
Còn tại những nơi khác ở Syria, mọi thứ vẫn tiếp tục như chưa hề có vụ không kích. Tổng thống Bashar al-Assad sáng hôm sau vẫn bình thản tới văn phòng làm việc.
Thậm chí, ngay tại thời điểm xảy ra tấn công, Khalil Abu Hamza, một người dân Syria sống ngay cạnh hiện trường bị tấn công còn nói: “Tôi ngủ suốt vụ tấn công. Dù sao đây cũng chỉ là diễn kịch thôi mà”. Một người dân khác tên Taha 33 tuổi còn kể mình và vợ xem tin tức tới sáng, còn mẹ anh thì còn không bận tâm.
Sáng hôm sau, đường phố Damascus vẫn như thường lệ, đông đúc người và người. Bầu không khí vẫn bình thường. Chị Samia 34 tuổi cho biết: “Mọi người vẫn bình thường… Tôi không biết tại sao vụ việc lại bị thổi phồng lên. Chúng tôi đã trải qua chiến tranh suốt 7 năm qua. Đó chỉ giống như một ngày khác thôi”.
Theo CNN, cuộc tấn công của Mỹ cùng Anh, Pháp không làm thay đổi cục diện chiến tranh ở Syria. Vị thế của Tổng thống Assad vẫn không thay đổi. Quân đội chính phủ Syria vẫn đang giành lợi thế với phe đối lập Syria. Phần lớn các thành phố lớn đã nằm trong tầm kiểm soát của chính phủ Syria. Cuộc tấn công không thể quay ngược thời gian hay giúp phe đối lập chiếm lại được những khu vực đã mất vào tay lực lượng Syria.
CNN cho rằng bất kỳ sự can thiệp nào nữa của Mỹ và đồng minh sẽ chỉ làm chiến tranh căng thẳng hơn chứ không thay đổi được cục diện. Trong thực tế, chính Tổng thống Trump và cả Thủ tướng Anh Theresa May đều xác định điều này trước khi thực hiện vụ tấn công. Cả hai không định thay đổi chế độ ở Syria và mục tiêu chỉ là trừng phạt vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học ở Douma.
Ngay sau vụ tấn công Syria, một số nhà bình luận phương Tây đã vội nhận định rằng đây là khởi đầu cho một Chiến tranh Thế giới thứ ba. Kể cả ở Nga, một số tờ báo cũng hướng dẫn người dân cần tích trữ gì trước khi trốn trong boongke.
Tuy nhiên, theo bình luận của tờ Aljazeera, báo chí phương Tây và cả Nga đã quá lo xa. Không những không có gì thay đổi ở Syria mà bên ngoài Syria cũng vậy. Nga và Mỹ sẽ không đối đầu trực diện sau vụ tấn công Syria. Thực tế là Tổng thống Nga Vladimir Putin đã không đáp trả Mỹ như đã đe dọa. Mỹ và Nga đã tránh được cuộc xung đột trực diện tại Syria, một phần là nhờ Mỹ thận trọng, tránh xa các tài sản Nga tại Syria, một phần là nhờ cuộc tấn công không gây thương vong gì đáng kể.
Dù không thay đổi cục diện ở Syria và không gây thương vong đáng kể cho dân thường, nhưng vụ tấn công vẫn là một động thái nguy hiểm. Theo ông Osama Danura, chuyên gia chính trị Syria, nhận định với Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) rằng động thái của Mỹ, Anh và Pháp nguy hiểm không chỉ về phía Syria mà còn đối với an ninh, hòa bình thế giới vì các nước này đã vi phạm luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.
Quan hệ Nga và Mỹ sẽ chứng kiến nhiều căng thẳng hơn sau các cuộc tấn công mà nếu không cẩn thận, có thể khiến thế giới trở lại thời Chiến tranh Lạnh, thậm chí tồi tệ hơn.
TTXVN