Vụ sách giáo khoa giả tại Hà Nội: Khởi tố 3 cán bộ Quản lý thị trường
(Thethaovanhoa.vn) - Mở rộng điều tra vụ án sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả tại Hà Nội với quy mô lớn, ngày 23/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an (C03) đã khởi tố bổ sung vụ án và khởi tố bị can đối với 3 cán bộ Quản lý thị trường về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an (C03) đang điều tra vụ án “Sản xuất, buôn bán hàng giả, xảy ra tại Công ty cổ phần In và Văn hóa truyền thông Hà Nội, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất và Thương mại Phú Hưng Phát và các đơn vị liên quan.
Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được trong quá trình điều tra vụ án, ngày 23/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an ra Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố vụ án hình sự "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra Đội Quản lý thị trường số 17, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội và một số đơn vị liên quan.
Đồng thời, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an ra Quyết định khởi tố bị can đối với: Lê Việt Phương (nguyên Phó Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 17, nay là Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 14); Phạm Ngọc Hải và Thành Thị Đông Phương (nguyên kiểm soát viên Đội Quản lý thị trường số 17, nay là kiểm soát viên Đội Quản lý thị trường số 14, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội) theo tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Cơ quan Công an áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt bị can để tạm giam.
Cùng ngày 23/7, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn các Quyết định và Lệnh tố tụng nêu trên. Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã tống đạt các Quyết định và Lệnh nêu trên đối với 3 bị can đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đang khẩn trương điều tra, củng cố tài liệu chứng cứ về hành vi phạm tội của các bị can, mở rộng điều tra vụ án đối với các tổ chức, cá nhân liên quan, xác minh thu hồi tài sản theo quy định của pháp luật.
Trước đó, từ ngày 18-22/6/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động và Nhà xuất bản Giáo dục tiến hành bắt quả tang các đối tượng tham gia in ấn, gia công, tiêu thụ sách giả tại xưởng in sách số 297 đường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, Hà Nội; các xưởng gia công sách giả tại số 315 đường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai và thôn Viêm Khê, xã Hợp Tiến, huyện Mỹ Đức, Hà Nội của Công ty Cổ phần In và Văn hóa truyền thông Hà Nội; trụ sở ở Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Sản xuất Phú Hưng Phát tại số 14 ngõ 197 Hoàng Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Lực lượng Công an cũng khám xét khẩn cấp hơn 50 địa điểm của đường dây sản xuất và tiêu thụ các loại sách giáo khoa giả trên địa bàn các tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Thanh Hóa.
Mở rộng điều tra, ngày 23/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án "Sản xuất, buôn bán hàng giả" xảy ra tại Công ty Cổ phần In và Văn hóa truyền thông Hà Nội; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Sản xuất Phú Hưng Phát và các đơn vị có liên quan.
- Góc nhìn 365: Cuộc chiến sách giả
- 'Cuộc chiến' với xuất bản phẩm giả: Bài 3: Nói 'Không' với sách giả, sách không bản quyền
- Cuốn sách giải đáp câu hỏi: Dạy con về tài chính và tạo lập tính cách như thế nào?
Cơ quan cảnh sát điều tra cũng khởi tố, bắt tạm giam, khám xét đối với 7 bị can, trong đó có 5 bị can thuộc Công ty Cổ phần In và Văn hóa truyền thông Hà Nội gồm: Hoàng Mạnh Chiến (sinh năm 1982), Giám đốc; Nguyễn Mạnh Hà (sinh năm 1972), Phó Giám đốc; Hoàng Thị Ánh Vân (sinh năm 1983), Kế toán trưởng; Nguyễn Đức Khương (sinh năm 1980), Chủ xưởng gia công sách; Đỗ Đức Thắng (sinh năm 1972), nhân viên thiết kế đồ họa.
Hai bị can khác thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Sản xuất Phú Hưng Phát là Cao Thị Minh Thuận (sinh năm 1979), Giám đốc, Chủ các Nhà sách Minh Thuận, 358 Nguyễn Trãi, Hà Nội và Nguyễn Hữu Trung (sinh năm 1980), nhân viên.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tạm giữ nhiều vật chứng trong vụ án, cụ thể: hơn 3,2 triệu quyển sách giáo khoa giả các loại của Nhà xuất bản Giáo dục; 3 hệ thống dây chuyền máy in offset, nhiều máy gia công sách giả; hơn 1,5 triệu tem giả của Nhà xuất bản Giáo dục và nhà xuất bản khác; 5 ô tô tải và nhiều máy móc, công cụ dùng để bốc xếp, vận chuyển sách; khoảng 20 tỷ đồng từ nguồn thu bất hợp pháp…
Xuân Tùng/TTXVN